Tin hot

Sản xuất nông nghiệp bền vững: Khi cấp ủy vào cuộc


Thời gian qua, Đảng bộ xã Ea Nam (huyện Ea H’leo) luôn tích cực triển khai thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết mà Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra bằng những việc làm cụ thể, trọng tâm là phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững và hiện đại.

Thay đổi phương thức canh tác

Buôn Kdul A có 133 hộ dân đều là người dân tộc Êđê. Trước đây, bà con thường có thói quen sử dụng nhiều phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để canh tác sản xuất, khiến đất bị bạc màu, sâu bệnh kháng thuốc, năng suất cây trồng bấp bênh, sản phẩm làm ra khó tìm được thị trường tiêu thụ…

Anh Y Lê Kpă, Bí thư Chi bộ buôn Kdul A chia sẻ: Nhằm hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Ea Nam, ngay từ đầu năm 2020, Chi bộ buôn Kdul đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi hình thức sản xuất cây trồng theo hướng hữu cơ vi sinh. Chi ủy Chi bộ buôn cũng xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết cụ thể theo từng tháng, từng quý sát với thực tiễn.

Mặt khác, phân công nhiệm vụ, gắn trách nhiệm từng đảng viên trong việc hướng dẫn, vận động người dân chuyển hướng sản xuất sang quy trình hữu cơ. Với cách làm đó, đến nay hầu hết các hộ trong buôn đã áp dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Nhiều mô hình đạt chất lượng tốt còn được doanh nghiệp, hợp tác xã trong huyện tìm đến ký kết bao tiêu sản phẩm có trợ giá cao hơn thị trường từ 5 - 7%.

Người dân buôn Briêng A (xã Ea Nam) thực hiện quy trình ủ phân hữu cơ vi sinh.

Sau hơn 2 năm chuyển sang quy trình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ sinh học, vườn cà phê xen canh sầu riêng và mắc ca của gia đình anh Y Xuân Mlô (đảng viên Chi bộ buôn Kduh A) đã đem lại kết quả rất khả quan. Anh Y Xuân đã tận dụng nguồn phân chuồng, vỏ trấu cà phê và một số phụ phẩm nông nghiệp sẵn có khác, tiến hành ủ với men vi sinh, sau đó bón cho cây trồng. Anh còn sử dụng chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh hại. Cách làm này không chỉ tiết kiệm chi phí đầu vào mà còn giúp cây trồng phát triển tốt, năng suất ổn định, chất lượng cao, ít bị sâu bệnh… đem lại thu nhập trên 500 triệu đồng/năm (tăng trên 30% so với trước đây). Thấy được hiệu quả từ thực tiễn gia đình anh Y Xuân, nhiều người dân trong buôn cũng đến học hỏi làm theo.

Có thể thấy, việc chuyển đổi từ hình thức sản xuất lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật sang quy trình hữu cơ đã đem lại những kết quả đáng mừng đối với người dân xã Ea Nam. Với quy trình này, bà con có thể tận dụng phế phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi để xử lý thành phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng, giúp giảm được “gánh nặng” chi phí đầu tư. Sử dụng phân hữu cơ không chỉ giúp cây trồng phát triển tốt, bền vững mà còn trả lại độ màu mỡ cho đất, giữ môi trường trong lành, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và cả người tiêu dùng. Đến nay, có trên 80% số hộ dân trong xã đã áp dụng canh tác cây trồng theo quy trình hữu cơ sinh học. Điển hình có những hộ với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm từ vườn cà phê xen canh tiêu, mắc ca, sầu riêng như: ông Nguyễn Quang Tuấn (thôn 4), Đinh Ngọc Hải (thôn 2A), Lê Thanh Hải (thôn 6)…

Tập hợp nông dân

Năm 2021, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất nông nghiệp sạch Ea Nam được thành lập với 30 hộ thành viên, canh tác trên 50 ha cà phê xen canh sầu riêng, mắc ca theo quy trình hữu cơ. HTX đã phát huy vai trò đầu mối chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn người dân sản xuất theo phương pháp “5 cùng” để sản phẩm bảo đảm an toàn, đồng đều, năng suất cao, sản lượng ổn định. Đồng thời, HTX còn liên kết với một số doanh nghiệp trong tỉnh để được bao tiêu sản phẩm đầu ra, tạo thành chuỗi giá trị khép kín từ khâu sản xuất, chế biến đến cung ứng sản phẩm ra thị trường. Nhờ đó, các mặt hàng nông sản của HTX đều được doanh nghiệp thu mua có trợ giá cao hơn thị trường từ 5 - 10%, đem lại hiệu quả kinh tế khá, bền vững cho các hộ xã viên.

Một buổi sinh hoạt chuyên đề tại Chi bộ buôn Kduh A (xã Ea Nam).

Ông Trần Hải Nam, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ea Nam cho biết, để thực hiện chủ trương của Nghị quyết Đảng bộ đề ra, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã thường xuyên bám sát tình hình sản xuất của từng thôn, buôn để có kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp, hiệu quả.

Cùng với đó, Đảng ủy xã cũng chỉ đạo UBND cùng cấp phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh, huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn quy trình sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại để người dân tham gia; ưu tiên bố trí các nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ người dân vay tái đầu tư, mở rộng sản xuất. Chỉ đạo các chi bộ cơ sở và tổ chức hội, đoàn thể hướng dẫn, vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp và canh tác theo hướng hữu cơ, an toàn…

Để giải quyết bài toán sản xuất manh mún nhỏ lẻ, cũng như tìm đầu ra ổn định cho nông sản địa phương, Đảng ủy xã Ea Nam đã lãnh đạo việc tập trung phát triển các mô hình kinh tế hợp tác. Đến nay, toàn xã đã xây dựng và phát triển được 5 HTX, thu hút hàng trăm nông hộ tham gia sản xuất. Đây được xem là bước ngoặt quan trọng để tổ chức lại sản xuất cho nhân dân, hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa theo nhu cầu thực tiễn và “chắp cánh” cho nông sản Ea Nam vươn ra thị trường. Trong đó, sản phẩm cà phê bột của HTX Sản xuất nông nghiệp dịch vụ Nghĩa Lộc được công nhận đạt chuẩn OCOP.

Lê Thành

Nguồn:baodaklak.vn Copy link
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm chúng tôi