|
  • :
  • :

Hiện thực hóa ước mơ làm giàu của nhà nông

Qua công tác phát động phong trào thi đua yêu nước hàng năm, TP Đà Lạt đã xuất hiện được các gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu với các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao trên mọi lĩnh vực. 

Trong năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi, ứng dụng công nghệ cao có ông Nguyễn Duy Hạng (Phường 9, TP Đà Lạt) với mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo cho thu nhập cao; đồng thời, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của thị trường tiêu thụ thảo dược trong và ngoài tỉnh.
 
Ông Nguyễn Duy Hạng là hộ nông dân tiên phong trồng nấm đông trùng hạ thảo tại Đà Lạt
Ông Nguyễn Duy Hạng là hộ nông dân tiên phong trồng nấm đông trùng hạ thảo tại Đà Lạt
 
Ông Nguyễn Duy Hạng (63 tuổi), hiện là Chi hội trưởng Chi hội nông dân Tổ dân phố 1 (Lữ Gia, Phường 9). Ông quê gốc ở Huế nhưng sinh ra và lớn lên tại TP Đà Lạt. Do đó, ông nắm rõ điều kiện thời tiết, khí hậu của nơi này là môi trường lý tưởng, ổn định để nuôi trồng nấm. 
 
Ông kể, nghề trồng nấm tại Đà Lạt đã có từ 30 - 40 năm trước do các công ty nước ngoài du nhập công nghệ nuôi cấy về thí nghiệm con giống chủ tại Việt Nam. Do đó, ngày trước nông dân trồng rất nhiều loại nấm... Sau này, cảm thấy hiệu quả kinh tế cao từ loại nấm mới lạ có tên đông trùng hạ thảo vừa làm dược liệu, vừa là món ăn chứa dinh dưỡng cao nên ông đã mạnh dạng bắt tay vào thử nghiệm trên nhiều giá thể. Sau 3 năm, ông đã nuôi cấy thành công từ loài nấm nhập khẩu ở Ấn Độ có tên Cordyceps Militaris và duy trì con giống chủ khỏe mạnh, đến nay, có đủ điều kiện để tự nhân giống tại nhà xưởng. 
 
Nhưng có lẽ, điều khiến ông cảm thấy hạnh phúc nhất là được tận tay trao khách hàng sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo trồng tại Đà Lạt, có dược tính Cordycepin trong sản phẩm đạt mức hơn 0,7 mg/g. Hơn hết, nghề trồng nấm tại Đà Lạt đã có các con tiếp nối, cùng ông gầy dựng thương hiệu Hana Farm hơn 10 năm qua với 4 chi nhánh ở các tỉnh thành trên cả nước. 
 
Từ ngày còn trẻ, ước mơ vươn lên làm giàu của ông Nguyễn Duy Hạng không chỉ dừng lại ở cá nhân hộ gia đình mà ông còn muốn bà con thu nhập ổn định cùng nhau. Do đó, ông đã không ngại công sức, thời gian của mình dưới cương vị là người đi đầu của Chi hội nông dân để truyền đạt kinh nghiệm cho bà con làm theo các mô hình có hiệu quả kinh tế cao từ Hội Nông dân tỉnh, thành phố… Trong đó, người nông dân nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo theo quy mô gia đình có thể mang lại thu nhập từ vài trăm triệu mỗi năm.
 
Hiện tại, ông Nguyễn Duy Hạng có khoảng 1.000 m2 trồng nấm trong dây truyền khép kín. Hàng tháng, gia đình ông xuất đi trung bình 10.000 hủ nấm thành phẩm (150 gr/hủ) phục vụ cho các nhà hàng, khách sạn, quán ăn, tiệm pha chế… Chính điều này, đã giúp ông tạo thêm công ăn việc làm cho bà con trong tổ dân phố với các công việc như chuẩn bị nguyên liệu nuôi cấy cho đến công đoạn thu hoạch, sản xuất phân loại thành phẩm. 
 
Sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo cho thu hoạch, tính từ giai đoạn sinh trưởng khoảng 3 tháng
Sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo cho thu hoạch, tính từ giai đoạn sinh trưởng khoảng 3 tháng
 
Niềm mơ ước tạo ra được sản phẩm đông trùng hạ thảo “made in” Đà Lạt với hàm lượng dinh dưỡng ngày càng cao và có thể cạnh tranh ra thị trường quốc tế của ông nông dân Nguyễn Duy Hạng, một ngày không xa sẽ trở thành hiện thực.
 
Hiện, gia đình ông Hạng có hai cách nuôi trồng để ra sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo. Một là nuôi trên môi trường tổng hợp có bột gạo lức, hai là nuôi nấm 100% trên con nhộng tằm còn sống. Đây là cách nuôi cấy một loài ký sinh trên một loài ấu trùng giống với tự nhiên nhưng rút ngắn và chủ động được thời gian sinh trưởng cho ra thành phẩm theo ý người nông dân. 
 
Ông Hạng chia sẻ: Để tạo ra con nấm đông trùng hạ thảo cần theo một quy trình khép kín, được phân theo các phòng có chức năng riêng biệt. Từ khâu sản xuất giống nấm, bảo quản nấm, ủ nguyên liệu rồi thực hiện việc nuôi cấy, sinh trưởng trong phòng lạnh với các thiết bị đo nhiệt, máy giữ độ ẩm ổn định… Tất cả khu vực sản xuất đều lắp đặt các loại máy móc hiện đại khử trùng tuyệt đối, đảm bảo yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
Được biết, nhờ khí hậu Đà Lạt thuận lợi nên công việc nuôi trồng nấm không tốn quá nhiều công sức và chi phí đầu tư máy móc hỗ trợ như các vùng nắng nóng ở miền Trung và miền Bắc... Sau 2 đến 3 tháng tính từ ngày tạo phôi, trang trại sẽ cho ra đời những cây nấm đông trùng hạ thảo mang thương hiệu Đà Lạt với chất lượng có thể sánh cùng thị trường với các loại đông trùng hạ thảo nhập khẩu từ nước ngoài.
 
Tại Việt Nam, nhiều nghiên cứu y học và dược học đã chứng minh đông trùng hạ thảo được chế biến ở dạng sấy đông khô giữ nguyên dược chất có lợi để chế biến các món hầm, nấu cháo hoặc ăn tươi, pha trà, ngâm rượu, mật ong hay cô thành cao, chế viên nan làm thuốc... Với hàm lượng dược tính sinh học cao đã được các nhà khoa học công nhận, nấm trồng tại Đà Lạt gần tương đồng với đông trùng hạ thảo trong tự nhiên nên có nhiều công dụng như hỗ trợ điều trị ung thư sau xạ trị, tăng hệ miễn dịch, hỗ trợ điều trị tiểu đường… đặc biệt là công dụng chống lão hóa. 
 
Với những ưu đãi đặc biệt từ thiên nhiên, Đà Lạt được xem là môi trường thuận lợi để phát triển nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo trên quy mô công nghiệp. Đây chính là tiền đề để ông Nguyễn Duy Hạng và những hộ nông dân nuôi trồng nấm tại địa phương được tiếp cận với nền nông nghiệp thông minh, cho năng suất tốt, nâng cao chất lượng lao động xã hội và cải thiện cuộc sống của người dân địa phương. Đồng thời, hướng tới việc xây dựng thương hiệu sản xuất nấm đông trùng hạ thảo đạt chuẩn chất lượng Việt Nam và vươn ra quốc tế.
 
Đông trùng hạ thảo nuôi cấy nhân tạo tại Đà Lạt đã và đang được khách hàng tin tưởng. Đây cũng được xem là đặc sản, món quà Đà Lạt không thể thiếu, luôn được du khách mua về làm quà tặng cho người thân.
 
 
Nguồn: http://baolamdong.vn/kinhte/202207/hien-thuc-hoa-uoc-mo-lam-giau-cua-nha-nong-3124468/