Sầu riêng tăng lượng xuất khẩu
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho biết, năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng đạt 1,56 triệu tấn, trị giá gần 7 tỷ USD, tăng 9,4% về lượng và tăng 4,0% về trị giá so với năm 2023.
Năm 2024, xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 2,9 tỷ USD (Ảnh minh hoạ) |
Năm 2024, giá bình quân nhập khẩu sầu riêng vào Trung Quốc đạt mức 4.957 USD/ tấn, giảm 4,9% so với năm 2023. Trong đó, giá bình quân nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc từ Việt Nam và Philippines giảm, nhưng giá bình quân nhập khẩu từ Thái Lan tăng.
Về cơ cấu nguồn cung, năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan đạt 809,88 nghìn tấn, trị giá trên 4 tỷ USD, giảm 12,8% về lượng và giảm 12,1% về trị giá so với năm 2023.
Ngược lại, Trung Quốc tăng nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam trong năm 2024, tăng 49,4% về lượng và tăng 37,5% về trị giá so với năm 2023, đạt 736,72 nghìn tấn, trị giá 2,94 tỷ USD.
Còn theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, đóng góp phần lớn vào tốc độ tăng trưởng chung toàn ngành rau quả Việt Nam trong năm 2024 là mặt hàng sầu riêng, tỷ trọng chiếm 44,94% tổng trị giá, đạt 3,21 tỷ USD, tăng 43,2% so với năm 2023.
Xuất khẩu rau quả tăng cao
Bên cạnh đó, trị giá xuất khẩu nhiều chủng loại rau quả khác tăng trong năm 2024 so với năm 2023, gồm: dừa (tăng 61,1%); chuối (tăng 20%); xoài (tăng 46,8%); mít (tăng 22,2%); hạt dẻ cười (tăng 76,9%); hạnh nhân (tăng 64,7%); ớt (tăng 15,1%)… Ngược lại, trị giá xuất khẩu thanh long và chanh leo giảm lần lượt 15,1% và 22,9%.
Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) trong tháng 1/2025, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 416 triệu USD, giảm 11,3% với tháng trước (tháng 12/2024 đạt 529 triệu USD) và giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2024 (tháng 1/2024 đạt 490 triệu USD).
Nguyên nhân xuất khẩu rau quả sụt giảm là do nhiều nước đã siết chặt kiểm định về chất lượng hoa quả nhập khẩu từ Việt Nam. Đáng chú ý, sau khi phát hiện sầu riêng Thái Lan có chất vàng O nguy cơ gây ung thư, Trung Quốc lập tức siết chặt khiến mặt hàng này của Việt Nam cũng bị vạ lây, một số doanh nghiệp phải dừng xuất khẩu.
Tuy nhiên, các cơ quan chức năng Việt Nam cũng đã nhanh chóng làm việc với giới chức Trung Quốc để nối lại hoạt động xuất khẩu sầu riêng. Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố danh sách 9 phòng kiểm nghiệm được Việt Nam và Trung Quốc công nhận đủ tiêu chuẩn cấp chứng nhận. Đây là cơ sở để sầu riêng Việt Nam tiếp tục xâm nhập thị trường “tỷ dân” này.
Ông Hoàng Khánh Duy - Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn - cho hay, hoạt động xuất khẩu nông sản, trong đó, có sầu riêng sang Trung Quốc đang diễn ra thuận lợi. Theo đó, từ ngày 1 đến 3/2, tổng cộng 26 xe chở sầu riêng đã thông quan qua hai cửa khẩu chính của tỉnh, gồm 14 xe qua cửa khẩu Hữu Nghị và 12 xe qua cửa khẩu Tân Thanh, với khối lượng hàng trăm tấn. Đây đều là những lô hàng đã đăng ký trước.
Năm 2024, Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới (khoảng 91%). Đặc biệt, với công thức “sầu riêng kết hợp cùng mọi thứ”, chiếc bánh thơm ngon và béo ngậy này đang ngày càng phình to, dự báo sớm chạm mốc 10 tỷ USD. |