Tin hot

37,61% Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp công dân định kỳ


Tỷ lệ bình quân Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp công dân định kỳ đạt 37,61%, Chủ tịch UBND cấp tỉnh đạt 56%, Chủ tịch UBND cấp huyện đạt 90%...

Bố trí cán bộ nghỉ hưu làm theo hợp đồng để tiếp công dân

Sáng ngày 13/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả giám sát về chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021”.

37,61% Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp công dân định kỳ
Phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 13/9

Về tiếp công dân, Đoàn giám sát nhận thấy, việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính vẫn chưa được quan tâm đúng mức và thực hiện đầy đủ theo quy định của luật. Tỷ lệ bình quân Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp đạt 37,61%, Chủ tịch UBND cấp tỉnh đạt 56%, Chủ tịch UBND cấp huyện đạt 90%, Chủ tịch UBND cấp xã đạt 49% so với quy định.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng bố trí cán bộ làm công tác tiếp dân chưa phù hợp, cá biệt có địa phương bố trí cán bộ kém năng lực, hợp lý hóa gia đình, sắp nghỉ chế độ, bố trí cán bộ nghỉ hưu làm theo hợp đồng để tiếp công dân.

Đặc biệt, việc quy định tiếp công dân thường xuyên của một số cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập chưa phù hợp với thực tiễn do đặc điểm, tính chất quản lý nhà nước của mỗi cơ quan có sự khác nhau nên có nhiều cơ quan số lượng công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc lĩnh vực phụ trách không nhiều nên cần sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn, tránh hình thức và đảm bảo khả thi trong thực tiễn.

Đoàn giám sát cũng nhận thấy, việc phối hợp trong công tác tiếp công dân giữa cơ quan Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân với các cơ quan hành chính các cấp chưa được thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Việc bố trí địa điểm tiếp công dân hầu hết đều được bố trí ở những vị trí thuận lợi, có phòng chờ riêng dành cho công dân. Tuy nhiên, vẫn còn địa phương nơi tiếp công dân còn bố trí ở địa điểm chưa thật sự thuận lợi cho công dân, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Một trong những nguyên nhân chính của những tồn tại, hạn chế trên, theo Đoàn giám sát là do trách nhiệm tiếp công dân của một số cán bộ, công chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa cao, còn có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, ngại tiếp dân. Đội ngũ công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn thiếu về số lượng; trình độ chuyên môn, năng lực và kinh nghiệm còn hạn chế.

Đơn kiến nghị, phản ánh gấp 4 lần đơn khiếu nại, gấp 9 lần đơn tố cáo

Cũng theo Đoàn giám sát, một số quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn có những bất cập nhất định trong thực tiễn, cần tiếp tục nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung, như: quy định về mô hình tiếp công dân cấp huyện; về tiếp công dân thường xuyên của một số cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập; về chế độ thông tin, báo cáo về công tác tiếp công dân hằng năm theo quy định tại Điều 5 Luật Tiếp công dân của ngành Toà án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân.

Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành và UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, nhất là đối với trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật; quan tâm hơn nữa và có chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan có trách nhiệm trong việc tổ chức, thực hiện công tác tiếp công dân, nhất là sự phối hợp giữa cơ quan hành chính với cơ quan tư pháp; nghiên cứu triển khai rộng mô hình phối hợp với luật sư tư vấn pháp luật miễn phí cho công dân trong quá trình thực hiện quyền khiếu nại, tổ cáo ở địa phương.

Đồng thời giao cơ quan chức năng nghiên cứu chế định “luật sư công”; đánh giá mô hình tiếp công dân của Ban tiếp công dân cấp huyện để có hướng dẫn, chỉ đạo.

Đặc biệt, về việc thực hiện giải quyết kiến nghị, phản ánh, Đoàn giám sát chỉ rõ, việc thực hiện tiếp nhận, xử lý kiến nghị phản ánh về cơ bản đã được các bộ ngành, UBND các địa phương thực hiện tương đối đầy đủ, đúng quy định, trong số 16 bộ ngành có báo cáo, đã giải quyết được 41.032/42.135 đơn kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 97,38%.

Qua tổng hợp số liệu báo cáo của các cơ quan, số lượng đơn kiến nghị, phản ánh gửi đến các bộ ngành và UBND các cấp là 1.669.108 đơn kiến nghị, phản ánh, gấp 4 lần số đơn khiếu nại, gấp 9 lần số đơn tố cáo nhưng chưa được quan tâm đúng mức; việc thống kê, báo cáo kết quả xử lý kiến nghị, phản ánh chưa được thực hiện đầy đủ.

Nguyên nhân chính là do hiện nay, pháp luật quy định về trách nhiệm giải quyết, trả lời đơn kiến nghị, phản ánh chưa được quy định cụ thể, thống nhất và riêng biệt tại một văn bản mà hiện chỉ được đề cập rải rác ở một số văn bản, quy định khác nhau.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế về việc giải quyết kiến nghị, phản ánh của công dân, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để có quy định của pháp luật về giải quyết kiến nghị, phản ánh nhằm góp phần xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân.

 
Tác giả: Quỳnh Nga
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm chúng tôi