Tin hot

Nghĩa Đàn: Tiêu hủy gần 800 kg bao bì, chai lọ chứa thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng


Hội Nông dân các cấp huyện Nghĩa Đàn đã xây dựng mô hình thu gom rác thải sinh hoạt và vỏ thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng, tạo thuận lợi cho bà con trong việc xử lý rác thải, tích cực bảo vệ đồng ruộng và môi trường nông thôn.

Trên những cánh đồng thường xuất hiện tình trạng bà con nông dân sau khi sử dụng xong các loại thuốc bảo vệ thực vật thường tiện tay ở đâu thì vứt vỏ chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật lại đó. Điều này đã gây ô nhiễm nghiêm trọng đối với đất, nguồn nước sản xuất vì đây là loại rác thải rất độc hại, khó phân hủy hoặc không thể tự phân hủy.

Đông đảo hội viên nông dân và bà con nhân dân xã Nghĩa Đức tham gia thu gom bao bì thuốc BVTV. Ảnh: Minh Thái

Tại xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn, Hội Nông dân xã đã xây dựng điểm mô hình Chi hội Xuân Phong “3 không”: Không có vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng trên đồng ruộng; không đốt rơm rạ sau thu hoạch, thải phụ phẩm nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường; không đổ chất thải chưa xử lý ra môi trường.

Tham gia mô hình này, Chi hội Xuân Phong trang bị 3 thùng rác bằng bê tông kiên cố, có nắp đậy, đảm bảo chống thấm nước. Những thùng rác này được đặt ngoài đồng để nông dân dễ dàng bỏ rác vào. Từ ngày tham gia thực hiện mô hình, chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật sau khi đã sử dụng được nông dân tập hợp lại và cho vào thùng rác tránh gây ô nhiễm.

Qua hơn 2 năm triển khai mô hình thu gom rác thải bảo vệ thực vật, xung quanh đồng ruộng, bà con nông dân trong xã đã thu gom, tiêu hủy gần 800 kg bao bì, chai lọ chứa thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng và hơn 600kg rác thải sinh hoạt, qua tuyên truyền, phát động đã có gần 1.000 hội viên nông dân chủ động hưởng ứng thực hiện.

Hàng tháng Hội Nông dân xã Nghĩa Hưng ra quân thu gom các bao bì BVV trên các xứ đồng. Ảnh: Minh Thái

Định kì hàng tháng, Chi hội Xuân Phong sẽ đến thu gom và chở đi tiêu hủy đảm bảo quy trình. Đã không còn cảnh vỏ chai, bao nhựa thuốc bảo vệ thực vật tràn lan như trước đây và người nông dân đã bắt đầu thấy được hiệu quả của mô hình.

Chị Lê Thị Thảo, xóm Xuân Phong xã Nghĩa Hưng chia sẻ: “Từ khi thực hiện mô hình, chai lọ và bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi đã sử dụng được bà con nông dân thu gom lại và cho vào hố xử lý để tránh gây ô nhiễm, đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh. Hiện trên các cánh đồng đã có sự thay đổi rõ nét, vỏ chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật không còn vứt tràn lan như trước, qua đó nông dân đã bắt đầu thấy được hiệu quả của mô hình ngoài bảo vệ đồng ruộng mà còn bảo vệ sức khỏe cho chính mình, tạo hiệu ứng lan tỏa”.

Còn tại xã Nghĩa Đức, việc xây dựng bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi bảo vệ môi trường của bà con nông dân, tạo thuận lợi cho bà con vứt các loại vỏ thuốc sau khi đã sử dụng, giảm thiểu công sức thu gom của Hội và dễ dàng xử lý sau thu gom. Trong đó khu vực cánh đồng mẫu lớn của xã tại xóm Hữu Lam là nơi được lắp đặt nhiều nhất. Các bể thu gom được thiết kế hình trụ, rộng 80 cm và cao 80 cm, đúc bằng bê tông dày, có đế, được đặt ở ngay các đầu đường nội đồng, nơi thuận tiện nhất cho bà con.

Những bể thu gom này sau khi được lắp đặt tại các xứ đồng trong toàn xã đã được bàn giao lại cho chính những chi hội trưởng từng thôn phụ trách, sau một thời gian sẽ thu gom lại và mang đi chôn lấp tập trung tại khu xử lý rác thải của địa phương.

Sau một thời gian, rác sẽ được thu gom lại và mang đi chôn lấp tập trung. Ảnh: Minh Thái

Ông Nguyễn Văn Tôn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Đức cho biết thêm: “Mô hình đã được bà con hưởng ứng tích cực, ý thức người dân được nâng lên rõ rệt. 100% các hộ nông dân ủng hộ phong trào, đồng ruộng không còn rác thải, ý thức xây dựng cộng đồng của nhân dân được nâng cao. Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân không vứt rác, xác chết súc vật xuống kênh mương và khuyến khích người dân có ý thức thu gom, xử lý các loại vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Nhờ vậy, tình hình vệ sinh môi trường trên cánh đồng của xã đã được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn ngày thêm sạch đẹp.”

Đến thời điểm hiện tại toàn huyện đã xây dựng trên 150 bể chứa, xử lý rác thải từ vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng tại các cánh đồng. Qua đó, góp phần là điểm tựa cho phong trào bảo vệ môi trường phát triển, nhân rộng trong cán bộ, hội viên, nông dân toàn huyện. Đồng thời chỉ đạo, Hội nông dân các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng loạt ra quân nhằm nâng cao nhận thức, hành vi của người dân trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng.

Ông Phan Thế Phương – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghĩa Đàn cho biết thêm: “Phát huy những kết quả đã đạt được trong những năm qua công tác thu gom, gom bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng là một trong những giải pháp để đảm bảo vệ sinh môi trường ở nông thôn cần được duy trì và nhân rộng. Với chính sự tham gia của người nông dân, có thể thấy nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân nâng lên rõ rệt, bà con thay đổi hành vi sống thân thiện với môi trường, hạn chế tình trạng vứt rác thải, vỏ thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, bảo đảm môi trường sạch đẹp. Qua đó khẳng định được vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội Nông dân trong việc chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng đô thị văn minh ở địa phương.”

Bà con nông dân Nghĩa Đàn tích cực tham gia bảo vệ môi trường. Ảnh: Minh Thái

Những việc làm thiết thực, những hiệu quả như trên đem lại có ý nghĩa rất lớn, có sức lan tỏa mạnh, tạo hiệu ứng sâu rộng, giúp xây dựng làng xanh, ngõ sạch, đường đẹp và góp phần đảm bảo tiêu chí về môi trường trong công tác xây dựng nông thôn mới./.

Tags: Nghệ An
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm chúng tôi