Tin hot

Tuyên chiến với phân bón giả


Tình trạng phân bón giả, kém chất lượng chưa kiểm soát được đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho bà con nông dân cũng như các doanh nghiệp sản xuất phân bón chân chính.

Cán bộ của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tập huấn cho người dân phân biệt phân bón thật - giả

Nhập nhèm đánh lừa người tiêu dùng

Ông Nguyễn Khang - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang - cho biết: Mỗi năm, công ty cung ứng ra thị trường 110.000 - 120.000 tấn phân bón các loại (chủ yếu sản phẩm đạm Hà Bắc, phân bón Lâm Thao và kali Hà Anh), được nông dân ưa chuộng. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, ma trận phân bón kém chất lượng đội lốt phân bón “xịn” đã khiến những doanh nghiệp lớn trong ngành phân bón điêu đứng.

Theo ông Khang, phân bón hàm lượng thấp thường gọi với cái tên phân trung lượng. Đặc điểm nhận dạng của dòng sản phẩm này là thường ghi trên bao bì các công thức như NPK 5-10-3, 16-12-8, 7-8-3… rất to nhưng mặt sau ghi thành phần bằng chữ nhỏ rất khó đọc. Cụ thể, phân bón trung lượng chất lượng cao DP mặt trước ghi DP 16.16.8 tưởng là thành phần trong đó rất cao, nhưng mặt sau dòng chữ lại rất nhỏ, khó đọc: “Đạm N 5%, P 3,5%, K 2,5%”. Một loại phân bón tự định dạng là “cao cấp Nam Điền” mặt trước ghi 9.6.4 nhưng mặt sau các thành phần thiết yếu là đạm 0,9%, lân 0,6%, kali 0,4%; còn các thành phần không thiết yếu như lưu huỳnh, magie, kẽm thì thống kê hàng loạt nhưng cũng không định lượng được bao nhiêu %...

Điển hình cho sự “tinh vi” của phân bón kém chất lượng là phân bón NPK-S 12.5.1.0-14 của Công ty CP Bảo vệ thực vật miền Bắc có địa chỉ tại 58/3/16 Trần Bình, quận Cầu Giấy (Hà Nội). Mặt trước của bao bì có chữ NPK-S 12.5.1.0-14, quan sát kỹ, người tiêu dùng sẽ nhận thấy, dấu “sắc” của chữ “miền Bắc” là của số 1.0, như vậy hàm lượng kali chỉ là 1% chứ không phải là 10% như NPK-S 12.5.10-14. Giá bán sản phẩm này đến người nông dân bằng giá bán của NPK-S 12.5.10-14 Lâm Thao, trong khi thực tế, thành phần dinh dưỡng kali trong phân bón NPK chỉ bằng 1/10.

Sẽ dán tem chống hàng giả

Là đơn vị sản xuất phân bón đứng đầu cả nước, thương hiệu “Ba nhành cọ xanh” của Công ty Cổ phần (CP) Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã trở nên quen thuộc với bà con nông dân khắp đất nước. Tuy nhiên, càng nổi tiếng lại càng bị làm giả nhiều, Supe Lâm Thao đã chịu nhiều thiệt hại và phải đưa ra rất nhiều biện pháp để “tuyên chiến” với nạn phân bón giả này.

Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao kiến nghị, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ các ban, ngành, chức năng. Cụ thể, các cơ quan quản lý nhà nước như: Chi cục Quản lý thị trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sản xuất, kinh doanh các loại phân bón trên thị trường. Quản lý chặt việc cấp Giấy chứng nhận hợp quy các loại phân bón hữu cơ và vô cơ theo đúng quy định của nhà nước; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh phân bón và các hộ nông dân.

Với bề dày kinh nghiệm gần 60 năm, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao luôn sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng tốt, đủ về khối lượng, đúng về hàm lượng dinh dưỡng đã đăng ký và công bố trên bao bì sản phẩm. Để giúp người nông dân mua được phân bón của Lâm Thao và cách phân biệt phân bón thật, phân bón giả, phân bón kém chất lượng, Supe Lâm Thao đã xây dựng hệ thống các nhà phân phối sản phẩm khu vực trên toàn quốc. Mỗi năm, công ty tổ chức hàng nghìn hội nghị, hướng dẫn bà con cách bón phân khoa học, hiệu quả, phân biệt phân bón thật, giả và kém chất lượng.

Ông Phạm Quang Tuyến - Tổng giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao: Để tiếp tục triển khai chương trình phòng, chống phân bón giả, công ty sẽ áp dụng dán tem chống hàng giả trên bao bì sản phẩm; trước mắt, triển khai thực hiện đối với sản phẩm phân lân nung chảy Lâm Thao.

Theo Nguyễn Duyên - Báo Công Thương điện tử

Tìm kiếm chúng tôi