Tin hot

Kiên Giang: Bùng phát dịch muỗi hành hại lúa


Tình hình thời tiết bất lợi do mưa trái mùa, sương mù vào sáng sớm và không khí lạnh tăng cường đã làm gia tăng dịch bệnh trên nhiều trà lúa ở Kiên Giang. 

Trong đó, đáng lo ngại là dịch muỗi hành hại lúa đang bùng phát mạnh tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng lớn đến năng suất. 

Chồi lúa bị muỗi hành gây hại lùn, hơi tròn và cứng, đỉnh sinh trưởng biến dạng và không còn khả năng cho bông

TS Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, vụ lúa đông xuân 2016 - 2017, toàn tỉnh gieo sạ được 299.189ha, đến nay phần lớn các trà lúa đang trong giai đoạn làm đòng, trổ, chín. Diện tích đã thu hoạch khoảng gần 60.000ha, năng suất trung bình khá thấp, chỉ đạt 5 tấn/ha (trong khi nhiều nơi vụ đông xuân luôn đạt từ 6,5 - 7,5 tấn/ha). 

“Năm nay thời tiết không thuận lợi, trước và sau Tết Nguyên đán, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang liên tục xuất hiện mưa lớn trái mùa, lúa bị đổ ngã, làm giảm năng suất và phát sinh chi phí thu hoạch. Ngoài ra, các đợt không khí lạnh tăng cường, xuất hiện sương mù, ẩm vào sáng sớm đã làm gia tăng các loại dịch bệnh. Hiện tổng diện tích lúa bị nhiễm các loại dịch hại trên địa bàn tỉnh là 45.000ha, trong đó riêng dịch muỗi hành là trên 32.000ha, tỷ lệ gây hại trên 20% (trên mức trung bình) chiếm tới 20.000ha, tập trung chủ yếu ở huyện Hòn Đất (20.000ha) và Giồng Riềng (10.000ha). Ở giai đoạn nhỏ, nếu tỷ lệ nhiễm dưới 10% cây lúa có khả năng phục hồi, còn trên 20%sẽ gây hại đến năng suất”, ông Nhựt cho biết thêm. 

Vụ lúa đông xuân luôn được nông dân kỳ vọng nhất trong năm do hiệu quả kinh tế mà nó mang lại nhờ năng suất cao, chi phí thấp. Do đó, dịch bệnh bùng phát gây hại khiến nông dân rất lo lắng. 

Anh Trần Thành Được ở xã Mỹ Phước, huyện Hòn Đất, có hơn 1ha lúa bị dịch bệnh gây hại, buồn rầu cho biết: “Lúa của gia đình tôi lúc được khoảng 40 ngày tuổi, đang phát triển tốt thì phát hiện bị muỗi hành tấn công. Dù đã nỗ lực phun thuốc dập dịch nhưng vẫn không cứu được, gây thiệt hại khoảng 50% số dảnh (nhánh). Chắc chắn năng suất vụ này sẽ bị giảm nhiều, cầm chắc bị thua lỗ”. 

Theo một cán bộ Phòng NN-PTNT Hòn Đất, do phần lớn diện tích lúa của huyện (tổng diện tích 80.636ha) đang trong thời kỳ làm đòng và trổ nên rất nhạy cảm với các loại dịch bệnh. Riêng dịch muỗi hành, toàn huyện có đến 1/4 diện tích bị nhiễm, trong đó nhiễm nhẹ 7.150ha, trung bình 12.000ha và nhiễm nặng 500ha. 

Cán bộ bảo vệ thực vật thăm đồng và hướng dẫn nông dân cách phòng trị dịch muỗi hành hại lúa

Ông Trần Quang Giàu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - bảo vệ thực vật Kiên Giang cho biết, năm nay dịch muỗi hành trên địa bàn tỉnh tăng đột biến, thời tiết có mưa nhỏ, sương mù và trời có mây âm u, số giờ nắng ít... là điều kiện thuận lợi cho muỗi hành phát triển. Muỗi hành chủ yếu gây hại ở giai đoạn từ mạ đến đẻ nhánh, thường tập trung ở các giống lúa có mùi thơm, nơi gần bờ, ruộng bón dư đạm hoặc phun thuốc sớm (20 - 25 ngày sau sạ). Khi bị dịch muỗi hành, cây lúa lùn, phần thân gốc hơi tròn và cứng, đỉnh sinh trưởng biến dạng, lá lúa dựng đứng có nhiều cọng giống cọng hành màu xanh lợt lẫn trong bụi lúa. Chồi lúa bị hại không còn khả năng cho bông nhưng đâm nhiều chồi phụ. 

“Để quản lý tốt muỗi hành, nông dân cần áp dụng gói kỹ thuật “1 phải 5 giảm”, vệ sinh đồng ruộng, cày vùi rơm rạ, lúa chét, cỏ dại, xuống giống đồng loạt, tập trung, gieo sạ thưa (80 - 120kg lúa giống/ha), bón phân cân đối, không bón thừa đạm, không lạm dụng chất kích thích sinh trưởng... Những ruộng bị muỗi hành gây hại ở giai đoạn sớm, cần phun thuốc đặc trị và chăm sóc, bón phân để cây lúa đẻ nhánh, bù lại. Còn ở giai đoạn làm đòng trở về sau, phun thuốc không còn hiệu quả, chỉ cần tiếp tục chăm sóc những chồi còn lại để giảm thiệt hại”, ông Giàu khuyến cáo.

 

PV (nongnghiep.vn)

Tìm kiếm chúng tôi