Tin hot

Đánh thức tiềm năng vùng hồ các thủy điện Sơn La


Trong những ngày cuối năm, chúng tôi, những người làm báo, được tham dự chuyến công tác của các đồng chí lãnh đạo tỉnh khảo sát lòng hồ thủy điện Hòa Bình địa phận tỉnh Sơn La.

 

Đây là một trong nhiều chuyến khảo sát thực tế lòng hồ các thủy điện Sơn La và là cơ sở để tỉnh đã ban hành Nghị quyết thông qua Đề án khai thác tiềm năng vùng hồ các thủy điện trên địa bàn giai đoạn 2016-2020; góp phần khơi dậy tiềm năng thế mạnh, đưa kinh tế  vùng hồ các thủy điện Sơn La tiến nhanh, mạnh, vững chắc, trở thành khu vực có trình độ phát triển khá...

Nằm trong lộ trình phát triển KT-XH giai đoạn 2016-2020 về phát triển kinh tế vùng các hồ thủy điện trên địa bàn (Hòa Bình, Sơn La và Nậm Chiến I), tỉnh ta đã ban hành nhiều chính sách phù hợp nhằm khơi dậy tiềm năng nơi đây. Với sự đồng thuận và quyết tâm cao, tỉnh ta đã đề ra được những mục tiêu cụ thể và mục tiêu tổng quát, cùng những giải pháp phù hợp nhằm khơi dậy tiềm năng vùng hồ các thủy điện. Theo đó, mục tiêu tổng quát, đến hết năm 2020 là: “Phấn đấu đưa kinh tế vùng hồ các thủy điện tiến nhanh, mạnh, vững chắc, trở thành khu vực có trình độ phát triển khá, có hệ thống cơ sở hạ tầng liên kết đồng bộ với các vùng kinh tế trong tỉnh, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của vùng hồ gắn với phát huy, bảo tồn các giá trị hiện có, phát triển kinh tế cùng với phát triển văn hóa, xã hội, giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân vùng hồ”.

Việc đề ra được các mục tiêu nhằm khơi dậy tiềm năng vùng hồ các thủy điện trên địa bàn không phải là không có cơ sở. Bởi thực tế cho thấy, Sơn La là một trong những tỉnh đứng đầu về tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch, giao thông vùng hồ các thủy điện. Hiện tại, Sơn La có 8 huyện, 46 xã, 329 bản dọc sông Đà, tổng diện tích đất tự nhiên trên 311.000 ha với dân số trong vùng là 108.697 người. Tại địa bàn có 28 công trình thủy điện, đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Trong đó, các thủy điện Sơn La, Hòa Bình và Nậm Chiến 1 đảm bảo đủ diện tích và các điều kiện cần thiết để có thể phát triển các ngành nghề nuôi trồng thủy sản, du lịch, vận tải cùng các loại hình thương mại, dịch vụ khác trên vùng hồ. Riêng công trình thủy điện Sơn La và Hòa Bình có diện tích gần 21.000 ha là tiềm năng mở đối với việc phát triển kinh tế của vùng. Cùng với đó, vùng hồ sông Đà còn đem lại nguồn lợi về năng lượng sạch, tích nước chống hạn mùa khô, điều tiết nước chống lũ vào mùa mưa và có tiềm năng rất lớn trên các lĩnh vực: Thủy sản, thương mại, vận tải, du lịch.

Trong những năm gần đây, với những chính sách hợp lý trong lộ trình phát triển KT-XH, tỉnh ta đã từng bước khơi dậy được tiềm năng thế mạnh. Trong đó, đã từng bước ổn định đời sống của nhân dân vùng hồ và thúc đẩy KT-XH trên địa bàn phát triển đúng định hướng. Do vậy, chủ trương khai thác tiềm năng vùng hồ thủy điện luôn nằm trong chiến lược phát triển KT-XH của cả nước nói chung, tỉnh Sơn La nói riêng. Bởi qua đó, sẽ góp phần phát triển sản xuất và ổn định, cải thiện đời sống nhân dân vùng TĐC các thủy điện Sơn La, Hòa Bình. Thấy rõ được chủ trương đúng đắn của tỉnh trong lộ trình phát triển KT-XH vùng hồ các thủy điện tại địa bàn, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch vùng hồ. Trong đó, đã khai thác và sử dụng diện tích mặt nước các vùng hồ để nuôi thủy sản, phát triển du lịch. Nhiều mô hình sản xuất, nuôi thủy sản đã hình thành, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần giảm nghèo và giải quyết việc làm. Tại nhiều vùng thuộc các huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Phù Yên, Bắc Yên, Mộc Châu... dọc những tuyến sông chạy qua, người dân đã trồng được rừng, phát triển hiệu quả mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc hay phát huy hiệu quả diện tích mặt nước để nuôi thủy sản, thu hút được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Cùng với đó, vùng hồ các thủy điện còn có địa hình thuận lợi, hệ sinh thái tự nhiên phong phú, có các dãy núi cao hùng vĩ, hang động tự nhiên, sông dài rộng, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, là điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển các loại hình du lịch tham quan, khám phá thiên nhiên, du lịch sinh thái, dã ngoại, du lịch mạo hiểm (leo núi) và thể thao (đua thuyền trên sông)... Và trong tương lai không xa, hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh sẽ được kết nối với lòng hồ các thủy điện với 4 tuyến quốc lộ, 5 tuyến tỉnh lộ và các tuyến đường huyện, xã. Các tuyến đường này đã được đầu tư hoàn chỉnh bằng các nguồn vốn, được kết nối liên thông với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trong khu vực. Ngoài ra, trên lòng hồ các thủy điện và cảng thủy nội địa còn có các tuyến đường thủy nội địa với đầy đủ hệ thống biển báo hiệu, thuận tiện cho việc vận tải và phát triển du lịch với quy mô lớn...

Trong lộ trình phát triển KT-XH giai đoạn 2016-2020, tỉnh ta đã và đang có nhiều giải pháp hợp lý trong việc khơi dậy tiềm năng vùng hồ các thủy điện trên địa bàn. Bước đầu, tại nhiều huyện đã và đang hình thành các mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc, mô hình nuôi cá lồng và trồng rừng với thu nhập ổn định cho người dân. Đây cũng là tiền đề vững chắc để đến năm 2020, tỉnh ta sẽ hoàn thành thắng lợi mục tiêu: có 30-50 HTX thủy sản; trên 5.000 lồng cá với giá trị sản phẩm thủy sản đạt khoảng 550 tỷ đồng; du lịch vùng hồ sông Đà đón khoảng 180.000 lượt khách/năm với doanh thu từ dịch vụ khoảng 290 tỷ đồng; 100% các xã vùng hồ được đầu tư, nâng cấp chợ trung tâm xã và có 193 bến thủy nội địa... 

Theo Quốc Tuấn - Báo Sơn La

Tìm kiếm chúng tôi