|
  • :
  • :

Doanh nghiệp tâm huyết phát triển sản phẩm gốm đỏ

Theo Hiệp hội Gạch gốm mỹ nghệ Vĩnh Long, từ năm 2020-2023, các doanh nghiệp sản xuất gạch gốm gặp rất nhiều khó khăn như ảnh hưởng tình hình dịch COVID-19 làm cho sản xuất suy giảm, đơn hàng suy giảm mạnh do ảnh hưởng từ thị trường châu Âu, giá trấu tăng cao…

 

Tiếp tục nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm gốm mới hướng đến các phân khúc khách hàng mới- phục vụ khách du lịch và phục vụ thị trường nội địa.

 

Theo Hiệp hội Gạch gốm mỹ nghệ Vĩnh Long, từ năm 2020-2023, các doanh nghiệp sản xuất gạch gốm gặp rất nhiều khó khăn như ảnh hưởng tình hình dịch COVID-19 làm cho sản xuất suy giảm, đơn hàng suy giảm mạnh do ảnh hưởng từ thị trường châu Âu, giá trấu tăng cao…

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp quyết tâm nỗ lực để duy trì và phát triển ngành gạch gốm. Phóng viên Báo Vĩnh Long ghi nhận những ý kiến tâm huyết, “hiến kế” để tiếp tục phát triển sản phẩm gốm đỏ đặc trưng.

Ông Nguyễn Minh Ký- Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Hiệp Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gạch gốm mỹ nghệ Vĩnh Long

Ngành sản xuất gốm đất nung được hình thành tại Vĩnh Long từ rất lâu đời. Với hàng ngàn mẫu mã khác nhau, các sản phẩm gốm Vĩnh Long đã có mặt ở EU, Mỹ, châu Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Sản lượng sản xuất có thời điểm đạt gần 50 triệu sản phẩm/năm và gốm trở thành thế mạnh đặc trưng, nổi tiếng với thương hiệu “Gốm đỏ Vĩnh Long”.

Thời hoàng kim ngành gốm mang lại nhiều giá trị kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh và giải quyết được nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, hiện ngành gốm của tỉnh đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, một trong số đó là khó khăn về nguồn nguyên liệu sản xuất, nguồn đất sét ngày càng khan hiếm và khó khai thác.

Theo đó, cần có quy hoạch khai thác nguồn đất sét của tỉnh phục vụ cho sản xuất gốm. Bên cạnh, cần có chủ trương chung và thống nhất giữa Vĩnh Long và các tỉnh lân cận như Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh… cho phép doanh nghiệp khai thác đất sét ở các vị trí được quy hoạch khai thác, phục vụ sản xuất gốm.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm về khai thác nguồn đất sét. Đối với các doanh nghiệp khai thác, phải đảm bảo đầy đủ các quy định của pháp luật về môi trường, chỉ được khai thác tại vị trí đã được phê duyệt, xử lý nghiêm hành vi khai thác lậu…

Bà Võ Lê Diệu Phương- DNTN Tân Hiệp Phát II, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gạch gốm mỹ nghệ Vĩnh Long

Vĩnh Long từ lâu đã nổi tiếng là xứ miệt vườn sông nước, cây trái xum xuê. Trong đó, không thể không nhắc đến con sông Cổ Chiên- nơi có làng nghề gạch gốm hàng trăm năm.

Đề án Di sản đương đại Mang Thít thể hiện rõ nét câu chuyện lịch sử là nghề, của cuộc sống… Theo đó, khi kết hợp với du lịch sẽ giúp làm giàu đời sống, nét đẹp văn hóa tinh thần của chính người dân và du khách đến với vùng di sản.

Để phát triển sản phẩm gốm gắn với du lịch, cần bảo tồn trên cơ sở duy trì các sản phẩm gốm truyền thống và phát triển thêm sản phẩm mới phục vụ đa dạng nhu cầu của khách hàng, trong đó chú ý phục vụ khách du lịch.

Để có sự gắn kết du lịch thì phải phát triển sản phẩm gốm đỏ nội địa hướng đến phục vụ khách du lịch như: quà lưu niệm với nhiều hình ảnh tươi đẹp và mang đậm nét riêng của vùng sông nước; phát triển các sản phẩm gốm nhỏ, nhẹ với tạo hình vui mắt sinh động để dễ dàng cho du khách mang về, lưu lại nét độc đáo của sản phẩm gốm đỏ.

Bên cạnh, cần có bước chuẩn bị hạ tầng phục vụ cho khách du lịch. Thời gian qua, đã có doanh nghiệp sẵn sàng phục vụ khách tham quan và trải nghiệm việc tự tay nắn sản phẩm như: DNTN Tân Hiệp Phát, Công ty TNHH Mỹ nghệ Thanh Đức…

Đồng thời, Hiệp hội Gạch gốm mỹ nghệ Vĩnh Long và các doanh nghiệp gốm cần kết nối với đơn vị lữ hành tổ chức tour du lịch- kênh giới thiệu về di sản, cung đường làng nghề tạo điểm nhấn thu hút.

Có thể thấy, gốm mỹ nghệ Vĩnh Long đã từng bước được mở ra một hướng mới đầy hứa hẹn, sắc đỏ sẽ càng tươi thắm trong lòng những người con đã nặng nợ với nghề của ông cha truyền lại.

Hiện Hiệp hội Gạch gốm mỹ nghệ Vĩnh Long đang phối hợp Sở Công Thương thực hiện Đề án Nâng cao chuỗi giá trị ngành sản xuất gốm đỏ tỉnh Vĩnh Long; phối hợp với Sở Văn hóa-TT-DL thực hiện Đề án Di sản đương đại Mang Thít… góp phần bảo tồn và phát triển ngành gạch gốm.

Vừa qua, ngôi nhà gốm đỏ của ông Nguyễn Văn Buôi (ở Phường 5, TP Vĩnh Long) đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố xác lập kỷ lục đối với “Ngôi nhà 3 gian 2 chái truyền thống hoàn toàn bằng gốm đỏ Vĩnh Long lớn nhất tại Việt Nam”. Đây là một trong những tiền đề thuận lợi để phát triển sản xuất gốm theo hướng gắn với du lịch.

 

TUYẾT HIỀN (ghi)

 

 

Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/kinh-te/202312/doanh-nghiep-tam-huyet-phat-trien-san-pham-gom-do-3178829/