|
  • :
  • :

Chuyển biến chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) 2023 vừa công bố cho thấy, trong năm 2023, các địa phương trên cả nước đã tích cực triển khai các kế hoạch hành động thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội của Quốc hội, Chính phủ và các nhiệm vụ được Chính phủ phân công về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

 

images2548954_BVL_a__9_.jpg (456×304)
Môi trường đầu tư kinh doanh tốt hiện nay không chỉ là sự thuận lợi, nhanh chóng, dễ dàng về thủ tục mà còn phải thân thiện với môi trường, theo định hướng bền vững.

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) 2023 vừa công bố cho thấy, trong năm 2023, các địa phương trên cả nước đã tích cực triển khai các kế hoạch hành động thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội của Quốc hội, Chính phủ và các nhiệm vụ được Chính phủ phân công về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực tích cực của chính quyền các tỉnh, thành phố trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.

Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh

Theo ông Phạm Tấn Công- Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), báo cáo PCI và PGI năm 2023 ghi dấu hành trình 19 năm VCCI xây dựng và công bố chỉ số PCI và năm thứ 2 công bố chỉ số PGI.

Đây là kết quả cụ thể và thiết thực của VCCI trong việc thực hiện các chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh, cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Đặc biệt, triển khai Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, mà trực tiếp nhất là nhiệm vụ tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, DN phát triển và cống hiến.

Kết quả khảo sát phản ánh trong Báo cáo PCI và PGI 2023 đã cho thấy cộng đồng DN Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực tích cực của chính quyền các tỉnh, thành phố trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh so với trước đây.

Cụ thể, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục xu hướng cải thiện theo thời gian; công tác hỗ trợ DN có chuyển biến tích cực; chi phí không chính thức cũng tiếp tục chiều hướng giảm; thủ tục gia nhập thị trường thuận lợi hơn; cải cách thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt khoảng 77% DN cho biết việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến giúp tiết giảm nhiều thời gian và chi phí hơn cho DN so với các phương thức truyền thống.

Báo cáo PCI và PGI 2023 ghi nhận những chuyển động tích cực trong môi trường kinh doanh Việt Nam từ góc nhìn của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Trong khi đó, theo ông Phạm Tấn Công môi trường đầu tư kinh doanh tốt không chỉ là sự thuận lợi, nhanh chóng, dễ dàng về thủ tục mà còn phải thân thiện với môi trường, theo định hướng bền vững. Theo kết quả PGI 2023, các tỉnh đứng đầu là Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Hưng Yên và TP Hồ Chí Minh.

Một số tỉnh, thành phố khác trong top 10 PGI 2023 là Tây Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa- Vũng Tàu, Hà Nam và Vĩnh Long. “Với việc xây dựng và công bố PGI bên cạnh chỉ số PCI, VCCI mong muốn các địa phương tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh mạnh mẽ đồng thời quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường” - ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Mức độ lạc quan của doanh nghiệp giảm

Tuy nhiên, báo cáo PCI và PGI 2023 cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng có một số điểm cần quan tâm. Bên cạnh những trở ngại, các DN cũng đang gặp phải nhiều khó khăn trong hoạt động.

Theo ông Đậu Anh Tuấn- Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án Sáng kiến PGI, theo báo cáo PCI 2023, khó khăn lớn nhất mà DN gặp phải trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thậm chí khó khăn hơn so với năm 2022 là về tiếp cận tín dụng, tìm kiếm mặt bằng kinh doanh, tìm kiếm nhà cung cấp, tìm kiếm nhân sự, thực hiện thủ tục hành chính, chất lượng cơ sở hạ tầng, biến động thị trường, biến động chính sách pháp luật, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo thực hiện hợp đồng, và thiên tai, biến đổi khí hậu.

Trong đó, 5 vấn đề khó khăn lớn nhất mà các DN gặp phải, là tiếp cận vốn, tìm kiếm khách hàng, biến động thị trường, khó khăn từ tác động của dịch COVID-19 và tìm kiếm đối tác kinh doanh.

Đáng lưu ý, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, khi DN được khảo sát về kế hoạch kinh doanh trong 2 năm tới, mức độ lạc quan của DN ở mức thấp so với những năm trước. “Cụ thể, chỉ 27% DN cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tiếp theo, giảm đáng kể từ con số 35% của năm 2022.

Con số 27% này cũng thấp hơn cả mức đáy trước đây là năm 2012-2013 khi nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với tác động kép của khủng hoảng tài chính toàn cầu và những bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước”.

Báo cáo PCI và PGI 2023 ghi nhận những chuyển động tích cực trong môi trường kinh doanh.
Báo cáo PCI và PGI 2023 ghi nhận những chuyển động tích cực trong môi trường kinh doanh.

Dữ liệu khảo sát còn cho thấy tỷ lệ DN dự kiến giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa DN trong khảo sát 2023 lên tới 16,2%. Con số này cao hơn đáng kể so với mức 10,7% được ghi nhận trong khảo sát năm 2022 và gần bằng mức cao kỷ lục 16,6% của khảo sát 2021 khi Việt Nam còn nằm trong tâm dịch COVID-19. Cùng với đó, các DN quy mô càng nhỏ thì mức độ lạc quan càng suy giảm.

Dù có sự suy giảm vào năm 2023, song nhiệt kế DN tư nhân cũng có những điểm sáng theo đặc điểm DN. Các DN có quy mô vừa và lớn có mức độ lạc quan tương đối cao. Cụ thể, 38,2% DN quy mô từ 50-200 tỷ đồng dự kiến mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tới; 39,5% DN có quy mô từ 200 tỷ đồng trở lên có dự định tương tự.

Xét theo lĩnh vực, DN trong một số ngành tỏ ra khá lạc quan. 3 ngành có tỷ lệ DN dự kiến mở rộng sản xuất kinh doanh cao nhất là sản xuất thiết bị điện (50%), sản xuất hóa chất (42,2%) và sản xuất cao su, nhựa (35,7%).

Vĩnh Long top 10 PGI 2023 nhưng vắng mặt trong top 30 PCI 2023

Theo Báo cáo PCI và PGI 2023, Vĩnh Long đứng vị trí 10 PGI 2023 với các chỉ số thành phần PGI 2023 cải thiện đáng kể so với năm 2022. Trong đó, những chỉ số thành phần điểm số cao như: Giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai (7,67 điểm); đảm bảo tuân thủ (6,42 điểm)…

Tuy nhiên, đáng tiếc, Vĩnh Long không góp mặt trong top 30 PCI 2023. Đây là năm thứ 3 và năm thứ 2 liên tiếp Vĩnh Long lọt khỏi top 30 (năm 2022 thứ hạng 40 và thứ hạng 54 năm 2011). Xếp hạng PCI theo thời gian của Vĩnh Long, tỉnh đã có 12 năm trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước, trong đó 3 lần đứng vị trí thứ 3 (2005, 2007 và 2019).

Thời gian qua, Vĩnh Long luôn xác định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ, thực chất và quyết liệt hơn nữa. Trong năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP, trong đó, cải thiện thứ hạng PCI là một mục tiêu quan trọng. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã công bố Bộ tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) năm 2023. Theo đó, bám sát yêu cầu đánh giá công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với việc duy trì, cải thiện chỉ số PCI là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong thực thi công vụ. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao.

 

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC

Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/kinh-te/202405/chuyen-bien-chat-luong-dieu-hanh-kinh-te-cap-tinh-3183214/