Chủ động "phòng hơn chống"
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá, tình hình dịch sởi đang ngày càng trở nên khó khăn, thách thức cho cả nước, đặc biệt là cho TP HCM và các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố trong việc ứng phó dịch bệnh, điều trị cho các bệnh nhân sinh sống trên địa bàn và các tỉnh, thành lân cận chuyển tới.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế có thể mở rộng đối tượng tiêm cho những trẻ đến 10 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin. Đồng thời, các đơn vị tổ chức tiêm vắc xin cho nhân viên y tế có nguy cơ và thường xuyên tiếp xúc với trẻ mắc bệnh.
Người dân cần chủ động đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc xin sởi đầy đủ, đúng lịch |
Sởi và rubella là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút sởi và vi rút Rubella gây ra, có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng đe dọa tính của trẻ như viêm phổi, viêm màng não...
Trẻ mắc hội chứng Rubella bẩm sinh (CRS) có thể gặp nhiều dị tật bẩm sinh như các bệnh tim bẩm sinh, đục thủy tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển, đái tháo đường ở trẻ nhỏ, vàng da và xuất huyết, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất và tinh thần.
Vắc xin sởi và rubella đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả cao trong việc phòng ngừa bệnh. Do đặc điểm dịch tễ phức tạp của bệnh sởi, bệnh khả năng lây lan nhanh, rộng và phụ thuộc nhiều vào tiêm chủng nên việc tiêm chủng cần triển khai càng sớm càng nhanh càng tốt.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, lũy tích trên địa bàn thành phố Hà Nội từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 2 ca mắc sởi.
Ngay từ đầu năm, CDC Hà Nội đã chủ động thực hiện chỉ đạo của Bộ y tế, Sở Y tế Hà Nội tăng cường giám sát chặt chẽ diễn biến dịch; phối hợp với trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng và cơ sở y tế được phân công giám sát; lấy mẫu trường hợp nghi ngờ sởi - rubella để xét nghiệm, tổ chức cách ly và xử lý ổ dịch kịp thời tại cộng đồng, không để dịch lây lan.
Bố trí đủ vắc xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng
Sắp tới ngày khai giảng năm học mới nên nguy cơ lây bệnh sởi vẫn hiện hữu, đặc biệt ở trường mầm non và trường cấp 1. TP Hà Nội cũng tích cực tổ chức tiêm vắc xin trước khi trẻ nhập học.
Đồng thời, CDC Hà Nội tích cực phối hợp với trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã rà soát đối tượng tiêm vắc xin sởi để không bỏ sót đối tượng; bố trí đủ vắc xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
CDC Hà Nội triển khai tiêm vắc xin sởi để phòng chống dịch cho trẻ từ đủ 9- 12 tháng tuổi và vắc xin sởi cho trẻ 18-24 tháng tuổi; thường xuyên kiểm tra công tác tiêm chủng cũng như phòng chống dịch của các quận, huyện, thị xã.
Tiêm vắc xin sởi là biện pháp tốt nhất chủ động phòng bệnh sởi. |
Bên cạnh đó, CDC Hà Nội phối hợp rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi...
Đặc biệt, để tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng, chủ động phòng chống dịch bệnh, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh sởi, thực hiện Quyết định số 2495/QĐ-BYT của Bộ Y tế về kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch sởi năm 2024, CDC Hà Nội tích cực phối hợp với các đơn vị sẵn sàng chuẩn bị, tăng cường điều tra, lập danh sách các đối tượng tiêm theo quy định của Bộ Y tế, tránh bỏ sót, tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch sởi đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Bên cạnh đó, CDC Hà Nội đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, phối hợp với báo, đài đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của người dân trong chủ động phòng chống dịch bệnh sởi, không xảy ra tình trạng hoang mang lo lắng nhưng cần chủ động đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc xin sởi đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế.
CDC Hà Nội khuyến cáo, ngoài đối tượng trẻ em, phụ nữ trước khi mang thai cũng cần đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi - rubella và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như hạn chế tụ tập đông người, thường xuyên rửa tay với xà phòng và sử dụng khẩu trang khi đến các địa điểm công cộng, các khu vực tập trung đông người...
Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh sởi thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng sởi hoặc tiêm phòng chưa đủ liều.
Những nơi tập trung đông người như nơi công cộng, trường học... có nguy cơ rất cao lây lan dịch sởi. Dịch sởi thường xảy ra với chu kỳ từ 3-5 năm. Trong đó, việc tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh; chỉ có thể cắt được sự lây truyền bệnh khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt trên 95%.
Để phòng chống dịch sởi, Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo, ngoài việc tiêm ngừa đủ 2 mũi vắc xin sởi, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ...