|
  • :
  • :

Nhiều cơ hội cho sản phẩm đặc trưng địa phương

Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu sẽ góp phần tăng sức bật tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) sẽ góp phần đưa các sản phẩm này đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước.

Nhiều sản phẩm OCOP của Vĩnh Long dần chiếm được cảm tình của người tiêu dùng.
Nhiều sản phẩm OCOP của Vĩnh Long dần chiếm được cảm tình của người tiêu dùng.

Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu sẽ góp phần tăng sức bật tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) sẽ góp phần đưa các sản phẩm này đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước.

Đa dạng hóa, tăng doanh thu sản phẩm

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Chương trình OCOP đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm. Ngoài ra, định hướng sản xuất sản phẩm OCOP cũng nhằm góp phần đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường. Hiện nhiều doanh nghiệp, tập đoàn, siêu thị lớn đã đặt hàng, ưu tiên các sản phẩm OCOP đưa vào hệ thống phân phối, được tiêu thụ ổn định.

Theo Sở Công thương, Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp ở ĐBSCL, có thế mạnh về các sản phẩm nông sản như trái cây, mặt hàng rau củ quả và sản phẩm chế biến từ nông sản. Đến nay, Vĩnh Long đã công nhận 73 sản phẩm OCOP gồm 27 sản phẩm đạt 4 sao và 46 sản phẩm đạt 3 sao với 48 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, toàn tỉnh có 118 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, 18 sản phẩm cấp khu vực và 5 sản phẩm cấp quốc gia được công nhận trong thời gian qua.

“Các sản phẩm này đã cho thấy chất lượng cũng như thương hiệu ngày càng đứng vững trên thị trường, góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm chủ lực của địa phương”- Phó Giám đốc Sở Công thương- Nguyễn Trung Kiên đánh giá.

Thời gian tới, một trong những nội dung quan trọng nhằm phát triển bền vững kinh tế nông thôn, đó là “Đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm”, theo ông Nguyễn Minh Tiến- Vụ trưởng- Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, trong giai đoạn 2021- 2025, Chương trình OCOP tiếp tục là giải pháp trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững. Theo đó, sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả và đồng bộ các nhiệm vụ ưu tiên, cụ thể như: triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực tổ chức sản xuất, chế biến và thương mại theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP; ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế nhằm phát huy bản sắc vùng miền, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và niềm tự hào của người dân, thúc đẩy giá trị của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở nông thôn…

Chinh phục người tiêu dùng trong nước

Vĩnh Long vừa tổ chức thành công Hội chợ CNNT tiêu biểu, sản phẩm OCOP khu vực ĐBSCL- Vĩnh Long năm 2022. Đây là chương trình quy mô đầu tiên đầu năm 2022 và có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác XTTM và góp phần thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần giúp định hướng cho doanh nghiệp, đơn vị sản xuất thay đổi công nghệ, quy trình sản xuất đáp ứng kịp thời với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước.

Hội chợ góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng địa phương.
Hội chợ góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng địa phương.

Theo Sở Công thương, hội chợ đã mang đến nhiều sản phẩm đặc trưng vùng miền đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, năm 2022, ngành công thương Vĩnh Long xác định mục tiêu sẽ tập trung vào thị trường nội địa. “Đây là thị trường hết sức quan trọng, nhất là trong thời điểm chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, với lợi thế gần 100 triệu dân sẽ là những người tiêu dùng thông thái, góp phần quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp, người nông dân, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thủy sản chủ lực của tỉnh”- ông Kiên cho biết.

Theo Đề án “Chương trình phát triển mỗi xã một sản phẩm OCOP giai đoạn 2021- 2025”, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đến năm 2025 phát triển mới từ 80- 100 sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao trở lên và hỗ trợ tạo điều kiện để các chủ thể tham gia chương trình OCOP (gồm hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và hộ kinh doanh), đầu tư nâng cấp để có từ 2- 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia. Liên kết các làng nghề, các chủ thể tham gia chương trình OCOP với các điểm, khu du lịch trong và ngoài tỉnh để nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP…

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Nguồn: http://baovinhlong.com.vn/kinh-te/202204/nhieu-co-hoi-cho-san-pham-dac-trung-dia-phuong-3113776/