Tin hot

Lời giải cho bài toán tái cơ cấu nông nghiệp ở những xã vùng lũ Nho Quan


Thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Nho Quan xác định hình thành các vùng sản xuất chuyên canh phù hợp với lợi thế từng vùng miền trong đó những xã vùng lũ, vùng trũng sẽ tập trung cho chăn nuôi thuỷ sản. Đến nay, diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn huyện ngày càng mở rộng. Nhiều hộ dân đã chuyển đổi diện tích đất hoang hoá và diện tích trồng lúa không hiệu quả để phát triển các mô hình nuôi thủy sản bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nuôi thuỷ sản ở Nho Quan cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Đức Lam

Hiệu qủa bước đầu

Huyện Nho Quan có 18/27 xã thuộc vùng trũng, vùng lũ. Vụ mùa năm 2016, huyện đã vận động nông dân ở các xã vùng chiêm trũng, vùng lũ chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi cá kết hợp với cấy lúa. Mô hình này không chỉ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm cá và lúa sạch cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh mà còn giúp nhiều nông dân vùng trũng, vùng lũ trong huyện nâng cao thu nhập.

Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình nuôi thủy sản ở xã Văn Phong, ông Bùi Văn Sáu, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: Diện tích này trước đây chỉ trồng cấy vụ đông xuân, vào vụ mùa thường bỏ không, thực hiện chủ trương tập trung ruộng đất để chuyển sang nuôi thủy sản xã Văn Phong đã phát động nhân dân dồn điền đổi thửa đến nay được gần 50 ha đi vào sản xuất ổn định và thành lập được 3 HTX nuôi thuỷ sản với hơn 40 xã viên. Bước đầu theo đánh giá của huyện thu nhập từ nuôi cá đạt 90-100 triệu đồng/ha, cao gấp 5-7 lần so với cấy lúa.

Điển hình như mô hình của gia đình ông Nguyễn Văn Kiên, xã Văn Phong đã đấu thầu hơn 3 mẫu ao, ruộng để nuôi thả các loại cá truyền thống như chép, trắm cỏ và cá trôi…mỗi năm thu hoạch từ 8-10 tấn cá các loại, trừ chi phí thu lãi 150 triệu đồng. Do không tốn nhiều chi phí thức ăn, công chăm sóc, thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với chuyên canh lúa. Ông Nguyễn Văn Kiên cho biết, nuôi cá nhàn hơn mà thu nhập lại cao hơn gấp nhiều lần so với cấy lúa, làm cá có thể tranh thủ được thời gian để làm thêm những việc khác.

Được biết, từ năm 1993, một số hộ dân trong xã đã bắt đầu nôi cá theo hình thức quảng canh. Nhận thấy hiệu quả từ nuôi trồng thuỷ sản nên nhiều hộ dân học theo. Tuy nhiên tất cả các hộ chỉ nuôi với quy mô nhỏ lẻ và cung cấp cho thị trường theo mùa vụ. Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của UBND huyện Nho Quan, xã đã tiến hành khảo sát, đánh giá tất cả các diện tích sản xuất và quy hoạch những diện tích phù hợp với từng cây trồng. Đối với diện tích trồng lúa kém hiệu quả, khuyến khích bà con chuyển sang nuôi thuỷ sản. Sau khi chuyển đổi, quy hoạch các vùng sản xuất, toàn xã vẫn còn quỹ đất chuyển sang nuôi thủy sản là gần 20 ha. Đây là những vị trí ven sông, ven đê thuận lợi cho nuôi thả cá; việc mở rộng diện tích là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy kinh tế thủy sản, nâng cao thu nhập trên địa bàn, nhất là đối với một xã vùng trũng thường xuyên bị ngập úng như Văn Phong.

Ông Trịnh Đức Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: Thực hiện nhiệm vụ Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện theo lợi thế từng vùng: Vùng trũng chủ yếu phát triển theo phương thức chuyên canh cá, lúa - cá, cá - lúa - vịt đẻ trứng, cá - cây ăn quả, vụ mùa năm 2016, huyện Nho Quan đã chuyển đổi được hơn 250 ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, đưa tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của toàn huyện lên gần 3.000ha, tăng 3% so với năm 2015, chủ yếu tập trung ở các xã Thanh Lạc, Thượng Hòa, Phú Lộc, Văn Phong…Thời tiết thuận lợi nên dịch bệnh ít, cá sinh trưởng và phát triển tốt và chuẩn bị cho thu hoạch; sản lượng ước đạt 7.200 tấn, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2015.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Theo ông Trịnh Đức Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện: Mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản đang là hướng đi đúng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của Nho Quan. Với hướng đi này đã góp phần đa dạng cơ cấu mùa vụ, phá thế độc canh cây lúa, thu nhập của người dân địa phương từ đó tăng lên đáng kể. Tuy nhiên việc chuyển đổi này vẫn gặp nhiều khó khăn do cả khách quan và chủ quan. Đó là, mặc dù có bước tăng trưởng, tuy nhiên nông nghiệp nói chung và nuôi trồng thuỷ sản nói riêng trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn, như: thiên tai, dịch bệnh, thị trường nông sản thiếu ổn định, ảnh hưởng đến đời sống một bộ phận dân cư nông thôn. Đặc biệt nguồn vốn ưu đãi cho vay, đầu tư cho phát triển sản xuất còn nhiều hạn chế. Đối với những diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi cá rất khó để chứng minh tài sản thế chấp vay vốn tín dụng. Bên cạnh đó, thủ tục tín dụng phức tạp khiến người dân ngại tiếp cận. Ngoài ra, hành lang pháp lý cho việc chuyển đổi diện tích từ trồng lúa sang nuôi trồng thuỷ sản với quy mô lớn vẫn chưa đầy đủ nên việc thu hút doanh nghiệp vào địa bàn còn hạn chế.

Trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi, người nông dân vẫn chưa mạnh dạn chủ yếu làm theo kinh nghiệm của nhau. Tình trạng sản xuất nhỏ, phân tán còn phổ biến, sức cạnh tranh thấp; chưa có sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu; sản xuất chưa gắn kết thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp dù có chuyển biến, nhưng vẫn chậm đổi mới, chưa phát triển sản xuất hàng hóa mạnh ở nông thôn. vì vậy năng suất chưa cao, chưa có định hướng sản xuất theo nhu cầu của thị trường dẫn đến tình trạng bị thương lái ép giá.

Trong thời gian tới huyện Nho Quan tiếp tục vận động nhân dân 18 xã vùng lũ và vùng trũng chuyển đổi các diện tích trồng lúa không hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là ở các xã Lạc Vân, Gia Tường, Đức Long...Đi đôi với việc vận động nhân dân tích tụ ruộng đất. Huyện sẽ tiếp tục có cơ chế chính sách thuận lợi để mời gọi những nhà đầu tư, những doanh nghiệp lớn vào đầu tư kết hợp nhân dân tạo ra những mô hình sản xuất lớn phù hợp với nhu cầu thị trường.

Có thể khẳng định, mô hình kết hợp trồng lúa nuôi cá là phù hợp với điều kiện các xã vùng lũ của huyện Nho Quan. Đặc biệt là phù hợp với chủ trương của nhà nước hiện nay là chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa nhưng đã không làm mất diện tích đất trồng lúa và giúp tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích đất và đây là mô hình sinh thái bền vững, thân thiện môi trường, tạo ra sản phẩm cá và lúa sạch đạt chất lượng an toàn thực phẩm, cần được phát triển nhân rộng để góp phần thực hiện thành công đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh.

Theo Nguyễn Thơm - Báo Ninh Bình

Tìm kiếm chúng tôi