Toàn cảnh buổi toạ đàm. Ảnh: Xuân Hoàng |
Sáng 26/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tọa đàm phát triển các mô hình ứng dụng chuyển đổi số trong nuôi trồng thủy sản. Đồng chủ trì buổi tọa đàm có các đồng chí: Trần Xuân Học - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tạ Quang Sáng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh.
Tham gia tọa đàm có đại diện Chi cục Thủy sản; Chi cục Chăn nuôi và Thú y; Trung tâm Giống thủy sản Nghệ An; các công ty sản xuất giống thủy sản trên địa bàn tỉnh; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành, thị và gần 100 nông dân đại diện cho một số hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân nuôi trồng thủy sản quy mô lớn trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, giai đoạn 2016-2022 đơn vị đã thực hiện thành công 24 mô hình nuôi trồng thủy sản nước mặn lợ, nước ngọt theo hướng tăng hàm lượng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, VietGAP, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, như: Mô hình nuôi lươn trong bể xi măng không bùn; mô hình nuôi cá rô phi, cá trắm trong lồng; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng xen cá rô phi; mô hình nuôi cá trắm giòn, chép giòn; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong lồng nuôi...
Nuôi tôm theo quy trình VietGAP ở huyện Quỳnh Lưu. Ảnh tư liệu: Phú Hương |
Để ứng dụng số hóa trong nuôi trồng thủy sản, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ quản lý tự động các yếu tố môi trường trong nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn, góp phần hạn chế các thiệt hại do dịch bệnh, giám sát các yếu tố môi trường, giảm giá thành và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Định hướng của Nghệ An trong phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2025 là phát triển ngành tôm bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Đối tượng nuôi chủ lực là tôm thẻ chân trắng, hình thức nuôi chủ yếu là thâm canh. Đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao như: công nghệ sinh học, nuôi nhiều giai đoạn, nuôi tuần hoàn... Tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại thủy sản, liên kết cơ sở sản xuất nhỏ lẻ để tạo vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn. Mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi tôm cả năm của Nghệ An 2.200 ha, sản lượng nuôi tôm đạt 12.500 tấn.
Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện ở Tương Dương. Ảnh tư liệu: Quang An |
Tại buổi tọa đàm, một số đơn vị giới thiệu một số thiết bị nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số đối với máy đo môi trường tự động, vệ sinh đầu dò tự động, tủ điều khiển tự động, máy cho ăn tự động, nguyên liệu đầu vào, kết nối đầu ra...
Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ nuôi trồng thủy sản bằng sản phẩm lồng vật liệu nhựa HDPE và các sản phẩm phục vụ nghề nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng được giới thiệu. Theo đó, lồng nhựa HDPE có khả năng chống chịu được với sóng gió và có thể sử dụng được nhiều loại tài nguyên nước: Hồ thủy điện, ao, suối, sông và các vùng biển.
Ông Tạ Quang Sáng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho rằng, lâu nay bà con nông dân nuôi tôm mặn lợ, áp dụng quy trình VietGAP ghi chép đầu vào, đầu ra bằng tay vào sổ sách, thiếu tính chính xác. Do vậy, buổi tọa đàm giúp người nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm mặn lợ được giới thiệu quy trình ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong nuôi trồng thủy sản. Qua đây, bà con cần ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong nuôi tôm, tạo thuận lợi hơn trong việc kiểm soát các nguồn đầu vào, mang lại hiệu quả cao trong quá trình nuôi và tiêu thụ, nhất là xuất khẩu.
Tới đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ triển khai thực hiện một số mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số đối với nuôi tôm mặn lợ.