Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu
Để phát triển bền vững, huyện Long Phú đã chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai, khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, nhất là những tháng cao điểm mùa khô vào đầu năm; khuyến cáo nông dân không sản xuất lúa vụ Đông Xuân muộn, mà chuyển đổi sang các loại cây trồng ít sử dụng nước tưới; thường xuyên theo dõi, thông báo về tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn để người dân chủ động tích trữ nước, ứng phó.
Đặc biệt, huyện đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thuỷ lợi để phục vụ sản xuất; duy tu, sửa chữa các cống, đập, công trình đã xuống cấp, nạo vét 7 công trình thủy lợi nội đồng với chiều dài 36.853m, khối lượng 168.245m3, kinh phí 4 tỷ 523 triệu đồng. Tuy nhiên, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khá mạnh nên 53,2ha lúa vụ Đông Xuân muộn; sạt lở bờ sông 13 điểm, dài 269m, làm thiệt hại 45m bờ kè, 67m đường đai, 157m bờ sông, bờ kênh, phải di dời 1 căn nhà và Phòng Thí nghiệm hiện trường Cống âu Rạch Mọp; thiệt hại 3,5 tỷ đồng... nhưng đã khắc phục nhanh chóng.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng kiểm tra và chúc Tết các hộ dân trên địa bàn huyện Long Phú |
Huyện cũng tích cực tham gia thực hiện đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2026 - 2030. Toàn huyện đăng ký thực hiện 8.150ha ở 9 xã, thị trấn, đề xuất 15 công trình cứng hóa bờ bao các kênh thủy lợi với tổng chiều dài 37.640m, 45 cầu kết nối và 1 cống thủy lợi, tổng kinh phí 164 tỷ 998 triệu đồng.
Long Phú đã triển khai mô hình điểm của Bộ NN&PTNT tại Hợp tác xã nông nghiệp Hưng Lợi với 50ha, áp dụng quy trình sản xuất của Cục Trồng trọt. Kết quả, giảm chi phí sản xuất 20,1% so với sản xuất ngoài mô hình (trong đó, chi phí lúa giống giảm 40%, phân bón hóa học giảm 34,2%, thuốc bảo vệ thực vật hóa học giảm 44,8%, nước tưới tiêu giảm 13%); lợi nhuận bình quân 49 triệu đồng/ha, tăng thu nhập cho người dân thêm 20 - 25%. Nhất là giảm 3.996kg khí CO2/ha/vụ, tương đương 29,6% so với sản xuất ngoài mô hình.
Tăng cao nhiều chỉ tiêu nông nghiệp
Tính theo năm lương thực, tổng diện tích xuống giống của 3 vụ lúa ở huyện là 38.056,91ha, tăng 2.055ha so năm trước, năng suất bình quân 5,96 tấn/ha, tổng sản lượng 226.653 tấn, đạt 122,89% chỉ tiêu; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa được 85,35ha, gồm cây lâu năm 51,56ha, cây hằng năm 33,79ha.
Diện tích gieo trồng màu và cây công nghiệp ngắn ngày 3.071ha, đạt 122,84% chỉ tiêu. Trong đó, màu lương thực 388ha, màu thực phẩm 1.418ha, cây công nghiệp ngắn ngày 1.265ha (mía 102,65ha). Ước diện tích cây lâu năm 4.131,5a; trong đó, cây ăn trái 2.441ha gồm nhãn, xoài, bưởi, mận, ổi.
Về chăn nuôi, tổng đàn gia súc 31.854 con (bò 6.013 con, trâu 33 con, heo 24.870 con, dê 938 con), đạt 109,78% chỉ tiêu. Tổng đàn gia cầm 517.080 con, đạt 154,35% chỉ tiêu.
Diện tích nuôi thủy sản 801,04ha (tôm nước lợ 289ha; cá da trơn 16,04ha; cá ao mương vườn 496ha), đạt 121,37% chỉ tiêu. Tổng sản lượng 7.781 tấn (tôm mước lợ 2.095 tấn, cá da trơn 4.516 tấn, cá ao mương vườn 967 tấn, khai thác 203 tấn), đạt 162,1% chỉ tiêu.
Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản là 172 triệu đồng/ha, đạt 101,18% chỉ tiêu.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được quan tâm, đến nay huyện có 21 sản phẩm đạt 3 sao. Nhiều điển hình như Song Phụng có 6 sản phẩm (trà đông trùng hạ thảo Bảo Đăng, đông trùng hạ thảo Bảo Đăng, trà túi lộc đông trùng hạ thảo Bảo Đăng, rượu đông trùng sâm bố chính, chanh leo ngọt Sáu Công, rượu đông trùng hạ thảo); Long Đức có 4 sản phẩm (lòng đỏ trứng vịt muối Gia Hân, mận xanh đường trung, gạo ST 25 và gạo lức ST 25). Nhiều xã, thị trấn đều có sản phẩm OCOP 3 sao.
Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công nghệ số
Huyện đã có 195 cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tăng 14 cơ sở so với năm 2023. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2024 đạt 929 tỷ 250 triệu đồng, tăng 6,2% so với năm 2023. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội là 10.944 tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2023.
Trong năm 2024, cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 139 hộ với tổng số vốn đăng ký 27 tỷ 265 triệu đồng, cấp thay đổi 46 hộ với số vốn tăng 708 triệu đồng. Hiện nay, huyện có 2.792 hộ được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với tổng số vốn 426 tỷ 036 triệu đồng. Toàn huyện có 28 hợp tác xã đang hoạt động, với vốn điều lệ 12 tỷ 548 triệu đồng; có 233 doanh nghiệp đang hoạt động.
Phối hợp với sở ngành tỉnh cung cấp thông tin các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn huyện như: Dự án khu nhà ở thương mại Long Phú, khu đô thị mới Đại Ngãi, khu đô thị mới Nam Sông Hậu, khu đô thị mới Hướng Sông Hậu, khu công nghiệp Đại Ngãi, cụm công nghiệp Long Đức 1 - Long Đức 2 - Long Đức 3, khu du lịch - thể dục thể thao (khu nghỉ dưỡng kết hợp sân Golf). Tỷ lệ hộ dân có điện trong toàn huyện đạt 99,88%, trong đó tỷ lệ hộ Khmer có điện sử dụng đạt 99,74%.
Trong năm, huyện giải quyết việc làm cho 2.785 lao động, đạt 111,40% kế hoạch. Trong đó, lao động làm việc có thời hạn theo hợp đồng ở nước ngoài là 40 người, đạt 133,33% kế hoạch; đào tạo nghề cho 810 người, đạt 162% kế hoạch.
Công tác chuyển đổi số, thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu, kết quả đã tiếp nhận 1.894/1.993 hồ sơ trực tuyến; kích hoạt thành công tài khoản 77.709/56.158 hồ sơ, đạt 138,38%. Hiện nay, số lượng thủ tục hành chính trên địa bàn huyện là 435 (cấp huyện 297 thủ tục hành chính, cấp xã 138 thủ tục hành chính), trong đó, có 56,57% thủ tục hành chính cấp huyện và 63,57% thủ tục hành chính cấp xã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến, giúp tổ chức, cá nhân có thể giao dịch 24/24 giờ trong ngày.
Giải pháp phát triển năm 2025
Lãnh đạo UBND huyện đánh giá, thắng lợi năm 2024 là nhờ chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó, phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đạt hiệu quả cao. Phát huy kết quả đó, năm 2025, huyện tập trung huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng Nông thôn mới; ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; đẩy mạnh cải cách hành chính, chú trọng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, chính quyền điện tử, tạo sự chuyển biến rõ nét trong sản xuất, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, nhằm nâng cao chỉ số cải cách hành chính.
Trong đó, giải pháp chính với từng ngành cụ thể: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng Nông thôn mới; tập trung phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và môi trường. Nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương.