Hoàn thiện phương án phát triển khu, cụm công nghiệp
Tại hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp đầu tư hoạt động tại các khu cụm công nghiệp trên địa bàn TP, do UBND TP Hà Nội tổ chức ngày 5/4, các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đã nêu những khó khăn, vướng mắc thực tế mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình hoạt động.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu kết luận hội nghị |
Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị UDIC Nguyễn Hoàng Hải cho biết, doanh nghiệp đang đầu tư Dự án cụm công nghiệp CN3, huyện Sóc Sơn, diện tích 78,15ha, đã cơ bản giải phóng mặt bằng và có quyết định giao đất đợt 1 với diện tích hơn 56ha.
Tuy nhiên, dự án vẫn đang gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại do vướng vào khu vực nghĩa trang. Đề nghị thành phố gia hạn thời gian thực hiện dự án và huyện Sóc Sơn quy hoạch nghĩa trang tập trung, tháo gỡ vướng mắc này.
Ông Ulrich Petersen, Giám đốc Đầu tư và Marketing dự án Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội, quận Bắc Từ Liêm kiến nghị nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục để khởi động lại công tác giải phóng mặt bằng sớm. Về thủ tục thành lập khu công nghệ cao, đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền để hoàn thành các thủ tục mới này. Bên cạnh đó, UBND thành phố, quận Bắc Từ Liêm tiến hành quy hoạch 1/2000 nhanh hơn vì đây là thủ tục rất quan trọng để đơn vị có thể triển khai tiếp các hoạt động tiếp theo của dự án.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp cũng nêu thực trạng, năm 2023, tình trạng thiếu điện, cắt điện đột ngột đã khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào trạng thái bị động, tổn thất lớn; đồng thời kiến nghị những chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp có tinh thần chủ động tiết kiệm điện.
Toàn cảnh hội nghị |
Trực tiếp thông tin đến doanh nghiệp, đại diện EVN Hà Nội cho biết, năm 2023 tình hình cung cấp điện có xảy ra sự cố lưới, đồng thời thiếu điện xảy ra trên toàn miền Bắc nói chung nên nhiều nơi phải thực hiện cắt điện. Để đảm bảo an toàn điện năm 2024 này, EVN Hà Nội đã có chỉ đạo của Bộ Công thương và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Về nguyên tắc, năm nay sẽ cố gắng không để xảy ra các sự cố. Trong trường hợp thời tiết không thuận lợi và phụ tải tăng cao, EVN đã chuẩn bị phương án khắc phục.
EVN cho biết, thời gian gần đây, các doanh nghiệp có nhận được thông tin là đề nghị doanh nghiệp chủ động dịch chuyển phụ tải khỏi giờ cao điểm. Theo đó, đã có 619 doanh nghiệp ký thỏa thuận với EVN Hà Nội nhằm giảm tải giờ cao điểm.
Liên quan đến vấn đề này, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị EVN đảm bảo cung cấp điện cho Hà Nội.
“Hà Nội không thể để thiếu điện được, năm ngoái nhiều doanh nghiệp vì cắt điện mà ảnh hưởng lớn đến hoạt động. Năm nay, EVN phải điều hành để đủ điện cho sản xuất kinh doanh”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng nhấn mạnh nếu ngành Điện có tiến hành bảo hành, bảo dưỡng cần cắt điện thì phải thông báo cho doanh nghiệp, tránh tình trạng cắt điện không báo trước gây bất ngờ cho doanh nghiệp
“Chúng ta đang phát triển những ngành công nghệ cao, trong đó có ngành bán dẫn chỉ có nhu cầu về điện và lao động. Điện là vấn đề cực kỳ quan trọng, nếu không ưu tiên vấn đề này thì khó có thể phát triển công nghệ cao, công tác điều hành của ngành điện phải chú trọng hơn nữa”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh lưu ý.
Đại diện doanh nghiệp nêu ý kiến tại hội nghị |
Hội nghị đã tập trung vào 3 nhóm vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch, cơ chế chính sách phát triển khu, cụm công nghiệp; nhóm các vấn đề liên quan đến giải pháp phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường; nhóm vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp, về lao động, phòng cháy chữa cháy, chính sách miễn giảm thuế, cải cách thủ tục hành chính...
Sẽ theo sát và có những chỉ đạo cụ thể từng vấn đề
Ngay tại hội nghị, ý kiến của các doanh nghiệp đã được lãnh đạo thành phố, đại diện các Sở, ban, ngành, địa phương trả lời trực tiếp, cụ thể.
Liên quan đến việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, vẫn còn rất chậm so với kế hoạch và yêu cầu, do các quy định, thủ tục, giấy phép còn chồng chéo. Các đơn vị cố gắng hết sức tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, rút ngắn 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính, đôn đốc nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục khởi công cụm công nghiệp theo tiến độ đã đăng ký. Sở cũng đã có văn bản gửi các bộ, ngành định hướng tháo gỡ nhưng chưa có câu trả lời thấu đáo.
Giải đáp ý kiến của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thành phố đã giao đất từng đợt đối với những cụm công nghiệp gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện khởi công xây dựng hạ tầng, rút ngắn thời gian đầu tư dự án, sớm đưa vào khai thác…
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, tới đây thành phố chú trọng trong việc quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai,... tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch và các chỉ tiêu, kế hoạch đã ban hành, phát huy hiệu quả cao nhất tiềm năng, lợi thế trong phát triển sản xuất công nghiệp, tạo nền tảng kinh tế - kỹ thuật cho các ngành lĩnh vực khác phát triển đạt mục tiêu chung.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị |
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, nhằm tiếp tục đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn, UBND TP Hà Nội sẽ luôn tìm giải pháp, đồng thời sẵn sàng gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại với doanh nghiệp để tìm các biện pháp tối ưu nhất trong quá trình giải quyết công việc.
Phát biểu bế mạc và chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, hội nghị được tổ chức để lắng nghe, gặp gỡ và tri ân các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã, đang và sẽ đầu tư tại các khu công nghiệp của Hà Nội và Việt Nam. Năm 2023, Hà Nội tăng trưởng 6,3%, quý I năm 2024, tăng 5,5%, trong đó các doanh nghiệp đã đóng góp lớn về thuế, giải quyết việc làm cho lao động.
Thành phố sẽ có trách nhiệm tháo gỡ những vấn đề vướng mắc mà doanh nghiệp đã nêu. Đối với 4 nhóm vấn đề doanh nghiệp nêu, thành phố cam kết sẽ theo sát và có những chỉ đạo cụ thể, phù hợp. Trong đó, với các khu công nghiệp vướng mắc về quy hoạch, thành phố sẽ lắng nghe và tính toán điều chỉnh quy hoạch phù hợp. Thành phố sẽ tính toán để làm sao hiệu quả sử dụng đất cao nhất.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định, về thủ tục hành chính doanh nghiệp phản ánh còn nhiều rào cản từ giao đất, cấp phép xây dựng, nghiệm thu… thì tới đây, thành phố sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành, đơn vị theo quy trình "một cửa", "một cửa liên thông", bảo đảm minh bạch, để các nhà đầu tư hiểu rõ quy trình.