Quy chế gồm 7 chương (27 điều) quy định rõ về sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”; việc ghi nhận tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý; cơ chế kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý; quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý; kinh phí cho hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý; biện pháp xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm quy chế chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” đối với sản phẩm cà phê Robusta của tỉnh Đắk Lắk đã được Nhà nước bảo hộ.
Quy chế này áp dụng đối với tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” và các tổ chức, cá nhân có các hoạt động liên quan đến sử dụng, kiểm tra, kiểm soát chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”.
Sơ chế cà phê nhân mang chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” được thực hiện theo quy định tại khóa đào tạo chế biến cà phê chất lượng cao do Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức. |
Quy chế nêu rõ, chỉ dẫn địa lý "Buôn Ma Thuột" là dấu hiệu dùng để chỉ nguồn gốc địa lý cà phê Robusta của tỉnh Đắk Lắk. Sử dụng chỉ dẫn địa lý "Buôn Ma Thuột" là quyền được thực hiện các hành vi gắn chỉ dẫn địa lý được bảo hộ lên cà phê, bao bì cà phê, phương tiện kinh doanh, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh, lưu thông, chào bán, quảng cáo nhằm để bán, tàng trữ để bán cà phê có mang chỉ dẫn địa lý "Buôn Ma Thuột" được bảo hộ…
Đặc biệt, Quy chế cũng quy định rõ ràng về vùng trồng, chủng loại sản phẩm chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” được sử dụng cho các sản phẩm cà phê Robusta, bao gồm: cà phê nhân, cà phê hạt rang, cà phê bột, cà phê hòa tan nguyên chất. Quy định về quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch; sơ chế, đóng gói và bảo quản cà phê nhân cũng như kỹ thuật chế biến, đóng gói và bảo quản cà phê chế biến; quy định về việc ghi nhãn hàng hoá sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”.
UBND tỉnh Đắk Lắk quy định quyền, trách nhiệm của Sở Khoa học và Công nghệ, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột trong quản lý chỉ dẫn địa lý "Buôn Ma Thuột". Các tổ chức, cá nhân khi sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” đối với sản phẩm cà phê Robusta phải đăng ký với Sở Khoa học và Công nghệ, đồng thời tuân thủ nghiêm các quy định của quy chế này.
Được biết, cà phê nhân Buôn Ma Thuột được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đăng bạ là tên gọi xuất xứ hàng hóa số 00004 theo Quyết định số 806/QĐ-SHTT, ngày 14/10/2005. Sau đó, được sửa đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý theo Quyết định số 1575/QĐ-SHTT, ngày 11/5/2020.
Việc ban hành và áp dụng Quy chế không chỉ bảo vệ giá trị cà phê Buôn Ma Thuột, mà còn khẳng định vị thế của Đắk Lắk trên bản đồ cà phê thế giới. Hiện nay, chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” đối với sản phẩm cà phê Robusta đã được bảo hộ tại 32 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Minh Thuận