Tin hot

Ngành chăn nuôi Thế giới: Cơ hội và thách thức


Ngành công nghiệp thịt heo trên thế giới có sự tăng trưởng đáng kể từ những năm 1970, sản lượng toàn cầu vượt 110 triệu tấn năm 2014. Dự báo nhu cầu tiêu thụ còn tăng mạnh trong những năm tới, tạo cơ hội cho hoạt động sản xuất và mở rộng kinh doanh quốc tế. Tuy nhiên, kéo theo đó cũng là những vấn đề đáng quan tâm.

Ngành kinh tế quan trọng

Nuôi heo hay nuôi lợn là việc thực hành chăn nuôi các giống lợn nhà để lấy thịt và các sản phẩm khác. Chăn nuôi heo là ngành hết sức quan trọng, cung cấp lượng thịt rất lớn cho bữa ăn của hàng tỷ người trên trái đất và là một loại thực phẩm thiết yếu, được tiêu thụ nhiều hơn cả thịt gà và thịt bò. Heo nuôi chủ yếu dùng để lấy thịt (thịt tươi và chế biến). Trên thực tế, gần 78% của tất cả thịt heo tiêu thụ đã được chế biến thành các mặt hàng như thịt xông khói, xúc xích, lạp xưởng… và các sản phẩm phổ biến khác.

ngành chăn nuôi cơ hội và thách thức

Người tiêu dùng Trung Quốc chi khoảng 183 tỷ USD đối với thịt heo và các sản phẩm về thịt heo - Ảnh: Qilai Shen/Bloomberg

Ở một số nước phát triển và đang phát triển, heo thuần hóa là loài bản địa thường được nuôi thả ngoài trời hoặc trong chuồng. Một số vùng heo được thả tìm thức ăn trong rừng có thể có người trông coi. Ở các quốc gia công nghiệp, nuôi heo thuần hóa được chuyển từ nuôi chuồng trại truyền thống sang hình thức chăn nuôi công nghiệp, do đó chi phí sản xuất giảm đáng kể nhưng lại cho sản lượng cao. Những trang trại nuôi heo công nghiệp có quy mô lớn, khoảng 5.000 con hoặc nhiều hơn, được nuôi và kiểm soát khí hậu trong hệ thống chuồng trại, thiết bị hiện đại.           

Tiêu thụ tăng chóng mặt

Dân số thế giới tăng lên nhanh chóng trong những thập kỷ qua và sẽ tiếp tục tăng trong thế kỷ tới. Do đó, nhu cầu tiêu thụ thịt của mỗi người và của cả thế giới chắc chắn sẽ còn gia tăng mạnh. Trong suốt 40 năm qua, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, sản lượng thịt heo toàn cầu tăng từ 3,5 triệu tấn lên 24,7 triệu tấn (năm 1961), 86,6 triệu tấn (năm 2002), 93 triệu tấn (năm 2005) và dự kiến đạt hơn 109 triệu tấn (năm 2016).

Các khu vực sản xuất heo chính bao gồm Đông Á, Bắc Mỹ và châu Âu.  Trung Quốc thống trị ngành công nghiệp thịt heo thế giới khi dẫn đầu cả về sản xuất và tiêu thụ. Trung Quốc sản xuất 50 triệu tấn thịt heo trong năm 2012, gấp 5 lần sản lượng của Mỹ và gấp đôi EU, chiếm gần ½ sản lượng toàn cầu. Năm 2014, số lượng heo nuôi tại Trung Quốc đứng đầu thế giới, đạt 723 triệu đầu con. Tuy vậy, nước này vẫn là quốc gia nhập siêu lợn do dân số quá đông và nhu cầu tiêu thụ quá lớn.

Nhật Bản là một trong những quốc gia nhập khẩu chính của thịt heo. Sản xuất thịt heo ở Mỹ và Canada cũng có sự tăng trưởng đáng kể trong thập kỷ qua. Mỹ thay đổi từ một nước nhập khẩu thành một nước xuất khẩu thịt heo. Năm 2015, xuất khẩu thịt heo của Mỹ đạt 4 tỷ USD, chiếm 15,9% tổng kim ngạch, mang lại lợi nhuận cao gấp 4 lần so với xuất khẩu ngũ cốc. Ở Nam Mỹ, đặc biệt là Brazil, ngành chăn nuôi heo chứng kiến sự phát triển nhanh chóng bởi hội tụ nhiều yếu tố như nguồn thức ăn có sẵn, nhân công giá rẻ và tài nguyên đất dồi dào.

Xu hướng tương lai

Ngành chăn nuôi heo truyền thống theo hình thức nuôi thả ngoài trời hoặc trong chuồng trại thường có quy mô nhỏ. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện nuôi heo hình thức công nghiệp, sử dụng các hệ thống sản xuất hiện đại, cải tiến công nghệ nhân giống lợn, cung cấp môi trường chuẩn hóa cho vật nuôi nhằm gia tăng sản lượng. Điều này chắc chắn là thách thức lớn đối với các nhà sản xuất quy mô nhỏ bởi họ rất khó để đạt được mức đầu tư cao như vậy. Hiển nhiên, việc tham gia vào chuỗi thị trường đối với các nhà sản xuất quy mô nhỏ cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, song song với hình thức nuôi heo công nghiệp, thì sản xuất quy mô nhỏ vẫn sẽ có chỗ đứng nếu sử dụng con giống phù hợp, chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu của thị trường; từ đó góp phần đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện sinh kế của hàng triệu người sản xuất và đáp ứng các mục đích văn hóa.

Dù sản xuất quy mô nhỏ hay công nghiệp, xu hướng thị trường vẫn là yếu tố then chốt quyết định sự thành công hay thất bại. Điều đó nghĩa là, cần phải nhận thức những mong muốn của người tiêu dùng liên quan đến sản phẩm và cách thức sản xuất ra sản phẩm đó. Ngành thịt heo của bất kỳ quốc gia nào hay toàn cầu muốn phát triển phải đều tập trung đến 4 yếu tố cơ bản là an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng và tính minh bạch, quan tâm đến tính bền vững trong sản xuất và cuối cùng là sự đa dạng trong sản phẩm.

Đến năm 2050, dân số thế giới được dự báo tăng hơn 9 tỷ người, nhu cầu đối với các loại thịt cũng sẽ tăng gấp đôi từ năm 2000 đến 2050, trong đó, lượng tiêu thụ thịt heo đạt khoảng 143 triệu tấn.

 

Phương Ngọc (tổng hợp) - Theo Người Chăn Nuôi

Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm chúng tôi