Tin hot

Trung Quốc tiếp tục ‘hút hàng’, thanh long được giá sau Tết


Giá thanh long ở mức 25.000 - 30.000 đồng/kg. Thị trường Trung Quốc tiếp tục 'hút hàng' giúp thanh long giữ được giá ở mức cao và ổn định từ trong Tết đến nay.

Dù sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, thanh long ruột trắng tại Bình Thuận tiếp tục được thương lái đẩy mạnh thu mua, giá vẫn ở mức cao và dao động trung bình khoảng 20.000 đồng/kg, thậm chí nhiều nơi thu mua xô tại vườn ở mức cao từ 22.000 - 25.000 đồng/kg.

Trung Quốc ‘hút hàng’, thanh long được giá
Trung Quốc tiếp tục ‘hút hàng’, thanh long được giá

Theo các nhà vườn, thời điểm trước Tết Nguyên đán giá thanh long ruột trắng thu mua xô tại vườn có thời điểm dao động từ 22.000 - 23.000 đồng/kg. Sau đó gần giáp Tết giá hạ xuống còn trung bình từ 17.000 - 18.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, sang đầu năm mới, giá thanh long tại đây vẫn giữ được giá cao và ổn định. Với mức giá này, người trồng thanh long sẽ có mức thu nhập khá, bởi hiện nay, chi phí đầu tư cho 1kg thanh long khoảng 10.000 đồng/kg.

Cùng với Bình Thuận, tại Long An, giá thanh long cũng đang giữ ở mức cao. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Quốc Trịnh - Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An - cho biết, nếu thời điểm trước Tết, giá thanh long ruột đỏ đứng mức cao nhất là 45.000 đồng/kg, loại 2 là 40.000 đồng/kg, loại 3 là 35.000 đồng/kg sau đó hạ xuống với giá mua xô tại vườn khoảng 30.000 đồng/kg.

Mấy ngày hôm nay, giá thanh long ruột đỏ có giảm đôi chút do lượng hàng nhập để xuất khẩu đi Trung Quốc có giảm. Dù không thể tăng cao như thời điểm Tết Nguyên đán, tuy nhiên, thanh long được dự báo sẽ vẫn giữ giá ở mức từ trên 20.000 - 30.000 đồng/kg chứ không thể xuống thấp hơn mức này. Với mức giá thanh long như hiện nay, bà con trồng thanh long có mức thu nhập khá ổn.

Cùng với thanh long đỏ, thanh long ruột trắng giá cũng dao động trên mức 20.000 đồng/kg. Nông dân đang đẩy mạnh chong đèn trồng thanh long nghịch vụ. Chỉ cần thanh long được giá, nông dân sẽ tăng sản lượng trở lại.

‘Nhu cầu thanh long tại thời điểm Tết Nguyên đán và Tết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng) của thị trường Trung Quốc tăng cao, đẩy giá thanh long tăng mạnh. Đến thời điểm này đang bắt đầu chững lại vì hôm nay đã là ngày 13 tháng Giêng, hàng sẽ không kịp về phục vụ thị trường rằm tháng Giêng tại Trung Quốc nữa’, ông Nguyễn Quốc Trịnh chia sẻ.

Bên cạnh đó, xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc thuận lợi do các cửa khẩu thông quan hàng hóa nhanh và các chợ bên phía Trung Quốc buôn bán bình thường, trái cây tiêu thụ ổn đinh như lúc chưa có dịch.

Mặt khác, thời gian trước do dịch bệnh Covid-19, xuất khẩu thanh long không được, nhiều nhà vườn đã chặt bỏ các vườn thanh long già. Cùng với đó, với những vườn mới trồng cũng không được đầu tư chăm sóc, bón phân, khiến sản lượng thanh long tụt giảm khoảng 50%. Nguồn cung giảm đẩy giá thanh long tăng lên.

Giá tăng lên, ông Trịnh cũng lo ngại các nhà vườn mới đây chuyển sang trồng dừa, trồng cau sẽ quay trở lại trồng thanh long. Điều này dẫn đến tình trạng ‘trồng, chặt’ và đẩy giá thanh long giảm trở lại. Việc này, Bộ Nông nghiệp và Sở Nông nghiệp các địa phương cũng chỉ có thể khuyến cáo bà con chứ không có quyền quyết định bà con trồng gì.

Đồng quan điểm về vấn đề này, theo ông Huỳnh Cảnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, hiện sản lượng thanh long tại Bình Thuận giảm khoảng 50% so với trước đây. Và, dự kiến trong 10 ngày nữa, sản lượng thanh long chín thu hoạch cũng ít và giá tiếp tục giữ ổn định và khó xuống.

Số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận cho hay, đến cuối tháng 12/2022, diện tích trồng thanh long trên địa bàn khoảng 26.977ha, giảm 5.283ha so với năm 2021; sản lượng đạt hơn 600.000 tấn, giảm hơn 80.000 tấn so với năm 2021.

Ông Nguyễn Quốc Trịnh cho biết, hiện thị trường Trung Quốc vẫn đang là thị trường chính trong xuất khẩu thanh long của Việt Nam, chiếm khoảng 60 - 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ngoài ra, hàng xuất khẩu sang các thị trường khác như Hoa Kỳ, Australia, EU... cũng tốt hơn bởi giá cước vận chuyển đã hạ nhiệt. Do đó, giá thanh long đang dần phục hồi.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam - nhận định, với việc thông thương thuận lợi, dự báo năm 2023 kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam tăng 20 - 30%, đạt khoảng 4 tỷ USD. Trong đó sầu riêng, thanh long có kim ngạch cao nhất. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đã là thị trường khó tính, tiêu chuẩn khắt khe nên các nhà vườn, doanh nghiệp cần tuân thủ quy định thị trường để xuất khẩu suôn sẻ, tránh vi phạm.

Liên quan đến thị trường xuất khẩu, ông Nguyễn Quốc Trịnh cho hay, một số thị trường yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu giống thanh long khi xuất khẩu, cụ thể, đối với thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc bảo hộ quyền sở hữu giống thanh long. Nếu doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu này thì sẽ không được thông quan.

Các thị trường nhập khẩu khác không đòi hỏi bảo hộ sở hữu bản quyền giống. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Trịnh cũng lo ngại, tới đây, bên cạnh việc yêu cầu về mã số vùng trồng, thị trường Trung Quốc sẽ đòi hỏi yêu cầu này. Điều này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu thanh long của Việt Nam.

 
Tác giả: Nguyễn Hạnh
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm chúng tôi