Thời gian qua, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai sâu rộng trên tất cả các địa phương trong tỉnh Phú Thọ, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, sản xuất theo quy trình và có kiểm soát chất lượng.
UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025. Theo đó, kế hoạch đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, mỗi xã phường, thị trấn lựa chọn phát triển ít nhất 1 sản phẩm mang tính đặc trưng, có lợi thế so sánh, sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với chuỗi giá trị để tiêu chuẩn hóa. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 282 sản phẩm OCOP của 241 chủ thể là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, làng nghề, hộ, cơ sở sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình...
Thực hiện kế hoạch trên, các địa phương trong tỉnh Phú Thọ đã xây dựng, ban hành kế hoạch, triển khai thực hiện. Nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, đặc biệt là bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống. Đồng thời, định hướng cho các doanh nghiệp, cơ sở liên kết, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng liên vùng, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, đáp ứng tối đa nhu cầu tiêu dùng của các thị trường tiềm năng.
Các sản phẩm OCOP trong tỉnh Phú Thọ được phát triển có trọng tâm, trọng điểm và có sức cạnh tranh lớn, trong đó chất lượng sản phẩm được coi là vấn đề then chốt. Các sản phẩm OCOP đã đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm. Từ đó, góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Cụ thể, tỷ lệ các chủ thể OCOP gia tăng về quy mô sản xuất hoặc gia tăng sản lượng sản phẩm sau khi được công nhận là 55%, doanh thu bán hàng tăng bình quân 29%, tỷ lệ sản phẩm OCOP tăng giá bán sau khi được công nhận 50,53%, mức tăng bình quân về giá 15,7%.
Toàn tỉnh Phú Thọ hiện có 237 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn đang ngày càng được nhân rộng. |
Đến nay, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao, 54 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 182 sản phẩm đạt hạng 3 sao, các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn ngày càng được nhân rộng. Cùng với đó, việc thúc đẩy kết nối, tiêu thụ, đưa sản phẩm phân phối rộng rãi trên thị trường được chú trọng, tạo động lực giúp các chủ thể tích cực đầu tư mở rộng quy mô, phát triển đa dạng sản phẩm.
Theo ông Đặng Việt Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ, để sản phẩm OCOP của tỉnh được nhiều người biết đến và tiêu thụ rộng rãi, thời gian tới Sở Công Thương tiếp tục đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với hoạt động du lịch, ẩm thực địa phương. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì, phát triển các kênh phân phối đã được xây dựng và thúc đẩy bán hàng đa kênh đối với các sản phẩm OCOP đã được công nhận. Đồng thời, nâng cao năng lực cho các chủ thể về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong giới thiệu, quảng bá, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, từ đó nâng cao hiệu quả chương trình, lan tỏa sản phẩm OCOP, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân.
Với những kết quả khả quan đã đạt được, cùng với những hành động cụ thể của các cấp chính quyền tỉnh Phú Thọ, nhất là người dân, chương trình OCOP sẽ phát triển bền vững và đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, văn hóa cho người dân địa phương, tích cực góp phần xây dựng nông thôn mới hiệu quả.