Tin hot

Bắc Kạn: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong tiêu thụ nông sản


Đẩy mạnh chuyển đổi số bằng cách đưa nông sản lên các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội là giải pháp tiêu thụ nông sản Bắc Kạn hiệu quả.

Một trong những HTX luôn đi đầu trong việc ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm là HTX Nông lâm Nghĩa Tá – huyện Chợ Đồn. Thời gian qua, để quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm trà hoa vàng, HTX Nông lâm Nghĩa Tá đã cùng các thành viên tập trung kinh phí đầu tư máy móc hiện đại sản xuất trà hoa vàng cũng như ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao chất lượng và tiêu thụ sản phẩm. HTX sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook để mở rộng khách hàng, kết nối với các đơn vị tiêu thụ nông sản.

Bắc Kạn: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong tiêu thụ nông sản
HTX Nông lâm Nghĩa Tá – huyện Chợ Đồn ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản (Ảnh: Bích Ngọc)

Nhờ chủ động, nắm bắt nhanh lợi thế của các nền tảng mạng xã hội đã giúp cho sản phẩm của HTX tiếp cận được với đông đảo khách hàng. Hiện nay, HTX duy trì số lượng 5 - 6 lao động chính, đến thời vụ thu hoạch trà thì số lượng tăng lên từ 14 đến 16 lao động với thu nhập từ 04 - 4,5 triệu đồng/người/tháng, góp phần giải quyết việc làm cho các thành viên và tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Hộ kinh doanh Nông Thị Hồng Quyên, tổ 1, thị trấn Bằng Lũng chuyên sản xuất sản phẩm cơm cháy từ gạo nếp nương. Để quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm, hộ kinh doanh này đã tận dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo và Website ketnoiocop.vn... Đồng thời sử dụng công nghệ số để đóng gói, truy xuất nguồn gốc, mã vạch, tạo thuận lợi cho khách hàng tìm kiếm nguồn gốc xuất xứ, thông tin sản phẩm.

Có thể thấy hiệu quả của việc chuyển đổi số không chỉ mang lại cơ hội cho các HTX, Tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện Chợ Đồn tiếp cận với các mô hình kinh doanh mới, thị trường mới mà còn tạo điều kiện cho họ tham gia vào các nền tảng giao dịch thương mại, tiếp cận đa dạng khách hàng, quản lý hoạt động kinh doanh hiệu quả. Đặc biệt đối với việc quảng bá, liên kết tiêu tiêu thụ các sản phẩm OCOP tại địa phương.

Theo Sở Công Thương Bắc Kạn, những năm vừa qua, tăng cường liên kết tiêu thụ nông sản trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, sàn thương mại điện tử được tỉnh Bắc Kạn xem là giải pháp tối ưu tạo ra những kênh phân phối mới, hiện đại; đồng thời định vị đúng giá trị thương hiệu, thúc đẩy tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Thời gian qua, các đơn vị chức năng của địa phương đã hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, các chủ thể OCOP đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử trong nước như Buudien, Shopee; hỗ trợ sản phẩm OCOP tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế như alibaba; khuyến khích các nhà sáng tạo nổi tiếng trên Tiktok livestream bán hàng, sản phẩm OCOP trực tiếp trên nền tảng TikTok.

Sàn thương mại điện tử không chỉ là kênh tiêu thụ sản phẩm an toàn, hiệu quả, mà còn giúp xây dựng thương hiệu nông sản cho các HTX, doanh nghiệp. Do đó, thời gian tới, việc hỗ trợ các HTX, hộ nông dân đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử sẽ tiếp tục được triển khai, góp phần kết nối, quảng bá, giới thiệu, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

 

 
Tác giả: Lan Phương
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm chúng tôi