Khai thác lợi thế, tiềm năng sẵn có
Về vấn đề này trong Kết luận số 80-KL/TW của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 yêu cầu Hà Nội cần quan tâm nghiên cứu, phát triển các mô hình kinh tế đêm đặc thù đối với từng khu vực, xây dựng TP trở thành điểm đến an toàn, sôi động, hấp dẫn, đặc sắc có thương hiệu về kinh tế đêm, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách, có năng lực cạnh tranh cao hơn so với các điểm đến khác trong nước và quốc tế.
Những yêu cầu trong Kết luận của Bộ Chính trị về kinh tế đêm đã tạo thêm động lực để các quận, huyện của Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, tập trung hơn nữa vào việc khai thác tổng hợp các tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có.
Từ đó quyết tâm phát triển mô hình kinh tế đêm đặc thù phù hợp với từng khu vực, từng bước xây dựng Thủ đô trở thành điểm đến sôi động, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu làm việc, vui chơi giải trí, mua sắm, thưởng thức ẩm thực, trải nghiệm cuộc sống về đêm của người dân và du khách.
Điển hình tại quận Hoàn Kiếm, qua 1 năm thực hiện Nghị quyết về giải pháp phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế đêm của HĐND quận đến nay bước đầu thu được những kết quả đáng ghi nhận góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.
Ông Vũ Tuấn Trung - Trưởng phòng Kinh tế UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Quận ủy Hoàn Kiếm đã có hẳn một Đề án số 11/ĐA/QU dành riêng cho phát triển kinh tế đêm. Trong đó, Đề án nhấn mạnh quận Hoàn Kiếm là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hóa của Thủ đô; có mật độ dân số cao, nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động, sự kiện chính trị, văn hóa của Hà Nội và cả nước, là điểm đến không thể thiếu đối với du khách trong nước và quốc tế.
Hoàn Kiếm có một kho tàng đa dạng, phong phú và chất lượng về tài nguyên văn hóa du lịch. Trên địa bàn có 190 di tích có giá trị tiêu biểu như hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn, khu phố cổ Hà Nội... Bên cạnh đó, Hoàn Kiếm còn có nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc; có lượng du khách trẻ đông, tập trung tại các khu vực phố cổ, phố cũ có mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao.
Việc đa dạng các sản phẩm dịch vụ đêm tạo cơ hội cho du khách có thêm nhiều trải nghiệm thú vị và tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, góp phần tăng thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách. Hơn nữa, du khách quốc tế từ các nước như châu Âu, Mỹ, Úc, Đài Loan… đã quen với với việc tham gia các hoạt động vui chơi giải trí đêm tại nước của họ, do vậy họ cũng kỳ vọng sẽ được khám phá những nét đặc sắc các sản phẩm đêm tại quận Hoàn Kiếm và rộng hơn là trên địa bàn TP.
Tiếp sau Đề án của Quận ủy, HĐND Quận cũng đã ban hành hành Nghị quyết số 120/NQ-HĐND về giải pháp phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế đêm trên địa bàn và sau đó là Kế hoạch số 195/KH-UBND của UBND quận Hoàn Kiếm. Nội dung của các Nghị quyết, Kế hoạch đều yêu cầu việc phát triển kinh tế đêm phải phù hợp, cũng như gắn chặt với các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quận.
Cùng với đó, phát triển kinh tế đêm từng bước bền vững gắn với đặc trưng, thế mạnh đặc thù về hạ tầng văn hóa - nghệ thuật, ẩm thực và điều kiện kinh tế quận, đồng thời bảo đảm phù hợp với thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa của Việt Nam và Thủ đô Hà Nội.
Tập trung phát triển các không gian động lực
Để góp phần làm tăng tính hiệu quả cho kinh tế đêm, quận Hoàn Kiếm tập trung phát triển mạnh mẽ các không gian động lực hiện có. Trong đó, với không gian đi bộ phố cổ Hà Nội, quận thực hiện theo hướng chỉnh trang, cải tạo các không gian bổ trợ tạo sự kết nối đồng bộ trong khu vực Đồng Xuân - Bắc Qua.
Cũng như đang nghiên cứu tìm địa điểm phù hợp di dời khu vực thực phẩm tươi sống Bắc Qua để hình thành khu vực quảng trường tại đây, tạo thành không gian tổ chức các sự kiện, hoạt động trải nghiệm về văn hóa công cộng.
Đồng thời, quy hoạch, sắp xếp lại các hoạt động thương mại tại tuyến phố thương mại, du lịch Hàng Đào - Hàng Giấy theo hướng văn minh, hiện đại gắn với đặc điểm lịch sử, văn hóa của từng tuyến phố. Trong đó, khai thác chức năng, phát triển tuyến phố ẩm thực cùng với các hoạt động bổ trợ xung quanh chợ Đồng Xuân.
Triển khai một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ, thương mại của tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Hàng Giấy: bổ sung quy hoạch ngành hàng vào nội dung hợp đồng thuê kinh doanh, đồng thời triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, kết hợp với kiểm tra xử lý vi phạm. Đến nay, trên 70% các hộ kinh doanh đã chấp hành các quy định về quy hoạch ngành hàng, các quầy sạp bày bán hàng hóa bảo đảm mỹ quan.
Tại khu vực chợ đêm đã đầu tư cải tạo khu ẩm thực theo phong cách dân gian truyền thống. Đồng thời thay đổi mô hình quản lý, cung cấp các dịch vụ trọn gói cho các hộ kinh doanh từ quầy bán hàng, bàn ghế, bát đũa, nhân viên dọn dẹp được tích hợp vào một gói dịch vụ nhằm tạo không gian, cảnh quan đồng bộ, văn minh.
Đối với không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, quận đã và đang tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của không gian đi bộ nói trên. Trong đó bao gồm có việc triển khai hệ thống chiếu sáng đặc sắc, chiếu sáng theo mùa; chiếu sáng phù hợp với các sự kiện; chiếu sáng nghệ thuật vào các ngày cuối tuần…
Bên cạnh đó, với không gian các tuyến phố chuyên kinh doanh, phố nghề truyền thống, quận đã đánh giá thực trạng và định hướng phát triển phố chuyên doanh, phố nghề truyền thống nhằm phát huy các giá trị đặc thù của tuyến phố, đáp ứng các tiêu chí văn minh thương mại.
Hoàn thành chỉnh trang cải tạo, phát triển ngõ Đồng Xuân để hình thành tuyến phố ẩm thực phố cổ…, cũng như nghiên cứu, xây dựng tuyến phố Hàng Thiếc - Lò Rèn với nghề gò hàn, tuyến phố Hàng Đồng với nghề chế tác đồ đồng.
Đặc biệt, với không gian văn hóa ẩm thực Tống Duy Tân - Hàng Bông cùng với việc nâng cao chất lượng tuyến phố ẩm thực này, Hoàn Kiếm đang từng bước hình thành nên không gian phố đi bộ ẩm thực kết nối với không gian đi bộ Phùng Hưng - Gầm Cầu để trở thành một chỉnh thể thống nhất…
Có thể nói sau 1 năm triển khai Nghị quyết số 120/NQ-HĐND, đến nay Hoàn Kiếm đã đạt được một số kết quả tương đối tích cực về phát triển kinh tế đêm. Tuy vậy, theo ông Vũ Tuấn Trung thời gian tới để củng cố hoạt động kinh tế đêm, khắc phục các hạn chế, nâng cao hiệu quả, tạo động lực mới đồng bộ, có tính hệ thống cao, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển bền vững kinh tế đêm, Hoàn Kiếm sẽ áp dụng một loạt giải pháp tổng hợp từ việc cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, đến việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi.
Trong đó, quận sẽ chủ động rà soát chính sách và khung pháp lý liên quan đến phát triển kinh tế đêm để tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Tổ chức phân công rõ trách nhiệm và thẩm quyền giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong quản lý hoạt động kinh tế đêm trên cơ sở tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc quản lý và phát triển kinh tế đêm…
Một số quận của Hà Nội đã có những sự thay đổi để khai thác tiềm năng của kinh tế đêm, tuy nhiên vẫn còn đó những hạn chế cần khắc phục để có thể tận dụng và phát huy tốt hơn nữa trong tương lai. Nhất là công tác quy hoạch, do thiếu quy hoạch nên nhiều cơ sở kinh doanh ban đêm hiện đều gần sát các khu dân cư, ảnh hưởng đến sinh hoạt của Nhân dân.
Một số nơi phát triển thiếu quy hoạch, chưa hợp lý, nên chưa tạo được sức hút đối với du khách. Thiếu sự quy hoạch đồng bộ và rõ ràng nên các phố đi bộ thiếu chương trình văn hóa nghệ thuật, có tình trạng mua bán hàng rong chèo kéo, chặt chém du khách, tình trạng xả rác bừa bãi đã làm ảnh hưởng xấu đến môi trường...
PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân