Tin hot

Thực phẩm TQ bẩn độc là cơ hội cho nông nghiệp Việt Nam


Xoay quanh những vấn đề về phát triển nông nghiệp, cơ hội, thế mạnh cũng như thách thức với các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đang được bàn luận sôi nổi trong thời gian qua, PV Báo Đất Việt đã có cuộc trao đổi với TS. Alan Phan về vấn đề này.


"Nông nghiệp Việt Nam hiện nay đang có một lợi thế rất lớn, đó là khủng hoảng về thực phẩm của Trung Quốc khiến thế giới phải e ngại. Nếu chúng ta biết nắm lấy cơ hội này thì các sản phẩm nông nghiệp sẽ có cơ hội chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Còn nếu chạy theo bẩn độc như của Trung Quốc thì lại là vô cùng nguy hiểm với nông nghiệp Việt Nam" - TS. Alan Phan cho biết.

Xoay quanh những vấn đề về phát triển nông nghiệp, cơ hội, thế mạnh cũng như thách thức với các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đang được bàn luận sôi nổi trong thời gian qua, PV Báo Đất Việt đã có cuộc trao đổi với TS. Alan Phan về vấn đề này.
 
TS. Alan Phan
 
Nông nghiệp luôn là một trong những mũi nhọn của nền kinh tế Việt Nam. Nhất là trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức cũng như cơ hội mới. Tuy nhiên có quan điểm cho rằng, cơ hội không phải tự nhiên mà có. Vậy theo đánh giá của TS, điều đó có đúng không? Và chúng ta cần làm những gì để tạo ra cơ hội cho nông nghiệp Việt Nam phát triển?
 
- Cơ hội phải tuỳ vào sức sáng tạo, chúng ta không thể nào đứng ở đây để nói cơ hội được. Nhưng những sản phẩm nông nghiệp chính yếu của mình như cà phê, gạo, thuỷ hải sản... từ trước đến nay hàng trăm năm, chúng ta đã làm thế nào thì vẫn làm như thế.
 
Cần phải có một sự suy nghĩ, sáng tạo. Trước hết là cải tiến chất lượng. Cà phê vẫn như thế, vẫn cạnh tranh trong cái vòng luẩn quẩn nên giờ phải tách nó ra. Khi tách ra thì phải suy nghĩ, thứ nhất là về chất lượng, làm thế nào để giá trị tăng lên.
 
Thứ hai là về giá thành, giá sản xuất phải thấp xuống. Thứ ba, muốn đi xa thì phải có một thương hiệu, thương hiệu đó phải mang tính chất đặc thù, không thể là một thương hiệu bắt chước người khác. Thứ tư là cần có thời gian, phải kiên nhẫn.
 
Tất cả những cái đó phải phối hợp với nhau. Ví dụ như chất lượng, phải đem về những công nghệ mới nhất. Nói về nông nghiệp, chúng ta cần phải có những sản phẩm, thành phẩm hơi đặc thù một chút. Ví dụ như thay vì trồng điều, tại sao không trồng Macadamia? Macadamia nó có giá gấp 2 - 5 lần điều mà sản lượng lại giống nhau.
 
Nếu chăm chú vào đó thì sẽ có một con đường đi lớn hơn. Hay tại Việt Nam rất lý tưởng để trồng Vani, loại hương vị hay được sử dụng để làm bánh... Như vậy chúng ta có thể tạo ra được những sản phẩm mới. Cứ thấy người ta trồng cà phê thì mình cũng trồng cà phê, thấy người ta nuôi heo thì mình cũng nuôi heo... những cái đó gọi là làm ăn theo kiểu bầy đàn chung với nhau, cạnh tranh lẫn nhau, giết hại lẫn nhau và không đi đến được một kết quả tốt.
 
Các quốc gia trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ... luôn chú trọng phát triển công nghiệp và thực tế họ đã trở thành những quốc gia phát triển nhất thế giới. Vậy tại sao Việt Nam lại nên chú trọng phát triển nông nghiệp? Như vậy có phải là sẽ tụt hậu so với các nước khác không thưa TS?
 
- Trong kinh doanh, vấn đề chính là lợi thế cạnh tranh. Mình muốn thắng người ta, muốn chiếm được thị trường, muốn giàu thì chúng ta phải có lợi thế cạnh tranh trước đã. Ví dụ như thấy người ta làm ôtô, mình cũng lao đầu vào làm ôtô, nhưng mình có lợi thế cạnh tranh về ô tô không? Trung Quốc làm ôtô trước mình hàng chục năm, thị trường nó lớn. Bây giờ kể cả từ linh kiện cho đến thành phẩm đều ngang ngửa với các nước phát triển. Ấn Độ cũng tung ra những sản phẩm có vài chục ngàn đô, thì so với họ, chúng ta là hơi trễ. 
 
Hay như thấy người ta đóng tàu, mình cũng bày đặt đóng tàu, rồi đóng riết thì đổ nợ ra. Cho nên trong kinh doanh không giới hạn gì, nếu mình có khả năng thì mình nên làm. Làm IT hay bất cứ thứ gì, miễn mình có đủ sức, tuy nhiên phải có một lợi thế cạnh tranh nào đó. Không có lợi thế cạnh tranh thì đừng kinh doanh.
 
Nông nghiệp Việt Nam hiện nay đang có rất nhiều lợi thế
 
Theo như phân tích của TS thì hiện nay nông nghiệp Việt Nam đang có lợi thế rất lớn?
 
- Việt Nam có một số lợi thế về thiên nhiên, dân số đông cũng là một lợi thế. Thứ hai là về thổ nhưỡng rất tốt cho nông nghiệp. Rất nhiều sản phẩm của Việt Nam, Trung Quốc phải chạy sang mua, bởi vì mình trồng được, Trung Quốc trồng không được. Đó là lợi thế của mình. 
 
Bên cạnh đó, một lợi thế rất lớn của Việt Nam hiện nay là vấn đề thực phẩm ở Trung Quốc đang rơi vào khủng hoảng, cả thế giới đang e ngại thực phẩm Trung Quốc, thậm chí là tẩy chay. Đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam vươn lên, cho các sản phẩm của Việt Nam có điều kiện đến với thị trường thế giới, chiếm lĩnh thị trường quốc tế.
 
Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ chạy đi làm các loại thực phẩm bẩn độc như của Trung Quốc, tẩm cái này, ướp cái kia thì sẽ có lúc thế giới người ta lại ồ lên rằng: hoá ra Việt Nam và Trung Quốc cũng chẳng khác gì nhau! Như vậy, sản phẩm chúng ta làm ra sẽ không bán được cho ai nữa, dù có làm tốt đến mấy. Đấy là những cái nguy hiểm 
 
Hiện nay, nhìn lại Việt Nam tôi thấy có 2 cái có khả năng cạnh tranh, đó là chất xám, người Việt mình thông minh, khôn ngoan, cái đó là IT. IT không đòi hỏi nhiều, không đòi đường sắt cao tốc hay dự án điện nhân, hạt nhân hay phải đào bô-xít lên... Những thứ đó không cần thiết. Mình có chất xám thì mình có thể cạnh tranh về IT được. Bên cạnh đó, Việt Nam chúng ta có một lượng người trẻ rất đông đảo, có chất xám.
 
Thứ hai là nông dân. Họ có thổ nhưỡng, có khí hậu, có truyền thồng. Người nông dân Việt Nam rất cần cù, chăm chỉ. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những thách thức lớn, ví dụ như bây giờ không ai muốn làm nông nghiệp. Vì thế quê để kiếm nhân công là rất khó.
 
Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp. Nhưng thực tế, cuộc sống của người nông dân vẫn còn hết sức khó khăn. Vậy theo TS chúng ta cần phải làm gì để nâng cao đời sống cho người nông dân hơn nữa?
 
- Tôi mới đọc được một bài viết mới đấy của tác giả Tạ Duy Anh, trong đó có nêu lên một nhận định của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nội dung như sau: Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào. Điều đó cũng có nghĩa là khoảng 800.000 công chức đang ngồi không ăn lương.
 
Và mỗi 100 người dân Việt Nam phải nuôi không một ông/bà công chức, còn mỗi năm cần tới 50.000 tỷ đồng tương đương 2,5 tỷ USD để trả lương cho họ. Một con số không hề nhỏ. Vậy thì lấy tiền đấy để hỗ trợ, giúp đỡ nông dân, đầu tư vào nông nghiệp còn có thể nâng cao đời sống cho người nông dân hơn là trả lương cho khoảng 800.000 công chức đang ăn không ngồi rồi.
 
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tăng cường đầu tư vào nông nghiệp nhưng vẫn chưa hiệu quả. Các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam khi xuất khẩu ra nước ngoài đều không được giá, thậm chí là rớt giá thảm hại. Phải chăng là do chúng ta đầu tư vào nông nghiệp chưa đủ, thưa TS?
 
- Không phải như vậy. Vấn đề là người nông dân hay bất cứ người nào, thấy lời là sẽ làm. Nên việc tạo ra một môi trường thông thoáng thì tiền đổ vào đấy. Ví dụ như bất động sản, khi thấy lời nhiều, dễ làm ăn người ta đổ vào trong đấy, hàng trăm nghìn tỷ. Nên vấn đề không phải là tiền.
 
Chúng ta cũng không thiếu người, không thiếu trí khôn, chỉ thiếu một môi trường để sinh sôi nảy nở. Làm thế nào để người nông dân được hưởng những cái này, được lợi từ những cái này. Chứ không họ sẽ đổ xô lên thành phố để làm công nhân, sống trong những khu ổ chuột, vất vưởng, không có tương lai.
 
Nên cái cần thiết ở đây là môi trường, cần tạo sự thông thoáng. Đừng để gánh nặng đè ép lên đầu người nông dân. Khi đó họ sẽ tự cất cánh bay lên.
 
Khi gia nhập WTO, các chuyên gia không khỏi lo ngại vì nông nghiệp Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức mới. Ví dụ như sản xuất manh mún, giá thành cao, chất lượng thấp... Và cho đến nay, những thách thức đó vẫn luôn được đặt ra, cần phải giải quyết. Vậy theo TS, chúng ta cần phải làm gì để khắc phục những điều này?
 
- Bất cứ ngành nghề gì cũng gặp phải sự cạnh tranh, chứ không phải trước hay sau khi gia nhập WTO. Trước khi gia nhập WTO chúng ta bán quanh xung quanh mình, thành ra mình chỉ cạnh tranh trong nước, thị trường không lớn được. Nhưng bây giờ Việt Nam xuất khẩu cà phê, gạo số 1, số 2 thế giới, là lý do tại sao?
 
Đó là vì có nguyên một thị trường quốc tế. Khi ra biển lớn thì đương nhiên phải gặp sóng, không thể nào im như một cái ao hồ được. Vấn đề là phải làm thế nào? Phải tạo ra những con thuyền mạnh, lớn hơn để đi ra biển, chứ không thể kiếm những con thuyền nhỏ trong ao hồ để đi ra biển được, sẽ bị sóng đập chết.
 
Do đó phải đối diện với khó khăn và phải tạo cho mình một sức mạnh mới. Những chuyện đã qua rồi thì không thể quay trở lại thời xưa nữa. Vấn đề là phải đi để sống thôi, còn quay lại, đóng cửa thì chỉ trong vòng 10 năm nữa chúng ta sẽ trở thành Bắc Triều Tiên. Có ai muốn như vậy hay không?
 
Xin chân thành cảm ơn TS!
Theo Báo NN
Tìm kiếm chúng tôi