Tin hot

“Thủ phủ” cà phê vươn mình từ hành trình 50 năm lịch sử


Chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk cùng Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 vừa qua đã thực sự tạo ra những kết quả nổi bật, cộng hưởng sức mạnh từ di sản lịch sử và vị thế “thủ phủ” cà phê Việt Nam, góp phần đưa Đắk Lắk vươn mình mạnh mẽ vào kỷ nguyên mới.

Từ nền tảng lịch sử vững chắc

Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975 là một dấu son chói lọi, mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 lịch sử. Nửa thế kỷ sau ngày giải phóng, để thể hiện sự tri ân sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đắk Lắk đối với thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu vì nền độc lập, tự do, Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột được tổ chức hết sức trang trọng, quy mô.

Các nghi lễ như: Lễ dâng hương; Lễ viếng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh; Lễ dâng hương, dâng hoa tại Di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột đã khơi dậy mạnh mẽ lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và truyền thống cách mạng.

Nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác đã được ký kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với các nhà nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc.

Công tác tuyên truyền, giáo dục cũng đạt hiệu quả vượt trội, nhất là Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk là một minh chứng rõ nét cho hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục trong kỷ nguyên số. Cuộc thi đã thu hút số lượng người tham gia đông đảo, lên tới 754.328 lượt dự thi chỉ sau 3 tuần. Đáng chú ý, không chỉ các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng (chiếm 77,7%) mà còn có rất nhiều thí sinh từ khắp cả nước tham gia (chiếm 22,3%). Con số này cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của cuộc thi trong việc quảng bá truyền thống cách mạng, văn hóa, lịch sử và những thành tựu nổi bật của Đắk Lắk đến đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Góc độ khoa học lịch sử cũng được khai thác sâu thông qua Hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng với chủ đề “Chiến thắng Tây Nguyên 1975 và nửa thế kỷ xây dựng, phát triển Đắk Lắk”. Hội thảo đã nhận được gần 90 tham luận của các nhà khoa học, nhân chứng lịch sử, là dịp để ôn lại truyền thống, tri ân những đóng góp to lớn. Quan trọng hơn, đây là diễn đàn để Đắk Lắk đánh giá chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển, từ đó đề ra những chủ trương, giải pháp mang tính chiến lược cho tương lai, xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp và bản sắc. Hội thảo cũng nhằm tôn vinh và khẳng định giá trị của Chiến thắng Tây Nguyên đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

 

"Thành công của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 là nguồn động lực mạnh mẽ để Đắk Lắk nỗ lực hơn trong hành trình vì mục tiêu xây dựng tỉnh Đắk Lắk phát triển nhanh, giàu đẹp, văn minh, bản sắc, tạo nền tảng vững chắc cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” - ông Nguyễn Thiên Văn, quyền Chủ tịch UBND tỉnh.

Hoạt động Triển lãm ảnh “Đắk Lắk - 50 năm xây dựng và phát triển” tại Bảo tàng Đắk Lắk cũng ghi nhận những kết quả tích cực. Với hơn 150 hình ảnh, tư liệu quý, triển lãm đã giới thiệu những dấu mốc lịch sử quan trọng của trận đánh và những thành tựu nổi bật của tỉnh trong 50 năm đổi mới. Triển lãm đã thu hút gần 5.000 lượt khách tham quan, với 779 đoàn, trong đó có cả khách quốc tế (41 đoàn/125 lượt khách)...

Đòn bẩy kinh tế, định vị thương hiệu cà phê

Song hành với lễ kỷ niệm lịch sử, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 đã khẳng định vai trò là một "đòn bẩy" cho nền kinh tế tỉnh nhà. Với chủ đề “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới”, gồm 17 hoạt động chính thức và nhiều hoạt động hưởng ứng, Lễ hội đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng người dân, du khách trong và ngoài nước.

Vai trò trung tâm của Lễ hội trong xúc tiến thương mại cà phê được thể hiện rõ qua Hội chợ triển lãm chuyên ngành và sản phẩm OCOP. Với 435 gian hàng của 180 doanh nghiệp trong nước và quốc tế, hội chợ không chỉ là không gian trưng bày mà còn là nền tảng quan trọng thúc đẩy kết nối giao thương. Kết quả là thông qua hội chợ đã có 30 hợp đồng, biên bản hợp tác được ký kết, với tổng giá trị trên 10 tỷ đồng, cùng doanh số bán hàng trực tiếp tại hội chợ trên 3 tỷ đồng.

Cùng với đó, Hội nghị giao thương quốc tế với chủ đề "Kết nối, nâng tầm cà phê Việt" cũng là một điểm sáng, thu hút hơn 730 đại biểu, trong đó có 192 đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế, đại sứ quán, lãnh sự quán từ nhiều quốc gia. Đây là diễn đàn quan trọng để thảo luận về xu hướng thị trường, tiêu chuẩn quốc tế và định hướng xuất khẩu. Đồng thời, mở ra cơ hội kết nối, hợp tác và mở rộng thị trường tiêu thụ cho cà phê Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Kết quả đáng chú ý là 18 biên bản ghi nhớ hợp tác đã được ký kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với các nhà nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc.

Bà Vanusia Nogueira, Tổng Giám đốc Tổ chức Cà phê Thế giới (thứ hai từ phải sang) tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột năm 2025. 

Đặc biệt, việc động thổ Nhà máy Cà phê năng lượng Trung Nguyên Legend (với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng), lễ khởi công các dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại - Khách sạn - Nhà ở và Dự án Khu công nghiệp Phú Xuân được xem là "điểm nhấn đặc biệt" của Lễ hội, cho thấy sức hút đầu tư mạnh mẽ của Đắk Lắk. Những dự án này không chỉ tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc chế biến sâu, tạo ra nguyên liệu giá trị cao và định hình ngành cà phê Việt Nam.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 cũng ghi nhận những kết quả ngoạn mục trong lĩnh vực du lịch. Tổng số khách tham dự Lễ hội từ ngày 9 - 13/3 đạt 250.000 lượt, trong đó có khoảng 1.800 khách quốc tế. Đây là một thành công lớn, không chỉ quảng bá cà phê mà còn thúc đẩy ngành du lịch Đắk Lắk phát triển đáng kể, góp phần định vị thương hiệu "Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới".

Đáng chú ý, việc lần đầu tiên Tổng Giám đốc Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) tham dự và phát biểu tại lễ khai mạc không chỉ nâng cao vị thế cà phê Việt Nam trên trường quốc tế mà còn là cơ hội lớn để ngành cà phê mở rộng hợp tác và tiếp cận thị trường quốc tế. Sự quan tâm đặc biệt này từ một tổ chức uy tín toàn cầu khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của cà phê Việt Nam trong chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chính thức trao Chứng nhận "Tri thức trồng và chế biến cà phê Đắk Lắk" là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho tỉnh Đắk Lắk. Đây là nền tảng để đưa cà phê Việt Nam và vùng trồng cà phê Buôn Ma Thuột trở thành di sản văn hóa được UNESCO công nhận.

Minh Thuận

Nguồn:baodaklak.vn Copy link
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm chúng tôi