|
  • :
  • :

Sơn La ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp

Ứng dụng công nghệ sinh học đã mang đến nhiều lợi ích trong việc lai tạo và đưa các loại giống mới vào sản xuất, chủ động kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường, góp phần nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Sản xuất nông nghiệp ngày nay không còn phụ thuộc quá nhiều vào sự sinh trưởng và phát triển tự nhiên; ứng dụng công nghệ sinh học đã mang đến nhiều lợi ích trong việc lai tạo và đưa các loại giống mới vào sản xuất, chủ động kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường, góp phần nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Tích cực ứng dụng công nghệ sinh học
Trong khi nhiều nơi đã thu hoạch xong vụ na, nhưng HTX xây dựng và nông nghiệp Bảo Khánh, tiểu khu 3-2, xã Cò Nòi (Mai Sơn) vẫn còn thu hái na rải vụ và bán cho đến hết Tết Dương lịch 2022.
Anh Bùi Văn Lộc, Giám đốc HTX cho biết: Trước đây, giống na địa phương chỉ cho thu hoạch từ tháng 7-10 hằng năm, hiện HTX đã thực hiện cải tạo ghép toàn bộ diện tích trồng na địa phương sang trồng na Thái, Đài Loan và na sầu riêng. Các giống na này quả to, ít hạt, ít sâu bệnh hại, giá trị kinh tế cao hơn. Kết hợp sử dụng các chất điều hòa sinh trưởng với các biện pháp kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, tưới nước, thụ phấn để rải vụ, kéo dài thời gian thu hoạch na thêm 2 tháng. Sau 4 năm ứng dụng kỹ thuật trồng rải vụ, năm 2021, tổng sản lượng na HTX thu hoạch đạt gần 650 tấn, trong đó gần 50 tấn na rải vụ, với giá bán tại vườn trung bình 70.000 đồng/kg, tổng doanh thu gần 45 tỷ đồng, thu nhập các hộ thành viên cao hơn hẳn trước đây.
Thu hoạch na rải vụ tại HTX xây dựng và nông nghiệp Bảo Khánh, tiểu khu 3-2, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn.
Đột phá ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực cây trồng là sử dụng chất điều hòa sinh trưởng kết hợp với các biện pháp kỹ thuật để sản xuất trái vụ, rải vụ. Điển hình như các HTX  nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, bản Văng Lùng, xã Chiềng Hặc (Yên Châu); HTX Đảo Ngọc, xã Mường Bú (Mường La); HTX xây dựng và nông nghiệp Bảo Khánh, xã Cò Nòi (Mai Sơn)...
Trong lĩnh vực trồng trọt hiện cũng có những bứt phá trong ứng dụng các giống sắn (KM94, SC205, KM325) kháng sâu bệnh hại, năng suất, hàm lượng tinh bột cao để phục vụ chế biến; các giống mía (Roc22, R579, Roc10, My554) được triển khai trồng thử nghiệm, kéo dài thời gian thu hoạch; cây ăn quả vừa thực hiện ghép cải tạo và đưa vào trồng mới các loại giống cải thiện chất lượng, năng suất, thích ứng với biến đổi khí hậu, chú trọng bảo tồn, lưu giữ và khai thác hợp lý nguồn gen quý hiếm đối với 91 giống cây ăn quả đầu dòng, 6 cây chè Shan khai thác 3.000 hom/năm và 6 vườn cao su khai thác gần 1,4 triệu mắt ghép/năm. Ứng dụng và sử dụng các chế phẩm sinh học diệt côn trùng gây hại, giảm thiểu bệnh hại, tăng khả năng đề kháng bệnh của cây trồng và không ảnh hưởng đến môi trường.
Trong lĩnh vực chăn nuôi đã ứng dụng công nghệ cấy chuyển phôi giống bò sữa thuần chủng tại Mộc Châu, phối giống nhân tạo cho hơn 7.000 lượt bò cái có kết quả bằng tinh của giống bò chất lượng cao Brahman; chăn nuôi công nghệ khép kín, tự động hóa toàn bộ hoặc một số khâu trong chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp như chăn nuôi lợn giống, lợn siêu nạc thương phẩm tại Công ty cổ phần chăn nuôi Lộc Phát - BLLP (Thành phố); Công ty cổ phần chăn nuôi Minh Thúy (Mai Sơn)...
Ông Nguyễn Công Bắc, Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi Lộc Phát - BLLP, phường Chiềng Sinh (Thành phố), chia sẻ: Quy mô chăn nuôi của Công ty khoảng 1.300 con lợn nái và 9.000 con lợn thịt áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, tự động hóa. Công ty không chỉ tự sản xuất, cung ứng giống lợn siêu nạc phục vụ sản xuất mà còn khai thác tinh lợn, bán con giống ra thị trường. Với quy trình sản xuất khép kín, tự sản xuất, cung cấp con giống tại chỗ, kiểm soát chặt chẽ chất lượng ngay từ đầu vào, tiết kiệm chi phí đầu tư. Hàng năm, Công ty đều sử dụng sản phẩm của công nghệ nuôi cấy tế bào (vắc-xin) trong phòng trị một số bệnh nguy hiểm cho đàn gia súc. Đặc biệt ứng dụng công nghệ khí sinh học xử lý chất thải chăn nuôi, bảo vệ môi trường.
Công nghệ sinh học còn được ứng dụng trong lĩnh vực thủy sản chọn lọc đàn cá bố mẹ, sản xuất cá giống bằng phương pháp đẻ vuốt và ấp trứng bằng bình vây, ứng dụng phương pháp lai xa hoặc sử dụng hóa chất để tạo giống đơn tính trong sản xuất cá giống, nhằm tạo ra con giống năng suất, chất lượng cao. Ứng dụng và mở rộng diện tích nuôi cá thâm canh, nuôi lồng, bè đối với cá chép, trắm cỏ, rô phi đơn tính, lăng, tầm... Tiêu biểu như Công ty TNHH MTV cá tầm Việt Nam - Sơn La thuộc Tập đoàn cá tầm Việt Nam, đến nay đã có gần 10 năm triển khai Dự án nuôi cá tầm trên lòng hồ thủy điện Sơn La. Ngoài sản xuất và cung cấp cá tầm thương phẩm, hiện Công ty đã sản xuất thành công giống cá tầm nước lạnh bằng phương pháp siêu âm trứng, ấp nở bằng phương pháp nhân tạo thành công. 
Thành quả nghiên cứu khoa học
Những kết quả ứng dụng công nghệ sinh học tại các doanh nghiệp, HTX là sự kế thừa, ứng dụng từ các đề tài, dự án nghiên cứu của tỉnh, doanh nghiệp. Giai đoạn 2008-2020, tỉnh Sơn La đã triển khai thực hiện 122 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong đó lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn chiếm trên 50% tổng số đề tài, dự án. Tập trung vào một số nhiệm vụ nghiên cứu công nghệ sinh học truyền thống, như: Thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; công nghệ ghép trong trồng trọt; công nghệ lên men trong bảo quản chế biến các sản phẩm nông sản; công nghệ vi sinh trong sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; xử lý chất thải phục vụ phát triển trồng trọt; nghiên cứu triển khai ứng dụng công nghệ nhân nhanh giống cây trồng bằng nuôi cấy mô và tế bào vào sản xuất trên chuối, một số loài hoa phong lan.
Từ 2017 đến hết năm 2020, tỉnh đã hỗ trợ 900 triệu đồng để Hợp tác xã nông nghiệp 26-3 (Thành phố) tiếp nhận quy trình kỹ thuật sản xuất Dưa lê vàng Hàn Quốc và cà chua chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP và hoàn thiện các điều kiện để Hợp tác xã trở thành doanh nghiệp KH&CN; Công ty TNHH Năng lượng Mộc Châu Xanh hoàn thiện công nghệ, quy trình kỹ thuật sản xuất than sinh học và Hợp tác xã Đồng Tiến tiếp nhận quy trình trồng chuối nuôi cấy mô tại huyện Yên Châu.
Hiện, toàn tỉnh đã có 4 trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; đang triển khai thực hiện Dự án Khu ứng dụng công nghệ sinh học tại Thành phố và Dự án Xây dựng khu nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ về nông, lâm nghiệp tại huyện Mộc Châu với tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 12 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trong đó có 11 doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Những doanh nghiệp, HTX khoa học công nghệ này chủ yếu ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống ngô lai, giống cà chua ghép gốc cà tím, giống bơ, bưởi lai, chanh leo Đài nông LPH04; quy trình kỹ thuật trồng và sản xuất một số loại hoa nhiệt đới. Ngoài ra, một số doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến nông sản, phát triển năng lượng tái tạo (sản xuất than sinh học, nhiên liệu khí hóa sinh khối). Nhờ ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất đã nâng cao hiệu quả sản xuất tại các doanh nghiệp, HTX, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Công ty cổ phần Hoa nhiệt đới Mộc Châu sử dụng giống lan nuôi cấy mô sản xuất trong nhà màng chất lượng cao.
Bà Nguyễn Thúy Hà, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Hoa Nhiệt đới, bản Bú, xã Đông Sang (Mộc Châu), cho biết: Năm nay, Công ty sản xuất 300.000 cây lan và 1 triệu hoa ly, sử dụng 100% cây giống nuôi cấy mô nhập khẩu vừa sản xuất và cung ra trường trong khu vực miền Bắc. Việc sản xuất có thể can thiệp điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ nên để ức chế tác động vào quá trình sinh trưởng của hoa lan, để hoa nở đúng thời gian thu hoạch theo ý muốn. Dự kiến tổng doanh thu của Công ty đạt 220 tỷ đồng, tăng 40 tỷ đồng so với năm 2020, tạo việc làm thường xuyên cho 60 lao động địa phương, thu nhập từ 5-10 triệu đồng/người/tháng.
Hướng tới phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững
Thực hiện Quyết định số 429/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030, ngày 28/7/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 169/KH-UBND về tổ chức triển khai thực hiện Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Mục tiêu giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh Sơn La tập trung đầu tư nguồn nhân lực có trình độ; hoàn thành các dự án khu ứng dụng công nghệ sinh đảm bảo cơ sở hạ tầng nghiên cứu và nhân lực để triển khai các dự án đề tài nghiên cứu. Làm chủ các công nghệ tiên tiến, khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động phổ biến, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ công nghệ sinh học trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; trong phòng trừ dịch bệnh hại cây trồng, vật nuôi, thủy sản và thực hiện bảo quản, chế biến các sản phẩm nông nghiệp...
Quan tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học dựa trên tình hình sản xuất thực tiễn để nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị nông sản, tăng khả năng cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu, hướng tới phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.
Theo http://www.baosonla.org.vn/
Nguồn: https://congnghiepsinhhocvietnam.com.vn/tin-tuc/t2255/son-la-ung-dung-cong-nghe-sinh-hoc-trong-san-xuat-nong-nghiep.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin