Tin hot

Hải Dương: Dấu hỏi về năng lực chủ đầu tư Cụm công nghiệp Cao Thắng


Phó Chủ tịch Thường trực UBND Hải Dương thống nhất giao Công ty Cổ phần May công nghệ cao Hải Dương làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Cao Thắng.

Trong cuộc họp thường kỳ tháng 11/2022 (lần 2) của UBND tỉnh Hải Dương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản thống nhất giao Công ty Cổ phần May công nghệ cao Hải Dương làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Cao Thắng, huyện Thanh Miện (Hải Dương). Tuy nhiên, dư luận lại băn khoăn về năng lực của doanh nghiệp này.

Từng có dự án chậm tiến độ

Ngày 10/1/2017, UBND tỉnh Hải Dương có Quyết định chủ trương đầu tư, cho phép Công ty TNHH YMSA Co.Ltd (Hàn Quốc) thực hiện dự án Nhà máy sản xuất hàng may mặc và túi xách tại cụm công nghiệp Cao Thắng thuộc địa bàn các xã Cao Thắng và Tứ Cường, huyện Thanh Miện (Hải Dương). Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 1.056 tỷ đồng, thời gian hoạt động là 50 năm kể từ khi có quyết định chủ trương đầu tư. Người đại diện là ông Ki-Hak-Sung, quốc tịch Hàn Quốc. Dự án có quy mô 8,5 triệu sản phẩm dệt may, 500.000 chiếc túi xách/năm, tạo việc làm cho 10.000 lao động.

Dự án Nhà máy sản xuất hàng may mặc và túi xách tại Cụm công nghiệp Cao Thắng vẫn là bãi đất hoang.
Dự án Nhà máy sản xuất hàng may mặc và túi xách tại Cụm công nghiệp Cao Thắng vẫn là bãi đất hoang.

UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu Công ty TNHH YMSA Co.Ltd triển khai xây dựng, hoàn thành và đưa toàn bộ dự án vào hoạt động trong vòng 60 tháng; giao các đơn vị chức năng tiến hành làm công tác đền bù, giải phóng mặt bằng sớm bàn giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án.

Để triển khai các phần việc theo quy định, ngày 3/3/2017, Công ty TNHH YMSA Co.Ltd đã thành lập Công ty TNHH May công nghệ cao Hải Dương do Công ty TNHH YMSA Co.Ltd làm chủ sở hữu, mã số doanh nghiệp: 0801206676, thay đổi lần 1 ngày 10/1/2018, người đại diện là ông Jin-Kook Kim, quốc tịch Hàn Quốc làm Tổng giám đốc.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Hải Dương, UBND huyện Thanh Miện và các xã Cao Thắng, Tứ Cường đã phối hợp vận động nhân dân nhường đất lúa cho Công ty TNHH May công nghệ cao Hải Dương (nay đã chuyển đổi thành Công ty Cổ phần May công nghệ cao Hải Dương) xây dựng nhà xưởng với hy vọng dự án sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - dịch vụ cho cả khu vực, để con em trong xã và các địa phương lân cận có việc làm mới. Người dân 2 xã Tứ Cường và Cao Thắng nhanh chóng đồng thuận, bàn giao đất cho Nhà nước.

Tuy nhiên, đã hơn 5 năm kể từ khi có quyết định chủ trương đầu tư, dự án Nhà máy sản xuất hàng may mặc và túi xách tại Cụm công nghiệp Cao Thắng vẫn chỉ là bãi đất hoang, để cỏ mọc và là nơi chăn thả trâu bò của người dân địa phương. Từ chỗ được kỳ vọng là động lực làm thay đổi diện mạo quê hương, đến nay dự án đã trở thành nỗi thất vọng lớn của chính quyền và người dân địa phương. Thời điểm hiện tại, dự án mới hoàn thành san lấp mặt bằng, xây dựng tường bao. Tất cả các hạng mục khác chưa hề được chủ đầu tư triển khai xây dựng trong khi theo quyết định chủ trương đầu tư điều chỉnh, thời hạn cuối cùng để đưa dự án vào hoạt động là trước ngày 31/12/2022.

Đầu năm 2022, UBND huyện Thanh Miện đã có báo cáo tiến độ dự án gửi UBND tỉnh Hải Dương. Báo cáo nêu rõ tiến độ triển khai thực hiện dự án rất chậm so với đề xuất đầu tư được UBND tỉnh chấp thuận. Việc này đã gây ra dư luận không tốt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương về hiệu quả sử dụng đất, cảnh quan môi trường và những đóng góp của dự án đối với phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Dấu hỏi về năng lực chủ đầu tư

Tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2022 (lần 2) của UBND tỉnh Hải Dương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản thống nhất giao Công ty Cổ phần May công nghệ cao Hải Dương làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Cao Thắng; yêu cầu nhà đầu tư phải hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong 6 tháng kể từ khi bảo đảm các điều kiện thi công.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hải Dương, Cụm công nghiệp Cao Thắng thuộc địa bàn các xã Cao Thắng, Tứ Cường, huyện Thanh Miện (Hải Dương) được quy hoạch với diện tích gần 49ha, tổng vốn đầu tư ban đầu là 130 tỷ đồng. Ngành nghề thu hút đầu tư gồm: Công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; Công nghiệp phụ trợ; Sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ và các dự án ít tác động đến môi trường. Sở Công Thương Hải Dương đề nghị UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận điều chỉnh vốn đầu tư lên 602 tỷ đồng, bổ sung lĩnh vực cơ khí vào ngành nghề thu hút đầu tư và tiến độ thực hiện trong 24 tháng kể từ tháng 11/2022.

Đến đây, dư luận đặt câu hỏi tại sao một doanh nghiệp đang là chủ đầu tư một dự án chậm tiến độ không những không bị xử lý mà lại tiếp tục được tin tưởng giao làm chủ đầu tư một dự án khác? Liệu chủ đầu tư có đủ năng lực để triển khai dự án có số vốn đầu tư lớn như vậy hay không? Nếu dự án tiếp tục chậm tiến độ thì ai là người chịu trách nhiệm? Xử lý chủ đầu tư như thế nào?

Hải Dương: Dấu hỏi về năng lực chủ đầu tư Cụm công nghiệp Cao Thắng
Hiện tại, dự án mới được xây tường bao.
Được biết, dự án Nhà máy sản xuất hàng may mặc và túi xách tại Cụm công nghiệp Cao Thắng, ban đầu dự án có 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nên được UBND tỉnh Hải Dương cho hưởng rất nhiều ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất cũng như dồn lực để sớm có mặt bằng sạch… Tuy nhiên, sau nhiều lần thay đổi, chủ sở hữu, tên doanh nghiệp, loại hình doanh nghiệp đã thay đổi hoàn toàn. Hiện nay, doanh nghiệp này đã được đổi thành Công ty Cổ phần May công nghệ cao Hải Dương. Chủ sở hữu cũng chuyển từ người có quốc tịch nước ngoài sang cho người có quốc tịch Việt Nam.

Hiện nay, tỉnh Hải Dương còn rất nhiều cụm công nghiệp chưa có nhà đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Vì thế, việc tìm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các cụm công nghiệp là chủ trương đúng đắn của UBND tỉnh Hải Dương để có thể khai thác một cách hiệu quả nhất quỹ đất, tạo nguồn thu cho ngân sách, tạo việc làm cho người lao động cũng như quản lý và xử lý tốt vấn đề môi trường. Tuy nhiên, không vì sự cấp bách đó mà việc lựa chọn chủ đầu tư không được tiến hành kỹ lưỡng, cẩn trọng. Những doanh nghiệp được giao làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp phải thực sự có năng lực, thực sự tâm huyết để triển khai công việc theo đúng tiến độ đề ra, bảo đảm chất lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất góp phần thu hút đầu tư.

Nếu giao cho Công ty Cổ phần May công nghệ cao Hải Dương làm chủ đầu tư, UBND tỉnh Hải Dương cần có một chế tài đủ mạnh như yêu cầu chủ đầu tư phải ký quỹ một khoản tiền đủ lớn để buộc chủ đầu tư phải triển khai công việc theo đúng tiến độ đã cam kết; quy trách nhiệm cho cơ quan đề xuất, buộc cơ quan đề xuất phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện các công việc theo yêu cầu.

 
Tác giả: Theo Báo Xây dựng
Tìm kiếm chúng tôi