Khởi đầu từ cơ sở - nơi người dân cần nhất bàn tay hỗ trợ
Ngay trong những ngày đầu tiên TP. Cần Thơ chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Sở Công Thương TP. Cần Thơ đã triển khai 4 tổ công tác tại từng phường, xã mới được sắp xếp nhằm hướng dẫn và tháo gỡ tại chỗ những vướng mắc rất cụ thể mà chính quyền cơ sở đang gặp phải.
Địa điểm đầu tiên, Tổ công tác số 2, Sở Công Thương TP. Cần Thơ tiếp cận là Trung tâm phục vụ hành chính công phường An Bình, xã Nhơn Ái và phường Hưng Phú nhằm hỗ trợ việc giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực ngành Công Thương. Ông Huỳnh Thanh Sử, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Tổ trưởng Tổ công tác số 2 làm trưởng đoàn.
Tổ công tác số 1 Sở Công Thương TP. Cần Thơ làm việc tại xã Thạnh An
Ghi nhận thực tế, hoạt động cấp thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực ngành Công Thương tại cấp xã, phường được vận hành ổn định, đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân. Ông Huỳnh Thanh Sử cho biết, Sở Công Thương thành lập 4 tổ công tác hỗ trợ xã, phường trong công tác cải cách hành chính lĩnh vực Công Thương.
Dự kiến trong tháng 7 và tháng 8, các tổ công tác của Sở Công Thương sẽ thường xuyên đến các Trung tâm phục vụ hành chính công phường, xã trên địa bàn thành phố nhằm kịp thời hỗ trợ cho các đơn vị những khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong quá trình cấp thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực ngành Công Thương. Đồng thời, lãnh đạo sở cử cán bộ các phòng chuyên môn sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị phường, xã nếu xảy ra khó khăn trong quá trình cấp thủ tục hành chính.
Có mặt tại phường An Bình để làm thủ tục cấp phép kinh doanh tạp hóa, chị Trương Thị Mẫn cho biết, tôi đến phường từ khi lấy số đến tiếp nhận hồ sơ không đầy 1 giờ đã được nhận hồ sơ, thủ tục rất nhanh gọn và tôi được hướng dẫn tỉ mỉ, tận tình.
“Từ giờ trở đi, trong từng giao dịch hành chính của người dân, doanh nghiệp sẽ thực hiện ngay tại nơi chúng tôi sinh sống. Ban đầu tôi hơi ngại vì tên phường đổi, tưởng phải làm lại giấy tờ, sổ đỏ. Nhưng cán bộ xã xuống tận khu phố giải thích, nói rõ giấy tờ vẫn có giá trị, tên gọi mới là để thuận lợi quản lý chung. Bây giờ tôi thấy yên tâm rồi”, chị Mẫn chia sẻ.
Cán bộ tỉnh xuống cơ sở hướng dẫn người dân Cần Thơ làm các thủ tục hành chính
Không phải ngẫu nhiên mô hình phân cấp thủ tục hành chính ngành Công Thương lại được triển khai sớm và quyết liệt như vậy tại Cần Thơ. Theo Quyết định số 1695/QĐ-UBND của UBND TP. Cần Thơ, có 14 thủ tục hành chính quan trọng trong lĩnh vực công thương được chính thức ủy quyền cho chính quyền cấp xã, phường thực hiện từ ngày 1/7/2025. Đây không chỉ là con số, mà là bước chuyển dịch lớn về tư duy quản trị, khi các loại hình thủ tục từng chỉ có thể xử lý ở cấp quận, huyện hoặc thành phố, giờ đây đã hiện diện ngay tại nơi người dân sinh sống.
Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ cho biết, trong bối cảnh mô hình hành chính mới còn khiến nhiều cán bộ cơ sở bỡ ngỡ, với thông điệp “phân cấp đi đôi với đồng hành”, “phân quyền không bỏ mặc”. Sở Công Thương đã lập ra 4 tổ công tác chuyên ngành đi khắp các phường, xã để hỗ trợ thực thi công vụ lĩnh vực công thương.
"Mỗi tổ chúng tôi bố trí một phó giám đốc sở làm tổ trưởng cùng 5 - 7 thành viên “đi từng ngõ, gõ từng địa phương” để hướng dẫn, hỗ trợ cho cán bộ cơ sở. Nhờ đó, ngay từ ngày đầu vận hành, các địa phương không lúng túng, người dân không bị đứt mạch dịch vụ hành chính và doanh nghiệp không phải chờ đợi thêm một chu kỳ chuyển giao nào nữa”, ông Sơn thông tin.
Nhiều thủ tục hành chính trôi chảy trong tuần đầu vận hành chính quyền hai cấp
Ghi nhận tại xã Thạnh An, nơi vừa sáp nhập hai xã Thạnh Thắng và Thạnh Lợi (huyện Vĩnh Thạnh cũ), Tổ công tác số 1, Sở Công Thương TP. Cần Thơ có mặt từ sáng sớm hướng dẫn cán bộ Phòng Kinh tế xã tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính liên quan lĩnh vực công thương, xây dựng... Chính vì vậy người dân không phải đi nhiều nơi như trước mà chỉ cần đến Trung tâm phục vụ hành chính công để làm các giấy tờ liên quan như hộ khẩu, đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đất đai, hộ tịch…
Tại phường Phú Lợi (đơn vị mới sáp nhập từ phường 1, 2, 3, 4 TP. Sóc Trăng cũ), sau khi sắp xếp ổn định tổ chức nhận sự, bộ máy chính quyền vận hành khá trơn tru, chủ tịch UBND phường đã thực hiện buổi gặp mặt "cà phê cùng nhân dân và doanh nghiệp" nhằm nắm bắt tâm tư cũng như kết nối cán bộ cơ sở với nhân dân. Được biết, ngay tuần đầu tiên sau sáp nhập, Trung tâm hành chính công phường Phú Lợi đã xử lý hơn 650 hồ sơ.
Trong số này có hơn 160 hồ sơ đến từ người dân không cư trú tại địa phương, cho thấy hiệu quả của mô hình “phục vụ không phân biệt địa giới hành chính” đang phát huy đúng hướng. Tất cả các thủ tục đều được xử lý đúng hạn, đó là minh chứng cho hiệu quả phối hợp giữa sở, ngành cấp tỉnh và địa phương trong mô hình mới.
Ông Trần Văn Nhanh, Chủ tịch UBND phường Phú Lợi cho biết, chúng tôi mong muốn nhất là nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, được thể hiện qua các chỉ số về quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS)...
"Những thủ tục như: Cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho hộ kinh doanh nhỏ lẻ, triển khai bán hàng lưu động, cấp phép các điểm bán nông sản an toàn hay giấy phép quảng cáo, hội chợ triển lãm quy mô địa phương... đều là những nhu cầu phát sinh hằng ngày từ đời sống kinh tế tại cơ sở, chúng tôi có thể chủ động giải quyết mà không cần phải xin ý kiến cấp trên hoặc đẩy qua đẩy lại", Chủ tịch UBND phường Phú Lợi chia sẻ.
Khi các thủ tục này được rút xuống cấp xã, phường, không chỉ giảm tải cho cơ quan cấp trên mà còn giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và tránh phiền hà cho người dân. Quan trọng hơn, chính quyền địa phương không còn bị động, mà có thể chủ động phát triển kinh tế địa bàn theo điều kiện thực tế.
Mô hình chính quyền 2 cấp gần dân hơn, hiệu quả hơn
Một giải pháp nổi bật trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân ở phường Phú Lợi là tạo ứng dụng mã QR để lấy số thứ tự nhằm giảm thời gian chờ đợi cho người dân. Chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại, nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính đã trở nên nhanh chóng, tiện lợi và minh bạch hơn.
"Việc này cũng có mục đích xây dựng chính quyền phục vụ, của dân, do dân và vì dân; nâng cao chất lượng cung ứng các dịch vụ hành chính công theo hướng hiện đại, nhanh chóng, thuận tiện", Chủ tịch UBND phường Phú Lợi cho biết thêm.
Bên cạnh đó, để các phường, xã sau sáp nhập thực sự làm chủ công việc mới, Cần Thơ đã đồng thời tái cấu trúc lại hệ thống công nghệ thông tin, triển khai kết nối dữ liệu liên thông giữa các sở, ngành với cấp xã. Từng bộ hồ sơ, từng quy trình vận hành được số hóa và điều phối tập trung, giúp giảm thiểu nguy cơ sai sót và hạn chế phụ thuộc vào con người.
“Ngay tuần đầu vận hành, dấu ấn đầu tiên là hình ảnh chính quyền thân thiện trong nhận thức của người dân, doanh nghiệp, nhằm xây dựng và duy trì môi trường hành chính công lành mạnh, thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, để những thiết kế công nghệ ấy thực sự phát huy hiệu quả, vẫn cần đến yếu tố con người, cụ thể là sự kèm cặp, hướng dẫn của đội ngũ cán bộ chuyên môn cấp sở. Chính việc tổ công tác không ngồi tại văn phòng mà đến trực tiếp phường, xã, giúp xử lý tình huống, huấn luyện tại chỗ, trao đổi nghiệp vụ... đã khiến cả hệ thống từ trên xuống dưới không bị gián đoạn khi thay đổi cơ cấu hành chính”, ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ bộc bạch.
Theo Thông tư 37/2025 của Bộ Công thương có 14 thủ tục hành chính ngành Công Thương thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã, phường gồm: Thông báo triển khai bán hàng lưu động (bán hàng không cố định địa điểm); đăng ký hoạt động kinh doanh tạm thời tại địa điểm riêng lẻ; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn thực phẩm đối với cơ sở nhỏ, lẻ; cấp, cấp lại chứng nhận bán lẻ xăng dầu quy mô nhỏ;
Cấp phép hoạt động chợ (quốc doanh hoặc tư nhân); cấp phép quảng cáo, khuyến mãi sản phẩm trên địa bàn; cấp phép tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại quy mô cấp xã; cấp phép điểm bán nông sản thực phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn; đăng ký và thông báo hoạt động kinh doanh điện, gas nhỏ lẻ; giấy phép hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp;
Cấp phép tạm nhập - tái xuất hàng hóa qua địa bàn xã (theo Nghị định 139); xác nhận điều kiện an toàn trong kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp (quy mô nhỏ); đăng ký hoạt động thương mại điện tử qua website, mạng xã hội; cấp phép bán hàng đa cấp tại địa phương (quy mô xã).