Tin hot

Chặn đầu cơ gạo, trục lợi bất chính


Ngày 5/8, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững.

Động thái này được nhiều chuyên gia, nhà quản lý đánh giá là chỉ đạo hết sức kịp thời, đúng đắn trong bối cảnh giá gạo trong nước và thế giới liên tục leo thang. Đây cũng là biện pháp ngăn chặn sớm tình trạng đầu cơ, trục lợi bất chính, gây bất ổn thị trường và uy tín của gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Giá gạo xuất khẩu liên tục tăng cao

Theo cập nhật mới nhất của Bộ Công Thương, tính đến ngày 4/8, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng 20 USD/tấn và vượt mức 600 USD/tấn, lên 618 USD/tấn, thu hẹp khoảng cách với gạo Thái Lan chỉ còn 7 USD/tấn. Cùng với đó, gạo 25% tấm cũng đã tăng thêm 20 USD/tấn so với ngày trước đó, lên 598 USD/tấn, bỏ xa các đối thủ cùng khu vực là Ấn Độ, Pakistan và Thái Lan. Như vậy, giá gạo xuất khẩu Việt Nam hiện đã chạm mức cao nhất kể từ năm 2008. Chỉ trong vòng nửa tháng, các mặt hàng gạo xuất khẩu trọng điểm đã tăng đến gần 100 USD/tấn.

Thu hoạch lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Huỳnh Xây

Thu hoạch lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Huỳnh Xây

Tính đến hết tháng 7/2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Xét về cơ cấu nhập khẩu, Philippines tiếp tục là nhà mua hàng gạo lớn nhất của nước ta, chiếm 40,1% tổng lượng xuất khẩu trong nửa đầu năm. Tiếp đến là Trung Quốc, nhập khẩu hơn 16% và Indonesia chiếm 11,6% tổng lượng xuất khẩu.

Ở thị trường trong nước, những ngày qua, giá gạo có xu hướng tăng cao từng ngày. Khảo sát giá lúa ngày 7/8 tại Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy giá một số loại lúa tăng trung bình từ 150 – 300 đồng/kg so với cuối tuần trước. Cụ thể, nếp An Giang (tươi) ở mức 6.300 - 6.600 đồng/kg, nếp Long An (tươi) ở mức 6.700 – 7.000 đồng/kg, lúa IR 50404 từ 6.900 – 7.200 đồng/kg, lúa Đài thơm 8 đạt 7.000 – 7.300 đồng/kg, lúa OM 5451 đạt 7.100 – 7.400 đồng/kg. Thậm chí, giá lúa tại các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Cần Thơ vẫn đang tiếp tục tăng mạnh, chạm mốc 8.000 đồng/kg.

Lý giải về nguyên nhân giá gạo xuất khẩu tăng cao, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông phân tích, sở dĩ giá gạo xuất khẩu tăng cao là vì ngay ở quý I/2023, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến đổi phức tạp, nhu cầu dự trữ lương thực của các nước tăng.

Bước sang quý II/2023, nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường tiếp tục tăng trong khi nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan tiếp tục hạn chế. Đặc biệt, việc Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo là yếu tố dẫn đến giá gạo xuất khẩu các nước tăng mạnh.

Đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống

Những ngày qua, giá gạo xuất khẩu tăng cao dẫn tới tại một số địa phương xuất hiện hiện tượng mua gom lúa, gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung - cầu cục bộ, đẩy giá lúa, gạo trong nước lên cao bất hợp lý. Trước tình trạng này, ngày 5/8, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu quy hoạch các vùng sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, đảm bảo mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa/năm, thực hiện đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao.

Thủ tướng cũng chỉ đạo theo dõi sát diễn biến thị trường gạo, sản xuất theo từng chủng loại, mùa vụ trong năm để cân đối nguồn lúa, gạo phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống. Đặc biệt là các cơ quan quản lý giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ lúa, gạo, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường.

Nhìn nhận về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Việc ngăn chặn các trường hợp đầu cơ, gây bất ổn thị trường là hết sức cần thiết. Quan trọng hơn là chưa biết chính sách của Ấn Độ kéo dài bao lâu, nên nếu DN ồ ạt mua vào nhiều đầu cơ, rồi bất ngờ Ấn Độ dỡ thông báo, khi đó DN đổ xô bán tháo, chắc chắn sẽ lỗ”. TS Nguyễn Trí Hiếu cũng lưu ý, theo quy luật thị trường, giá lên cao rồi sẽ phải xuống, khi giá xuống nếu DN không kịp thời đẩy mạnh bán ra thì sẽ có nhiều rủi ro. Vì vậy, trước mắt các DN nên tính toán kỹ lưỡng khi mua lượng hàng ở mức hợp lý và đảm bảo chất lượng đầu vào.

Quan tâm về chiến lược xuất khẩu gạo, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, việc nhận định trong bối cảnh một số nước cấm xuất khẩu gạo là thời cơ ngắn hạn hay thời cơ dài hạn thì khó có thể đưa được ra câu trả lời chính xác. Việc nắm cơ hội thị trường là cần thiết nhưng DN cần đồng thời phải bảo đảm cho cơ hội của các đơn hàng cuối năm 2023, đầu năm 2024 và cả các năm tiếp theo. Xuất khẩu gạo là câu chuyện đường dài, do đó, các DN cần giữ tín nhiệm, đặc biệt là tại các thị trường xuất khẩu truyền thống lớn như: Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia…

Loại bỏ tư duy kinh doanh “chộp giật”

Để ngành gạo xuất khẩu Việt Nam vừa giữ được chữ tín, vừa nắm được cơ hội thị trường, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa trong việc thúc đẩy ngân hàng cho vay vốn trung hạn và dài hạn để các DN thu mua lúa, thanh toán sòng phẳng với người dân. Trên cơ sở đó, bảo đảm được nguồn lúa gạo đầu vào. Bởi, do giá gạo tăng liên tục, các DN rất dễ mua phối trộn các giống thóc khác nhau, không đúng theo tiêu chuẩn của người mua, việc làm này sẽ làm mất thị trường. Về phía các DN cần tính chuyện đường dài, tránh vì lợi ích trước mắt mà làm mất uy tín.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác điều hành xuất khẩu gạo mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu tiếp tục củng cố cơ chế hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa người sản xuất, vùng trồng với các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo và giữa các thương nhân với nhau. Qua đó bảo đảm nguồn hàng ổn định, chất lượng, tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, tranh thị trường, ép cấp, ép giá. Đồng thời loại bỏ ngay tư duy kinh doanh “chộp giật” trong xuất khẩu gạo.

Đối với các DN xuất khẩu gạo, bên cạnh việc nghiêm túc thực hiện duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu và chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu, cần tôn trọng những hợp đồng đã ký để giữ uy tín với các đối tác; hài hòa lợi ích giữa người sản xuất với các DN kinh doanh xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các DN tập trung khai thác nguồn hàng, xây dựng, quảng bá thương hiệu và đàm phán, ký kết các hợp đồng mới với các đối tác truyền thống theo cơ chế giá phù hợp với tình hình thị trường. Đặc biệt, cần chủ động theo dõi chặt chẽ tình hình thương mại gạo toàn cầu, tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu lớn. Tìm hiểu kỹ các đối tác trước khi ký hợp đồng, phải thận trọng trong giao, nhận và thanh toán các lô hàng để tránh bị lừa đảo.

 

Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương đảm bảo diện tích gieo trồng lúa vụ Thu Đông năm 2023 đạt khoảng 700.000ha, tăng 50.000ha so với năm 2022. Dự kiến, năm 2023, cả nước gieo trồng hơn 7 triệu héc-ta, sản lượng đạt từ 43,2 - 43,4 triệu tấn lúa, tăng 1,8 - 2% so với năm 2022. Với sản lượng dự kiến này, sau khi đảm bảo tiêu dùng nội địa, an ninh lương thực, Việt Nam sẽ xuất khẩu từ 7,5 - 8 triệu tấn gạo, cao hơn 400.000 - 900.000 tấn so với năm 2022.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến

Báo động về các mối đe dọa tới an ninh lương thực toàn cầu và tác động của El Nino sẽ tiếp tục làm gia tăng áp lực lạm phát giá lương thực. Do đó, cơ quan quản lý cần có chiến lược trong dài hạn để cung cấp gạo cho các nước với giá cao hơn, lập mặt bằng giá gạo mới. Việc này sẽ giúp người nông dân tăng thu nhập, cũng là cơ hội để DN thương thảo những hợp đồng dài hạn với nhà nhập khẩu với giá phù hợp.
Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Nguyễn Ngọc Nam

Nguồn:kinhtedothi.vn Copy link
Tìm kiếm chúng tôi