Tin hot

Huyện Lắk: Nhiều giải pháp đồng bộ ngăn chặn dịch bệnh lây nhiễm


Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Lắk, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện ghi nhận nhiều loại dịch bệnh, trong đó đáng chú ý nhất là dịch bệnh sởi và sốt xuất huyết (SXH).

Đến nay, toàn huyện đã ghi nhận 28 trường hợp mắc bệnh sởi, trong đó có 25 trường hợp đã có kết quả xét nghiệm dương tính, 3 trường hợp chưa có kết quả và 28 trường hợp mắc SXH.

Theo điều tra dịch tễ, về dịch sởi, toàn huyện ghi nhận 8 ổ dịch ở các xã gồm: Krông Nô, Buôn Triết và Đắk Phơi, các trường hợp mắc bệnh chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi. Một trong những nguyên nhân chính là tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh sởi chưa cao, một mặt do tình trạng thiếu vắc xin, mặt khác vẫn còn một bộ phận người dân chưa quan tâm đến lịch tiêm chủng của con em. Nếu như năm 2020, tỷ lệ tiêm phòng sởi dành cho trẻ từ 9 - 11 tháng tuổi toàn huyện đạt 94,7%, thì năm 2023 chỉ đạt 71,2%. Tương tự đối với mũi tiêm sởi – rubella (dành cho trẻ trên 18 tháng tuổi) năm 2020 đạt 94,4% thì năm 2023 chỉ đạt 72%.

Đối với bệnh SXH, năm 2024 diễn biến dịch bệnh bất thường và có xu hướng tăng. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện ghi nhận 28 trường hợp mắc SXH, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023.

Phun khử khuẩn ổ dịch sởi tại buôn Gung Yang, xã Krông Nô.

Trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của dịch sởi và SXH, ngành y tế huyện Lắk đã chủ động triển khai hàng loạt các biện pháp như: đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch; phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các xã, thị trấn; phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy; thành lập đoàn kiểm tra, giám sát tại các "điểm nóng" về SXH … Đối với các địa phương xuất hiện ổ dịch sởi, Trung tâm Y tế huyện đã chỉ đạo các trạm y tế thống kê và tiến hành tiêm vét, tiêm bù phòng dịch sởi cho trẻ em trong độ tuổi.

Ghi nhận tại xã Buôn Triết – địa phương có 2 ổ dịch sởi tại buôn Ja Tu và thôn Đoàn Kết 1, sau khi nắm thông tin, Trung tâm Y tế huyện Lắk đã phối hợp với Trạm Y tế xã giám sát, điều tra và xử lý kịp thời; đồng thời thông báo các trường hợp tiếp xúc gần tự cách ly tại nhà, thực hiện mang khẩu trang, vệ sinh cá nhân.

Theo bác sĩ Lã Quý Thơ, Trưởng Trạm Y tế xã Buôn Triết, trong hai ca mắc sởi tại địa phương, có một trẻ sinh năm 2014 từ nơi khác về, qua điều tra dịch tễ cháu chưa được gia đình cho tiêm vắc xin phòng bệnh sởi; còn một trường hợp 18 tháng tuổi do mắc bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia) nên tiêm chủng muộn (tiêm mũi đầu vào đầu tháng 8/2024). Đến thời điểm hiện tại, Trạm Y tế xã đã tiến hành tiêm vét mũi sởi và mũi sởi – rubela cho 100% trẻ trong độ tuổi tiêm chủng.

Cán bộ Trạm Y tế xã Buôn Triết, huyện Lắk khám sàng lọc cho trẻ trước khi tiêm vắc xin.

Bác sĩ Trần Minh Hùng, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật - HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Lắk nhận định, tình hình dịch bệnh sởi và SXH trên địa bàn huyện dù đã được kiểm soát nhưng vẫn diễn biến phức tạp.

Đối với bệnh sởi, thời gian ủ bệnh kéo dài, nhiều bệnh nhân mang mầm bệnh nhưng chưa có triệu chứng, nguy cơ bùng phát dịch ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn là rất cao.

Còn với dịch SXH, qua các hệ thống giám sát quần thể muỗi và lăng quăng trên địa bàn, các chỉ số có chiều hướng tăng lên trong các tháng mùa mưa. Đây là các điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, dễ dẫn đến lây lan dịch bệnh.

Mặt khác, một bộ phận người dân còn tâm lý chủ quan, chưa tích cực chủ động thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt nên nguy cơ phát sinh bệnh dễ xảy ra.

“Để phòng bệnh SXH, người dân cần chú ý diệt muỗi và phòng muỗi đốt, thực hiện vệ sinh nơi ở, xử lý, loại bỏ, lật úp các dụng cụ có thể chứa nước để muỗi đẻ trứng. Việc chủ động diệt lăng quăng là cách làm hiệu quả nhất để loại bỏ muỗi, phòng bệnh SXH” - bác sĩ Trần Minh Hùng, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật - HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Lắk.

Hoàng Tuyết

Nguồn:baodaklak.vn Copy link
Tìm kiếm chúng tôi