Tin hot

Ngành ngân hàng: Đồng hành phát triển Tây Nguyên


“Dư nợ tín dụng tại khu vực Tây Nguyên hiện đạt hơn 222 nghìn tỷ đồng, ngành ngân hàng cam kết luôn đồng hành cùng sự phát triển của khu vực này”- đó là khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 - 2017.

Tăng cường tín dụng thông qua các chương trình tái canh cây cà phê, cho vay hỗ trợ doanh nghiệp

Cùng với các nguồn vốn đầu tư khác, vốn tín dụng của ngành ngân hàng trong nhiều năm qua đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của vùng Tây Nguyên thông qua các chương trình tín dụng chính sách, cho vay các dự án... Hơn 6 năm trở lại đây, NHNN đã cho phép thành lập mới 30 chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD), 8 phòng giao dịch và 7 quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn, đáp ứng kịp thời nguồn vốn, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng đối với doanh nghiệp và người dân.

Hiện tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn Tây Nguyên khoảng 120,6 ngàn tỷ đồng và dư nợ tín dụng đạt trên 222 ngàn tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 49,3%; dư nợ cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 12,3%. Các chương trình tín dụng đặc thù, ưu đãi đã triển khai rộng khắp tới nhiều lĩnh vực, đối tượng thụ hưởng như: Tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; cho vay tái canh cây cà phê; cho vay khuyến khích mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách; chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị thiệt hại do hạn hán, lũ lụt kéo dài...

Tại hội nghị này, các ngân hàng thương mại đã ký cam kết tài trợ hơn 29 ngàn tỷ đồng đối với 36 dự án phát triển kinh tế, xã hội của vùng. Nguồn vốn sẽ được tập trung cho phát triển các cây công nghiệp chủ lực trên địa bàn, các dự án nông nghiệp công nghệ cao, các dự án thủy điện, mía đường… Đơn cử như Vietcombank dành gần 450 tỷ đồng cho 5 dự án, gồm: Thủy điện Đa Dâng 3, Thuỷ điện Đạ Tông - Đam Rông; Dự án nâng cấp công suất nhà máy đường 333; Dự án đầu tư xây dựng khách sạn Lê Thành Đà Lạt; Dự án xây dựng Trung tâm Phân phối, nhân giống cây trồng công nghệ cao Fukunana Tây Nguyên. Đối với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), phát triển cây mắc ca tại vùng đất Tây Nguyên là mục tiêu xuyên suốt trong vài năm trở lại đây và ngày càng được ngân hàng chú trọng. Tại hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, LienVietPostBank cam kết dành chương trình tín dụng ưu đãi 3.000 tỷ đồng để phát triển cây mắc ca và cây công nghiệp tại tỉnh Đăk Nông. Như vậy, cùng với chương trình tín dụng ưu đãi 10.000 tỷ đồng để phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, LienVietPostBank tiếp tục là doanh nghiệp đầu tàu thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp mắc ca Việt Nam.

Mặc dù có nhiều hình thức đẩy mạnh vốn cho phát triển kinh tế ở khu vực Tây Nguyên, tuy nhiên, theo Thống đốc Lê Minh Hưng, vẫn còn không ít khó khăn khiến đồng vốn chưa phát huy hiệu quả. Đó là quy hoạch, chiến lược phát huy thế mạnh của vùng còn thiếu tính ổn định, chưa bền vững; quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn nhiều bất cập; tính liên kết giữa nông nghiệp với công nghiệp, giữa doanh nghiệp và người sản xuất; giữa các địa phương trong vùng với các vùng kinh tế khác còn yếu, chưa tạo chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp...; sản xuất công nghiệp chậm phát triển, quy mô doanh nghiệp nhỏ; hệ thống cung cấp hàng hóa còn yếu và thiếu…

Để hoạt động tín dụng ngân hàng trên địa bàn thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định: NHNN sẽ chỉ đạo các TCTD tập trung đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh của khu vực; bám sát quy hoạch phát triển của vùng và từng địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân vay vốn đầu tư vào những lĩnh vực là tiềm năng, thế mạnh; chú trọng phát triển các sản phẩm, chương trình tín dụng phù hợp, đặc biệt là chương trình cho vay khuyến khích mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao…

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 4, Thủ tướng Chính phủ đã giao NHNN nghiên cứu, xem xét nâng mức cho vay và khuyến khích hình thức vay tín chấp, nhất là với hộ nông dân, đồng bào dân tộc; có nhiều hình thức hỗ trợ doanh nghiệp như cấp bù lãi suất...
Tìm kiếm chúng tôi