Tetra Pak, nhà cung cấp giải pháp chế biến và đóng gói đến từ Thụy Điển hợp tác cùng Công ty Công nghệ thực phẩm Mycorena sản xuất đạm thực vật từ nấm lên men.
Việc ‘bắt tay’ giữa Tetra Pak hợp tác với Mycorena sản xuất đạm thực vật từ nấm lên men nằm trong lộ trình dài hạn của công ty trong việc giải quyết những thách thức xung quanh vấn đề an toàn và an ninh thực phẩm, thông qua việc tìm ra các nguồn thực phẩm mới.
Được đặt tại Falkenberg, Thụy Điển, cơ sở này đang trong giai đoạn đầu tập trung sản xuất nguyên liệu cho các sản phẩm thay thế thịt động vật. Hơn nữa, Mycorena còn đặt tham vọng xây dựng thêm các nhà máy mới trên khắp châu Âu và châu Á nhằm gia tăng công suất và mở rộng phạm vi tiếp cận trong tương lai gần.
Món ăn được làm từ đạm thực vật
Ông Charles Brand - Phó Chủ tịch điều hành phụ trách Các giải pháp chế biến và thiết bị của Tetra Pak - cho biết, chúng tôi rất vui mừng khi hợp tác với Mycorena trong dự án lần này bởi sự cải tiến trong chuỗi cung ứng thực phẩm phù hợp với cả ba mục tiêu của chúng tôi - bảo vệ thực phẩm, con người và trái đất.
Tiến sĩ Ramkumar Nair - nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Mycorena - cho biết thêm, quá trình lên men nấm là tương lai của ngành công nghiệp thực phẩm và chúng tôi tự hào là những người tiên phong cách mạng hóa cho lĩnh vực này. Cơ sở mới này là một nhà máy sản xuất hiện đại, là cơ sở để chúng tôi có thể nhân rộng mô hình này tại Thụy Điển cũng như trên toàn cầu.
Lên men nấm là một khía cạnh của lên men thực phẩm, tận dụng quy trình tự nhiên, lâu đời mà ở đó các vi sinh vật giống như các nhà máy tí hon để tạo ra thực phẩm giàu đạm có thể thay thế cho cả thịt, hải sản và sữa. Quá trình này cũng nhằm cải thiện kết cấu và hương vị của các sản phẩm thực phẩm truyền thống được làm từ thực vật.
Trên thế giới, hơn 1/5 lượng phát thải khí nhà kính (GHG) bắt nguồn từ nông nghiệp và hơn một nửa trong số đó là đến từ chăn nuôi. Trong bối cảnh đó, việc sử dụng các nguồn đạm thay giúp mang lại cơ hội tạo ra các loại thực phẩm bền vững.
Bên cạnh tiềm năng giảm thiểu được lượng khí thải carbon, điều này cũng góp phần làm giảm diện tích đất sử dụng cho trồng trọt và lượng nước tiêu thụ so với các loại đạm truyền thống. Sự kết hợp hài hòa của tất cả những yếu tố này sẽ mở ra cánh cửa mới trong việc cung cấp thực phẩm đáp ứng nhu cầu khi dân số đang gia tăng một cách bền vững hơn, đồng thời củng cố tham vọng của Tetra Pak trong việc đạt được mức phát thải khí nhà kính bằng không (net zero) trong toàn bộ chuỗi cung ứng của doanh nghiệp.
Theo Báo Công Thương