Theo đó, UBND tỉnh Đồng Tháp quyết định công nhận kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm 4 sao OCOP đối với 40 sản phẩm của 13 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Trong đó gồm 20 sản phẩm tham gia đánh giá lại sau 3 năm công nhận và 20 sản phẩm mới tham gia đánh giá, phân hạng năm 2023.
Đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 453 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên |
Các sản phẩm đạt 4 sao OCOP nêu trên, được UBND tỉnh Đồng Tháp cấp giấy chứng nhận; được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao đạt được in, dán trên bao bì sản phẩm OCOP theo đúng quy định hiện hành. Kết quả chứng nhận đánh giá, phân hạng sản phẩm 4 sao OCOP có giá trị trong 3 năm, kể từ ngày quyết định được ký, ban hành.
Từ năm 2023, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản OCOP cấp huyện tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; ban hành quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt 3 sao OCOP, tổ chức công bố kết quả. UBND cấp huyện chuyển hồ sơ các sản phẩm có số điểm đạt từ 70 điểm đến 100 điểm (từ 4 sao trở lên) lên UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để đề nghị đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP.
Đồng Tháp là một tỉnh nông nghiệp, những ngành hàng chủ lực của tỉnh: gạo, cá tra và cây ăn trái. Với tiềm năng về nông nghiệp cùng với tài nguyên bản địa, trong thời gian qua sản phẩm OCOP của Đồng Tháp phát triển phát triển mạnh nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cụ thể, đến thời điểm này, tỉnh Đồng Tháp có 453 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 86 sản phẩm 4 sao, 366 sản phẩm 3 sao của 175 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh
Đáng chú ý, bên cạnh việc xem xét công nhận, thì việc hỗ trợ làm sao để thương mại hóa được sản phẩm OCOP là một trong những giải pháp quan trọng mà Đồng Tháp đã và đang tập trung triển khai. Theo đó hiện có đến 75% sản phẩm OCOP được kinh doanh trên thương mại điện tử.