Tin hot

Chỉ số SIPAS của Hà Nội năm 2022 nói lên điều gì?


Chỉ số hài lòng – SIPAS năm 2022 của TP Hà Nội đạt 80,16%; xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố và là năm thứ 5 liên tiếp, Chỉ số hài lòng của TP Hà Nội đạt trên 80%; đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo phân tích của UBND TP Hà Nội, SIPAS năm 2022, gồm hai chỉ số lĩnh vực: Mức độ hài lòng của người dân đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách và mức độ hài lòng đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công và trong mỗi chỉ số lĩnh vực gồm có các chỉ số hài lòng thành phần và chỉ số hài lòng yếu tố.

Đối với mức độ hài lòng của người dân đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, có 3/13 chỉ số thành phần đạt trên 80%, gồm các chỉ số thành phần: Cơ quan nhà nước cung cấp, giải thích thông tin về các chính sách theo nhiều hình thức, giúp mọi người dân dễ tìm, dễ thấy (81,91%), cơ quan nhà nước cung cấp thông tin về các chính sách đầy đủ, dễ hiểu đối với người dân (82,27%) và chỉ số thành phần mức độ hài lòng đối với sự phù hợp chính sách trật tự, an toàn xã hội 81,76%.

Đối với mức độ hài lòng cung ứng dịch vụ hành chính công, có 16/19 chỉ số thành phần đạt trên 80%, trong đó có 3 chỉ số thành phần đạt trên 82%, lần lượt là: Trụ sở cơ quan tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả sạch sẽ, văn minh (82,73%); Trụ sở cơ quan tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả có biển hiệu, hướng dẫn rõ ràng, dễ thấy (82,61%); Công chức tuân thủ đúng quy định trong giải quyết công việc cho người dân (82,42%); Kết quả giải quyết thủ tục hành chính có thông tin đầy đủ, chính xác (82,04%).

So với năm 2021, có duy nhất 1 chỉ số tăng là cơ quan thông báo kết quả xử lý phản ánh kiến nghị cho người dân kịp thời (79,42%). Trong khi đó, năm 2021 là 78,92%.

Năm 2022, mặc dù kết quả Chỉ số SIPAS của Hà Nội giảm so với năm 2021 tuy nhiên vẫn cao hơn so với chỉ số hài lòng chung của cả nước.

Song, qua kết quả khảo sát SIPAS năm 2022 có thể thấy 10/13 chỉ số thành phần thuộc chỉ số lĩnh vực xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách có kết quả dưới 80%, trong đó thấp nhất là tiêu chí mức độ hài lòng đối với sự phù hợp chính sách giao thông đường bộ (74,61%).

3/19 chỉ số thành phần thuộc chi số lĩnh vực cung ứng dịch vụ hành chính công đạt dưới 80%, chủ yếu tập trung ở nội dung đo lường phản ánh kiến nghị.

Ảnh minh họa. 

Ảnh minh họa. 

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới kết quả hài lòng giảm so với năm 2021 là bởi năm 2022, Bộ Nội vụ bổ sung thêm nội dung đo lường việc xây dựng, tổ chức thực hiện các nhóm chính sách quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân, đòi hỏi có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, nhất là các nhóm vấn đề liên quan đến chính sách khám, chữa bệnh; chính sách giáo dục phổ thông; chính sách trật tự, an toàn xã hội; chính sách giao thông đường bộ; chính sách điện sinh hoạt; chính sách nước sinh hoạt; chính sách an sinh, xã hội...., các hoạt động cung ứng dịch vụ công của các cơ quan, đơn vị ngành dọc đóng trên địa bàn Trung ương (Thuế, Bảo hiểm, Điện, Giao thông, An ninh, bệnh viện, Công ty môi trường, cây xanh, các cơ sở giáo dục...).

Trước đây, nội dung đo lường chủ yếu là các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính thuộc Thành phố. Đối tượng khảo sát thu thập thông tin đo lường sự hài lòng năm 2022 là người dân (đủ 18 tuổi trở lên), chủ yếu lấy theo ý kiến cảm nhận, cảm xúc. Trước đây, đối tượng lựa chọn trả lời phiếu là những cá nhân đã trải nghiệm, tham gia trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước thuộc Thành phố Hà Nội (không bao gồm các cơ quan ngành dọc, cơ quan trung ương đóng trên địa bàn Thành phố. các cơ quan đơn vị công ty cung ứng dịch vụ công nên có ý kiến kết quả đánh giá chính xác hơn.

Đầu tư các chính sách đáp ứng nhu cầu thực tế đời sống dân sinh

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, trên cơ sở kết quả Chỉ số SIPAS năm 2022 của Thành phố, để cải thiện, nâng cao Chỉ số SIPAS năm 2023 và các năm tiếp theo, UBND Thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung mở rộng các kênh thông tin, đóng góp ý kiến qua các hình thức truyền thông để đáp ứng nhu cầu, mong đợi của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền.

Đặc biệt, các chính sách quan trọng đối với đời sống của người dân phải được nghiên cứu, đầu tư và đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế đời sống dân sinh, nhất là các chính sách về an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, môi trường...

Hà Nội sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ hành chính công qua việc mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, đưa vào vận hành có hiệu quả Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Thành phố, mở rộng các kênh thông tin tiếp nhận giải quyết hồ sơ hành chính (bưu chính công ích, mạng xã hội...)

Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao chất lượng trụ sở, trang thiết bị phục vụ giải quyết công việc cho người dân theo Đề án Mô hình Bộ phận một cửa hiện đại các cấp đã được UBND Thành phố phê duyệt.

Thành phố sẽ rà soát, sắp xếp chức năng, nhiệm vụ, trên cơ sở đó xây dựng rõ, cụ thể các quy trình liên thông, quy trình giải quyết công việc nội bộ của từng cơ quan, đơn vị, đặc biệt làm rõ trách nhiệm, cách thức phối hợp, thời gian giải quyết, kết quả sản phẩm để đáp ứng nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy cơ quan hành chính nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

 

Đo lường Chỉ số hài lòng của người dân,  tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nhằm đánh giá khách quan chất lượng phục vụ người dân của cơ quan hành chính nhà nước và mức độ hài lòng, sự mong đợi của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước dựa trên cảm nhận của người dân. Trên cơ sở đó đề xuất những biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước góp phần mang lại sự hài lòng ngày càng cao cho người dân.

SIPAS là một trong các nội dung quan trọng để đưa vào đánh giá, xác định Chỉ số cải cách hành chính của Thành phố, chiếm 10% tổng số điểm Chỉ số PAR Index.

Nguồn:kinhtedothi.vn Copy link
Tìm kiếm chúng tôi