Tin hot

Vượt đại dịch, Nông nghiệp Bắc Giang thắng lớn


Từng là tâm dịch lần thứ 4, đúng thời điểm nhiều mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch, tưởng như Bắc Giang phải chạy đua với những cuộc “giải cứu”, những đợt “đại hạ giá”, trái lại, năm 2021, ngành Nông nghiệp lại thắng lớn, được mùa toàn diện.

Phóng viên Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang để rõ hơn về kết quả này.

Từng là tâm dịch lần thứ 4, đúng thời điểm có nhiều mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch, xin ông cho biết khó khăn mà ngành Nông nghiệp Bắc Giang gặp phải?

 

Cuối tháng 5, đầu tháng 6/2021, dịch diễn ra trên toàn quốc, Bắc Giang là tâm dịch, dẫn tới việc lưu thông hàng hoá gặp không ít khó khăn, các hoạt động tập trung đông người bị hạn chế, dẫn tới lượng tiêu thụ giảm. Trong khi đó, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, có loại tăng tới 50%.

Đúng thời điểm này, nhiều sản phẩm đến kỳ thu hoạch, thời gian thu hoạch ngắn, như vải thiều tiêu thụ khoảng 2 tháng, trong khi sản lượng lên tới hơn 200.000 tấn. Dịch bệnh trong chăn nuôi rất căng thẳng, nhiều tỉnh xảy ra dịch; trong khi 60-65% hàng hoá ngành Nông nghiệp Bắc Giang tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, khi có dịch, rất khó lưu thông.

 

1.jpg

Năm 2021, thời gian thu hoạch vải thiều trùng với đợt dịch lần thứ 4 nhưng hơn 200.000 tấn vải đã được Bắc Giang tổ chức tiêu thụ thành công.

 

Vậy, kết quả ngành Nông nghiệp tỉnh đạt được như thế nào, thưa ông?

Khó khăn là vậy, song trồng trọt được mùa toàn diện. Sản xuất lúa được mùa cả hai vụ, năng suất đạt 58,2 tạ/ha, mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Các loại cây ăn quả được mùa, được giá, vải thiều đạt 215.000 tấn, vượt xa kế hoạch; na trên 15.000 tấn; cam, bưởi khoảng 85.000 tấn.

Chăn nuôi tăng mạnh, chưa bao giờ đàn gia cầm tăng như năm 2021, đạt trên 20 triệu con, tăng 6%; chăn nuôi lợn duy trì ổn định; tổng sản lượng thuỷ sản tăng trên 5%; lâm nghiệp thắng lớn, sản lượng gỗ khai thác đạt 950.000 tấn, vượt cao so với kế hoạch.

Có thể khẳng định, năm 2021, ngành Nông nghiệp Bắc Giang được mùa, được giá; vải thiều, gà đồi bán rất tốt, lợn giữ giá, gỗ bán rất thuận lợi.

Năm 2021, ngành Nông nghiệp Bắc Giang được đánh giá là thắng toàn diện, ông có thể chia sẻ cách làm?

Để đạt kết quả nói trên, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật được tỉnh quan tâm, như sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… nên năng suất đạt cao, giá trị trên đất nông nghiệp đạt 135 triệu đồng/ha, trong khi theo kế hoạch chỉ là đạt 120 triệu đồng/ha.

Năm 2021, tăng trưởng ngành Nông nghiệp đạt 4,2%, vượt 210% kế hoạch đề ra. Bức tranh nông nghiệp rất sáng, được mùa, được giá, được trên đơn vị diện tích. Vai trò của nông nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn làm an dân, yên dân trong dịch, sau dịch, trong tỉnh và ngoài tỉnh…

Tuy bị cách ly, nhưng huyện, tỉnh, Trung ương luôn quan tâm, đồng hành nên người dân rất phấn khỏi, nhân dân tin tưởng vào chính quyền, vào Đảng.

Từ kết quả thắng lợi nói trên tạo ra nguồn lực, nội lực xây dựng nông thôn mới (NTM). Khi dịch bệnh, xây dựng NTM rất khó, nhưng Bắc Giang lập kỷ lục khi có tới 2 huyện và thành phố hoàn thành xây dựng NTM, 14 xã đạt chuẩn, 17 xã NTM nâng cao. Chưa bao giờ có nhiều kỷ lục như vậy, bức tranh nông nghiệp rất  sáng.

Bắc Giang phát triển nông nghiệp theo đúng định hướng các sản phẩm chủ lực quy mô lớn như: vải thiều, gà, lợn lúa; tập trung khai thác triệt để lợi thế của địa phương, tạo ra các sản phẩm OCOP, từng làng, từng xã phải khai thác triệt để lợi thế của mình. Dịch diễn biến phức tạp nhưng Bắc Giang có tới 60 sản phẩm đạt OCOP/năm, luỹ kế tỉnh có 155 sản phẩm OCOP.

Đây là nhưng sản phẩm có tem, nhãn, mác, bao bì, có thương hiệu, tạo nên niềm tin, tạo giá trị. Ngày trước vẫn sản phẩm đó, chưa là sản phẩm OCOP giá khác, khi là OCOP, giá khác hẳn.

 

2.jpg

Hiện, Bắc Giang có 155 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, nhiều sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao.

 

Ngành đã rút ra bài học gì trong công tác chỉ đạo, điều hành, thưa ông?

Cái khó ló cái khôn, khi bị ép vào chân tường thì nghĩ ra cách làm sáng tạo, linh hoạt, thực tiễn là bài học số 1 trong nông nghiệp. Bắc Giang trong lúc cách ly vẫn cho lưu thông vật tư, nông sản. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo, đúng thực tiễn, bám thực tiễn, nếu không sát thực tiễn sẽ thất bại.

Phải có những chỉ đạo khác bình thường, phù hợp với trường hợp đặc biệt. Ví dụ: xây dựng vùng vải thiều sạch dịch bệnh; chứng nhận lô vải an toàn Covid-19; thành lập các tổ Covid cộng đồng; thành lập điểm kết nối cung cấp tiêu thụ nông sản; công bố số điện thoại của lãnh đạo Sở trên các phương tiện truyền thông để người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn có thể gọi, trao đổi, tháo gỡ kịp thời. Đây là những chỉ đạo đặc biệt, trước đây chưa bao giờ làm.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển mạnh tư duy hành chính sang tư duy dịch vụ, nâng hạng PCI. Do vậy, các thủ tục hành chính tại Sở Nông nghiệp và PTNT, 100% trả trước hạn cho người dân, doanh nghiệp. Phân cấp mạnh cho huyện; áp dụng ký số điện tử, hiện Sở thực hiện 100%  ký số, cải cách hành chính một cách quyết liệt.

Dịch Covid-19 như thế nhưng sở đã tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, với người dân. Trước khi đối thoại nội dung được chuẩn bị công phu, được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao.

Tư duy trong viên chức, công chức, cán bộ chuyển biến mạnh, ai gây khó khăn, gây lực cản, ai còn phong bì, phong bao là bị dẹp ngay. Lĩnh vực nông nghiệp rất khó khăn, ít lợi nhuận, công chức, công quyền mà nhiêu khê sẽ tạo sự chán nản cho người dân, cho doanh nghiệp.

Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào nông nghiệp là xu thế tất yếu. Xin ông cho biết, Bắc Giang đã và đang tận dụng công nghệ số vào ngành Nông nghiệp như thế nào?

Theo chỉ đạo của tỉnh, Bắc Giang phải đi đầu trong chuyển đổi số, trong đó có nông nghiệp. Bắc Giang đang đứng thứ 10 toàn quốc về chuyển đổi số. Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Nghị quyết, UBND tỉnh có Kế hoạch về chuyển đổi số, trong đó nông nghiệp được ưu tiên, do có nhiều dư địa để phát triển.

Do vậy, chuyển đổi số được sở đặc biệt quan tâm, đây là cái mới, cái khó nhưng vẫn phải làm, không làm sẽ bị tụt hậu bởi các lý do:

Thứ nhất, xu hướng phát triển công nghiệp, dịch vụ nên lao động trong nông nghiệp ngày càng giảm.

Thứ hai, sự già hoá trong lao động nông nghiệp, buộc phải nghĩ đến khoa học công nghệ, buộc phải nghĩ đến 4.0 mới thích ứng được. Đấy là xu thế tất yếu.

Thứ ba, phải theo xu thế tiêu dùng. Lớp trẻ hiện nay có xu thế tiêu dùng qua các sàn thương mại điện tử. Do vậy, xu hướng thời gian tới là thương mại điện tử, đây là xu thế mình phải nắm bắt được, nếu không sẽ tụt hậu.

Thứ tư, dịch Covid-19  diễn biến phức tạp, việc cách ly, giãn cách, hạn chế lưu thông sẽ còn kéo dài nhưng nhu cầu thực phẩm vẫn là thiết yếu, để đáp ứng, khắc phục tình hình này, tốt nhất là áp dụng thương mại điện tử.

Ngành Nông nghiệp Bắc Giang xác định một số định hướng: Xây dựng số hoá các mã vùng trồng, vùng sản xuất tập trung, có bản đồ số hoá vùng sản xuất.

Mã số hoá các vùng trồng tập trung, đặc biệt là vải thiều, tới đây phấn đấu những vùng trồng trên 10ha, 100% sẽ được cấp mã số vùng trồng. Từ mã số này, tiếp tục số hoá vùng trồng để nắm được quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng. Từ số hoá vùng sản xuất mới gắn kết với  thương mại điện tử.

Năm 2021, Bắc Giang có gần 1 triệu đơn hàng thương mai điện tử, trên 8.000 tấn vải thiều bán trên các sàn thương mại, đây là tín hiệu tốt. Tới đây, Sở sẽ đào tạo, tập huấn cho nông dân livestream, quản lý sổ điện tử, làm quen với thương mại điện tử.

Cơ sở dữ liệu của nông nghiệp phải xây dựng một cách bài bản để quản lý. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ làm số hoá nông nghiệp, như: hỗ trợ cho thiết bị không người lái để phun thuốc cho lúa, cho một số cây trồng; thiết bị không người lái quản lý phá rừng, cháy rừng… Số hoá này đang làm bước đầu, nhưng sẽ được triển khai đồng bộ và có lộ trình để có bước đi phù hợp.

Trân trọng cảm ơn ông!

 

 

Tác giả: Hoàng Văn (Thực hiện)
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm chúng tôi