Diễn đàn đã xây dựng nhiều thành tựu nổi bật
Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: Diễn đàn Quốc tế SDMD được tổ chức thường niên 2 năm/lần và tọa đàm trực tuyến hàng quý. Qua đó đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và liên tục trong 2 năm qua. Diễn đàn tích hợp nhiều hoạt động hợp tác năng động trong nước và quốc tế nhằm góp phần phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long và hội nhập thế giới hướng đến tầm nhìn 2045.
Thông qua Diễn đàn cung cấp, chia sẻ thông tin và đề xuất giải pháp phát triển các lĩnh vực trọng yếu của vùng ĐBSCL góp phần hỗ trợ xây dựng các chủ trương, chiến lược và chính sách phát triển bền vững vùng ĐBSCL tầm nhìn 2045. Đồng thời, xây dựng trung tâm thông tin và khai thác dữ liệu phát triển ĐBSCL nhằm phân tích, tổng hợp dữ liệu và thông tin; tương tác, chia sẻ thông tin và cung cấp tư vấn góp phần phát triển bền vững ĐBSCL.
"Phát triển bền vững không phải là nhiệm vụ của riêng ai, mà là trách nhiệm chung. Chúng ta cần cùng nhau hành động để bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế và xây dựng một xã hội công bằng, văn minh. Tôi tin rằng, với tinh thần đoàn kết và hợp tác, chúng ta sẽ đạt được kết quả cao." - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh.
Theo Ban tổ chức, trong giai đoạn 2022-2024, đã có các thành tựu nổi bật trong hoạt động của SDMD, như: Tổ chức diễn đàn quốc tế “Khoa học và công nghệ: Động lực cho phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long”; tổ chức 10 tọa đàm trực tuyến hằng quý về các chủ đề: nông nghiệp, thủy sản, môi trường và biến đổi khí hậu, chuyển đổi số...
Trong khuôn khổ SDMD, ban tổ chức cũng đã xây dựng và triển khai hơn 20 dự án hợp tác quốc tế quy mô lớn, thực hiện tại các địa phương. Kết nối, ký kết hợp tác với hơn 20 đơn vị, thành viên và đối tác đồng hành là cơ quan-viện, trường-doanh nghiệp trong nước và quốc tế thông qua diễn đàn và các tọa đàm.
Tăng cường đầu tư công nghiệp - hiện đại hóa
Theo ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Công thương địa phương (Bộ Công Thương), tiềm năng nông nghiệp, thủy sản của ĐBSCL rất lớn, nhưng hiện nay công nghiệp chế biến chưa thực sự phát triển nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng và lợi thế về điều kiện tự nhiên để kinh tế nông - thủy sản thật sự trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Quá trình đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước còn chậm, trình độ công nghệ chủ yếu là trung bình và thấp, dẫn đến chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm hàng Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước chưa cao.
Để phát triển bền vững ĐBSCL trong giai đoạn tới theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị, ông Nguyễn Văn Thịnh cho rằng cần tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy sản và thực phẩm theo hướng gắn với vùng sản xuất nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Tăng cường liên kết vùng để hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, chất lượng ổn định, từ đó hình thành trung tâm sản xuất lớn, đi liền với chế biến sâu cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ nông nghiệp; ưu tiên đầu tư phát triển và khai thác tối đa các khu/cụm công nghiệp đã được thành lập đến năm 2030. Đồng thời, tăng cường xây dựng chính sách hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp trong vùng đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất nhằm chế biến tinh, chế biến sâu.
Đồng quan điểm, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ Trần Thanh Hùng khuyến nghị, nhằm phát triển tương xứng với tiềm năng về nông nghiệp và thủy sản, ĐBSCL hơn lúc nào hết cần tăng cường đầu tư công nghiệp - hiện đại hóa trong tình hình mới, nhất là không ngừng đổi mới khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, tăng cường cạnh tranh trên thị trường quốc tế, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và góp phần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cao phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL theo định hướng của Chính phủ.