Bén duyên với trà từ thời thơ ấu
Đỗ Thành Công (nghệ danh Đỗ Gia) sinh năm 1987 tại một vùng nông thôn trung du bán sơn địa thuộc xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất, Hà Nội (Hà Tây cũ). Gia đình vốn có truyền thống trồng chè từ thời ông nội, nên tuổi thơ của Đỗ Công gắn liền với những bát nước chè tươi được đun bằng nước giếng đá ong của gia đình.
Đỗ Thành Công - người đam mê với văn hóa trà Việt. Ảnh: ĐTC |
Tình yêu với trà cứ thế lớn lên cùng số tuổi của anh, nên trong lúc các bạn cùng trang lứa lựa chọn những ngành học công nghệ, hay đua nhau tìm đường du học để khẳng định bản thân thì Đỗ Công lại chọn học báo chí và tuyên truyền bởi đam mê với nền văn hóa Việt và mong muốn thông qua ngòi bút để truyền tải những thông điệp, nét độc đáo của Việt Nam.
Anh chia sẻ, nghề báo có nhiều điều thú vị và quan trọng sẽ giúp anh có thêm cơ hội tiếp xúc, giao lưu và học hỏi với văn hoá uống trà của Việt Nam. Với suy nghĩ đó, trong khoảng thời gian làm báo, Đỗ Công vẫn không quên dành thời gian để vun đắp tình yêu với những lá trà xanh, do đặc thù công việc, anh có thời gian giao lưu tại tại các quán trà đạo, nghe chia sẻ kinh nghiệm về văn hoá trà Việt.
“Tôi luôn mong muốn, làm thế nào để giới thiệu văn hoá uống trà của người Việt đến với bạn bè thế giới, để người nước ngoài đến Việt Nam sẽ có nơi để tìm hiểu về văn hoá uống trà của người Việt” - Đỗ Công chia sẻ.
Mong ước đó càng được thôi thúc, khi năm 2015, Đỗ Công có dịp gặp gỡ nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng – cũng là một nhà báo có đam mê với trà Việt, được truyền cảm hứng thông qua những bài thuyết trình của nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng trên mạng xã hội, Đỗ Công quyết định mở Thư Trà Quán tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2018 với mong muốn, nơi đây không chỉ là nơi chia sẻ, giới thiệu về văn hoá uống trà của Việt Nam mà còn là nơi truyền cảm hứng về nghệ thuật thư pháp, các loại nhạc cụ dân tộc – cũng là những lĩnh vực anh đam mê nghiên cứu trong nhiều năm liền.
Nhưng một lần nữa Đỗ Công lại gặp phải thử thách, khi dịch Covid-19 xảy ra, Thành phố Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch và quán trà phải dứng hoạt động. Không bỏ đam mê và tình yêu với trà, năm 2022, Đỗ Công tiếp tục mở Thư Trà Quán tại Hà Nội và hiện đang tiếp tục khởi động lại Thư Trà Quán tại Thành phố Hồ Chí Minh, với mong muốn nơi đây là địa chỉ để những người yêu trà có thể giao lưu, đàm đạo về trà.
Đỗ Công tổ chức các hoạt động để lan tỏa trà và văn hóa trà Việt đến với cộng đồng. Ảnh: ĐTC |
Từng bước đưa văn hoá Việt ra thế giới
Có thể nói, sự nghiệp trà của Công Đỗ bắt đầu từ đam mê, và thôi thúc anh nuôi dưỡng đam mê đó trở thành hành động. Anh chia sẻ: "Tôi đến với trà đầu tiên là người chơi, nhưng tình yêu và sự đam mê với những thứ hoài cổ, thâm trầm có sẵn trong con người, nên tôi bị thu hút bởi hương vị đặc trưng của trà Việt. Tôi luôn đau đáu với câu hỏi “đâu là đặc trưng của văn hóa trà Việt?” và tự đi tìm hiểu, khám phá, nghiên cứu và thống kê những câu trả lời cho câu hỏi ấy”.
Chính vì đam mê với trà, với văn hoá Việt đã thôi thúc Đỗ Công phải dành toàn thời gian để nghiên cứu, thử nghiệm và hoàn thiện kỹ năng pha trà; kết hợp với các chất liệu văn hoá Việt mà anh đúc kết; để tạo nên những câu chuyện độc đáo quanh bàn trà.
Đặc biệt, không chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu, đúc kết kinh nghiệm và kỹ năng pha trà, Đỗ Công còn đích thân tham gia vào những hoạt động trải nghiệm như tổ chức các hoạt động để lan tỏa trà và văn hóa trà Việt đến với cộng đồng. Chính tình yêu với trà Việt đã giúp anh có cơ hội nhiều lần phục vụ trà trong các kỳ họp Quốc hội, các buổi tiệc trà đối ngoại, các sự kiện văn hóa tại các khu di tích lịch sử như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu Quốc Tử Giám, phố cổ Hà Nội… mỗi hoạt động đó, anh lại có thêm những trải nghiệm thú vị và động lực để tiếp tục lan toả văn hoá trà Việt, văn hoá Việt đến với cộng đồng những người yêu trà và cả những du khách quốc tế yêu văn hoá Việt Nam.
Đỗ Công quan niệm, trong nền văn hóa Việt Nam, trà không chỉ là một loại đồ uống mà còn là biểu tượng của nét văn hóa của người Việt, biểu tượng của sự tinh tế, thanh lịch trong thưởng thức ẩm thực, phong cách, thói quen uống trà cũng thể hiện chiều sâu văn hoá, ứng xử của mỗi người. Thẩm thấu và muốn lan toả tinh thần ấy, Đỗ Công đã từ bỏ công việc của một công chức nhà nước; để theo đuổi đam mê với trà và văn hoá Việt.
Đỗ Công giới thiệu văn hóa trà Việt đến với du khách nước ngoài. Ảnh: ĐTC |
Sau hơn 10 năm nghiên cứu và trải nghiệm, anh vừa tạo ra hai sản phẩm trà độc đáo, đó là: Việt Thức và DTC1927. Cả 2 sản phẩm đều lấy cảm hứng từ “mùi hương ký ức” mà anh mạnh dạn gọi là “điểm chạm mùi hương di sản”. Những sản phẩm trà này vừa hé lộ đã không chỉ được đón nhận nồng nhiệt mà còn được chọn làm quà tặng cho những vị khách quý như Tham tán Đại sứ Campuchia tại Việt Nam; hay các công ty lớn chọn làm quà tặng đối tác Đài Loan, Nhật Bản…
"Trà không chỉ là một loại đồ uống, mà còn là một phần của văn hóa Việt", Đỗ Công chia sẻ và cho biết, anh sẽ tiếp tục nghiên cứu để tạo ra những hương vị mới, nhưng vẫn giữ được bản sắc truyền thống, trên cơ sở kế thừa đặc sắc văn hóa trà Việt.
Không chỉ dừng lại ở việc sáng tạo ra những sản phẩm trà độc đáo, Đỗ Công còn miệt mài với sứ mệnh lan tỏa văn hóa Việt đến với mọi người. Theo đó, trong những lần xuất hiện với trà, anh đều khéo léo kết hợp trang phục truyền thống dân tộc, trà cụ Việt, các làn điệu tiêu, sáo mang âm hưởng dân ca Việt và hoa văn đặc sắc của cộng đồng dân tộc Việt để tạo nên một không gian trà độc đáo.
Những chi tiết nhỏ nhất như khăn thêu tay của người Dao, khăn trải bàn thổ cẩm của người Mông, áo cổ phục thời Nguyễn, bàn ghế tre… đều được anh lựa chọn kỹ lưỡng để tạo nên một bức tranh văn hóa Việt đầy màu sắc.
"Tôi muốn tạo ra một không gian trà không chỉ là nơi thưởng thức trà, mà còn là nơi trải nghiệm văn hóa Việt" - Đỗ Công cho biết.
Đặc biệt, không chỉ đam mê sáng tạo những hương vị trà độc đáo, Đỗ Công còn trăn trở với việc làm sao để pha trà trở thành một nghề chính thống tại Việt Nam. Bởi với anh, pha trà không chỉ là về kỹ thuật pha trà, mà còn là tổng hoà về chiều sâu văn hóa, nghệ thuật và sự sáng tạo. Người pha trà cần phải có kiến thức sâu rộng về trà, kỹ năng pha trà tinh tế, khả năng sáng tạo để chiều lòng người thưởng thức và kỹ năng kể chuyện để truyền cảm hứng, tình yêu với trà Việt.
Theo đó, nếu được đầu tư đúng đắn và đào tạo bài bản, nghề pha trà có thể trở thành một nghề chính thống nếu được đầu tư và phát triển đúng cách, sẽ không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần giữ gìn và phát triển văn hóa trà Việt.