Tin hot

Tiêu thụ nông sản: Vẫn khó trăm bề


Sáu tháng đầu năm 2013, sản xuất nông nghiệp phải đương đầu với thách thức lớn nhất là tiêu thụ nông sản hàng hóa.

 

Sáu tháng đầu năm 2013, sản xuất nông nghiệp phải đương đầu với thách thức lớn nhất là tiêu thụ nông sản hàng hóa. Nhiều mặt hàng chủ lực đang ách tắc đầu ra. Giá bán thấp, tiêu thụ chậm, giá đầu vào tăng, nông dân càng "nai lưng" ra làm để tăng sản lượng, càng thua lỗ.

Nửa đầu năm 2013 ngành nông nghiệp trải qua nhiều bất lợi, rét hại ở miền Bắc, nắng nóng và khô hạn trên diện rộng ở Tây Nguyên, giá cả nhiều loại nông sản trên thị trường thế giới và trong nước giảm mạnh trong thời gian dài, hàng hóa tồn kho lớn.
 
Sản xuất "lệch pha" tiêu thụ
 
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ NN&PTNT, nhu cầu và giá nông sản trên thị trường thế giới giữ xu hướng giảm liên tục suốt từ giữa năm 2012 đến nay, đồng thời nguồn cung lại có xu hướng tăng (đặc biệt với mặt hàng lúa gạo), đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xuất khẩu (XK) của ngành.
 
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng tiêu thụ chậm, giá thấp đang là trở ngại lớn nhất cho sản xuất và giảm thu nhập của nông dân. Lâu nay chúng ta không có sự "ăn khớp" giữa sản xuất và tiêu thụ.
 
Trong khi sản lượng các mặt hàng vẫn duy trì như năm trước, có sản phẩm tăng về số lượng. Mặc dù Việt Nam đã trở thành quốc gia XK nông sản mạnh, nhưng chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) vẫn gây nhiều bức xúc trong xã hội, cản trở nông sản Việt thâm nhập thị trường thế giới. Tỷ lệ nông sản XK bị từ chối và bị liệt vào danh sách phải kiểm soát chặt chẽ tại các nước quá cao.
 
 
Thị trường tiêu thụ nông sản khó có khả năng được cải thiện
 
Tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm 2013 được dự báo vẫn hết sức bất lợi, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và chưa ổn định, kinh tế trong nước tiếp tục có dấu hiệu suy giảm. Chính vì vậy, thị trường tiêu thụ nông sản và sức mua của người dân khó có khả năng được cải thiện.
 
Mở rộng, chiếm thị trường
 
Theo ông Cao Đức Phát, đã đến lúc chúng ta không thể tiếp tục sản xuất chạy theo số lượng. Vì với lượng nông sản làm ra hiện nay tồn kho đã nhiều, nếu tiếp tục sản xuất nữa, tồn kho sẽ càng lớn hơn. Tuy nhiên, cũng không thể nói nông dân làm ít đi để giá cao hơn. Vì nếu chúng ta giảm XK thì cũng có các nước khác XK tăng lên. Hướng đi tối ưu vẫn là mở rộng thị trường, chiếm lĩnh thị trường để có giá nông sản cao hơn.
 
Để tiếp tục tăng thu nhập cho nông dân, phải điều chỉnh cơ cấu sản xuất, tập trung vào ngành hàng đạt hiệu quả cao, có thị trường thuận lợi. Tuy vậy, điều cần thiết để điều chỉnh cơ cấu không phải chỉ dùng biện pháp hành chính, mà phải dùng công cụ thị trường để tạo sự chuyển biến. Đó là điều chỉnh cơ cấu đầu tư công để khuyến khích đầu tư khu vực ngoài Nhà nước vào ngành, lĩnh vực nông nghiệp cao hơn. Vì nông nghiệp hiện vẫn chưa nhận được sự đầu tư đúng mức.
 
Cần điều chỉnh phân phối lợi ích trong ngành giữa nông dân và doanh nghiệp, điều chỉnh tổ chức sản xuất, hạn chế những phương thức tổ chức sản xuất kém hiệu quả, mô hình hiệu quả cao phải nhanh chóng nhân rộng. "Về lúa ở ĐBSCL không chỉ ở giá cả mà nhiều vấn đề sâu sa hơn, trong đó có khoa học công nghệ. Tại sao 10 năm rồi vẫn chưa khắc phục được tình trạng nông dân sử dụng giống lúa chất lượng thấp trên diện rộng (vụ Hè – Thu vẫn 60% diện tích trồng lúa IR50404). Không thể trách nông dân vì không đưa được cho họ giống lúa vượt trội, đây là trách nhiệm của các nhà khoa học", ông Cao Đức Phát nói .
 
Bộ NN&PTNT chỉ đạo, từ nay đến hết năm 2013, phải tháo gỡ khó khăn, tiêu thụ kịp thời, hiệu quả nông sản hàng hóa, bảo đảm lợi nhuận cho nông dân. Cần theo dõi sát diễn biến cung, cầu thị trường trong nước và thế giới, nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường để đảm bảo tiêu thụ kịp thời, hiệu quả nông sản.
 
Trước mắt đối với lúa Hè – Thu, cá tra, thịt lợn, gia cầm, đường mía… các đơn vị tổ chức thực hiện ngay ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về các giải pháp hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản tại thông báo số 216/TB-VPVP ngày 11/6/2013 của Văn Phòng Chính phủ. Tổ chức đoàn kiểm tra giám sát việc tạm trữ lúa gạo vụ Hè – Thu 2013 tại khu vực ĐBSCL.
 
Nghiên cứu đề xuất Chính phủ hỗ trợ nông dân theo phương hướng hỗ trợ chi phí sản xuất (trợ giống, chi phí bơm tưới nước, lãi suất vay ngân hàng…). Phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng lớn để nắm rõ tình hình XNK các mặt hàng nông lâm thủy sản; nghiên cứu kỹ các thị trường lớn, đề xuất các cơ chế chính sách khuyến khích XK để kịp thời tháo giỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân. Đồng thời rà soát, áp dụng các biện pháp khuyến khích người dân tăng tiêu thụ các sản phẩm trong nước, củng cố niềm tin đối với thị trường nội địa.
 Theo NN
Tìm kiếm chúng tôi