Tin hot

Chế phẩm vi sinh giảm phát thải, tăng hiệu quả chăn nuôi


Bộ giải pháp gồm ba sản phẩm có khả năng nâng cao hệ số tiêu hóa của gia súc, đồng thời tăng hiệu quả xử lý chất thải môi trường chuồng trại và ao nuôi. Giải pháp là sáng tạo khoa học của các nhà nghiên cứu thuộc Học Viện Nông nghiệp Việt Nam.

Bộ giải pháp gồm ba sản phẩm có khả năng nâng cao hệ số tiêu hóa của gia súc, đồng thời tăng hiệu quả xử lý chất thải môi trường chuồng trại và ao nuôi. Giải pháp là sáng tạo khoa học của các nhà nghiên cứu thuộc Học Viện Nông nghiệp Việt Nam.

Chăn nuôi là một trong những lĩnh vực tạo phát thải khí nhà kính chính. Ước tính, ngành này tạo ra khoảng 18,5 triệu tấn CO2 mỗi năm. Các loài động vật nhai lại như trâu, bò chiếm đến 80% tổng lượng khí thải nhà kính trong chăn nuôi. Trung bình, một con bò thịt có thể thải ra 20kg khí metan mỗi năm từ quá trình lên men của dạ cỏ. Để giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường, sử dụng các công nghệ sinh học được đánh giá là giải pháp hữu hiệu nhằm giảm phát thải, góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường.

Công nghệ sinh học giải bài toán phát thải chăn nuôi 

Từ thực tế trên, các nhà khoa học của Viện nghiên cứu tăng trưởng xanh, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam, đã triển khai nghiên cứu nhóm chế phẩm vi sinh hỗ trợ phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản. Nhóm giải pháp xử lý hai vấn đề chính: thức ăn bổ sung tăng cường tiêu hóa cho động vật, giúp chất thải ra môi trường “sạch” hơn và các chế phẩm hỗ trợ xử lý môi trường chuồng gia súc, ao nuôi. 

Bộ giải pháp của Viện nghiên cứu tăng trưởng xanh - Học Viện Nông nghiệp Việt Nam. 

Với giải pháp đầu tiên, thức ăn bổ sung chăn nuôi tăng cường tiêu hóa cho vật nuôi, được đặt tên là VNUA-Biotic. Sản phẩm là một loại men vi sinh dạng lỏng và bột. Khi trộn kèm với thức ăn gia súc, men sẽ tạo kích thích tăng cường hệ số tiêu hóa của vật nuôi, giúp tiết kiệm thức ăn, giảm chi phí cho người nông dân. Đồng thời, với hệ tiêu hóa tốt, rác thải từ phân động sẽ “sạch” hơn, ít gây hại cho môi trường hơn. 

Với nhóm giải pháp thứ hai, chế phẩm hỗ trợ xử lý môi trường chuồng trại và ao nuôi thủy sản, có hai sản phẩm là VNUA-Mios V và VNUA-Aqua. 

VNUA-Mios V có dạng lỏng, dùng để xử lý môi trường chuồng trại, khử mùi nền chuồng, khu vực nuôi và xung quanh. Sản phẩm thích hợp làm đệm lót, xử lý phân thải, nước thải, phối trộn để sản xuất phân hữu cơ/hữu cơ vi sinh/hữu cơ khoáng, có thể tái sử dụng bón cho cây trồng.

VNUA-Aqua là chế phẩm vi sinh đa chức năng dùng để xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản, giảm thiểu ô nhiễm hữu cơ, tăng cường miễn dịch cho thủy sản và hạn chế dịch bệnh, xử lý bùn thải ao nuôi thành phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh.

PGS. TS. Nguyễn Thị Minh, chủ nhiệm đề tài cho biết tính năng vượt trội của bộ sản phẩm này là đi theo cả chu trình chăn nuôi, giúp nâng cao hệ số tiêu hoá và tăng cường miễn dịch cho vật nuôi. “Vật nuôi khỏe mạnh, tiêu hóa tốt sẽ đỡ các chi phí thuốc men, tăng hiệu quả thức ăn. Qua thực tế triển khai cho thấy, việc sử dụng bộ chế phẩm vi sinh này giúp nông dân giảm được khoảng 20% lượng thức ăn sử dụng, thay thế được hoàn toàn cho hóa chất và chất kháng sinh thường dùng. Tính trung bình chi phí đầu vào sẽ giảm được 200.000 - 300.000 đồng/con heo, 20.000 đồng/con gà”, chủ nhiệm đề tài chia sẻ. 

Qua thử nghiệm, các sản phẩm hỗ trợ xử lý môi trường chuồng trại cũng cho thấy hiệu quả đáng kể. Ông Đặng Đức Đắc, giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tùng Dương (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), cho biết thử nghiệm các chế phẩm vi sinh của đề tài thấy trại gà giảm hẳn mùi hôi, không gian sạch sẽ hơn. 

Qua tính toán, hiệu quả giảm mùi hôi trong môi trường chăn nuôi đạt khoảng 95%. Lượng phát thải ô nhiễm từ đó cũng giảm đáng kể, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người chăn nuôi và nhận được phản hồi tích cực của các hộ dân sống xung quanh khu vực nuôi. 

Lợi ích kép: tăng hiệu quả chăn nuôi

Mỗi năm ngành chăn nuôi chịu trách nhiệm cho khoảng 18,5 triệu tấn CO2 phát thải ra môi trường.

Ngoài lợi ích về môi trường, bộ giải pháp còn đem lại lợi ích kinh tế cho người nuôi. Ông Đắc cho biết, qua quá trình sử dụng thử bộ chế phẩm, chất lượng thịt, trứng, sữa thành phẩm được cải thiện. Các chỉ số an toàn cho thấy không có tồn dư kháng sinh.

Bên cạnh đó, do vật nuôi được bổ sung men tiêu hóa nên hấp thụ thức ăn tốt hơn, lớn nhanh và ít bệnh. Nếu so với trước đây, tính cả chi phí thức ăn và chi phí thuốc men thì người nuôi có lợi hơn nhiều. 

"Tính theo chi phí đầu vào, sử dụng các chế phẩm vi sinh của Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong chăn nuôi giúp chúng tôi giảm được 20% chi phí, trung bình lợi nhuận tăng khoảng 20.000 - 25.000 đồng/con gà, chưa kể còn tăng lợi nhuận từ thịt trứng có chất lượng tốt hơn", ông Đắc cho biết.

Ngoài ra, theo PGS. TS. Nguyễn Thị Minh, các chất thải sạch hơn, đủ khả năng tái sử dụng để sản xuất phân hữu cơ bón cho cây trồng nên tính ra người nông dân sẽ có lợi nhiều hơn.

Được biết, bộ giải pháp đã hoàn thiện và đang được Viện xúc tiến phối hợp với các địa phương để giới thiệu cho bà con nông dân, tăng cường hiệu quả kinh tế và giảm ô nhiễm môi trường. 

Các hệ thống trang trại chăn nuôi còn tạo ra lượng lớn khí metan từ dạ cỏ của động vật nhai lại và khí CH4, N2O từ phân động vật. Với quy mô đàn gia súc 28 triệu con lợn, xấp xỉ 9 triệu con trâu, bò và hơn 520 triệu con gia cầm, hiện mỗi năm ngành chăn nuôi thải ra môi trường khoảng 73 triệu tấn thải rắn; 25-30 triệu khối chất thải lỏng…. Tuy nhiên chỉ khoảng 50% chất thải rắn và 20% chất thải lỏng trên được xử lý trước khi thải ra môi trường.  Ngành nông nghiệp đang tăng cường các giải pháp hỗ trợ xử lý môi trường, giảm phát thải. Trong đó, công nghệ sinh học được cho là hướng đi hiệu quả về mặt chi phí và kỹ thuật.

Theo https://scp.gov.vn/

Nguồn:congnghiepsinhhocvietnam.com.vn Copy link
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm chúng tôi