Tin hot

Ngành hồ tiêu gặp khó khăn


Giá hồ tiêu giảm sâu, nguy cơ lây lan mầm bệnh tăng cao do người dân tự phá bỏ cây cà phê, trồng hồ tiêu - là những khó khăn mà ngành hồ tiêu đang gặp phải.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng hồ tiêu XK trong tháng 5/2017 ước đạt 22.000 tấn, giá trị đạt 119 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2016, kim ngạch XK hồ tiêu tăng 9,9% về khối lượng, nhưng giảm 18,7% về giá trị.

Do xu thế giảm giá của thị trường thế giới, giá hồ tiêu tại Việt Nam hiện ở mức thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Ở các vùng nguyên liệu chính như Gia Lai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đăk Lăk, Đồng Nai, trong tháng 5, giá hồ tiêu chỉ còn khoảng 79.000 – 81.000 đồng/kg. Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), nguyên nhân khiến giá hồ tiêu liên tục giảm do niên vụ 2016 - 2017, nước ta được mùa hồ tiêu, sản lượng tăng cao, nhiều khách hàng nước ngoài đã gây áp lực, hạn chế mua vào, ép giá.

Phá vỡ quy hoạch cũng là nguyên nhân gây dư thừa nguồn cung, khiến giá giảm sâu. Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, do giá tiêu hồ liên tục tăng cao trong nhiều năm gần đây, có lúc tăng lên 230.000 đồng/kg và lợi nhuận cao gấp 3, 4 lần so với trồng cà phê, điều… nên các nông hộ ở Tây Nguyên bất chấp khuyến cáo của địa phương và các ngành chức năng, ồ ạt mở rộng diện tích.

Cụ thể, theo Quy hoạch phát triển hồ tiêu Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, đến năm 2020, diện tích hồ tiêu cả nước duy trì ổn định ở mức 50.000 ha, sản lượng đạt 140.000 tấn/năm. Tuy vậy, đến cuối năm 2016, cả nước đạt gần 110.000 ha hồ tiêu, cao gấp hơn 2 lần so với quy hoạch.Trong đó, các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên chiếm 93,5% diện tích hồ tiêu cả nước.

Thậm chí, do chạy theo phong trào, nhiều nông hộ vùng Tây Nguyên còn đưa cây hồ tiêu vào trồng trên những vùng đất không thích hợp và đất trũng, dễ bị ngập úng, nhiễm bệnh. Một số hộ còn phá bỏ diện tích cà phê già cỗi chuyển sang trồng tiêu mà không xử lý mầm bệnh cũng như cải tạo đất nên cây hồ tiêu nhiễm bệnh chết hàng loạt, khiến bà con thiệt hại nặng nề.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành hồ tiêu, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã đề nghị các tỉnh khu vực này sớm rà soát lại quy hoạch và quản lý thực hiện sản xuất hồ tiêu theo đúng kế hoạch của từng địa phương, từng vùng; tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật thâm canh đồng bộ cây hồ tiêu từ khâu chọn đất, giống, chăm sóc, thu hoạch, phơi sấy… Đặc biệt, xây dựng thương hiệu hồ tiêu Tây Nguyên, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ để ngành hồ tiêu phát triển bền vững.

Theo Hà Thu - Báo Công Thương điện tử

Tìm kiếm chúng tôi