Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tại Hội nghị giao ban công tác quý 1, tổng kết kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Quý Mão 2023 diễn ra ngày 11/5 cho thấy, trong quý 1 năm 2023, các lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý 28.028 vụ việc vi phạm; Thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 3.387 tỷ đồng (tăng 76,66% so với cùng kỳ năm 2022); khởi tố hình sự 278 vụ với 679 đối tượng.
Riêng TP Hà Nội trong 4 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 5.113 vụ vi phạm. Tổng số tiền phạt hành chính là 817,77 tỷ đồng. Khởi tố 9 vụ đối với 11 đối tượng.
Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Lê Thanh Hải cho biết, để qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng vi phạm thường không khai báo, khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa, che giấu nguồn gốc lô hàng hoặc nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Để cất giấu hàng lậu, các đối tượng gia cố hầm chứa, khoang chứa bên trong phương tiện vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu. Đáng chú ý, các đối tượng thuê người dân ở khu vực biên giới vận chuyển trái phép hàng hóa; Sử dụng trang thiết bị hiện đại, trang bị vũ khí nóng để chống trả lực lượng chức năng khi bị bắt giữ.
Đồng tình với phản ánh này, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh thông tin, tại thị trường nội địa, lợi dụng hoạt động quảng cáo, giới thiệu sản phẩm qua sàn thương mại điện tử, mua sắm online qua mạng xã hội, các đối tượng trà trộn hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng… để mua bán, kinh doanh.
Tại chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa… các đối tượng trà trộn, bày bán công khai hàng thật, hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng. Lợi dụng hoạt động của doanh nghiệp, các đối tượng tổ chức phát hành, mua bán trái phép hóa đơn để chiếm đoạt tiền.
Xây dựng phương thức chống hàng lậu phù hợp thực tế
Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, hiện tình hình dịch Covid-19 có chiều hướng phức tạp trở lại, đồng thời nhu cầu mua sắm hàng hóa bằng hình thức online, chuyển phát nhanh... ngày càng tăng, các đối tượng sẽ lợi dụng tình hình trên để buôn lậu, gian lận thương mại với phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.
Về quy định trách nhiệm đối với từng đơn vị, địa phương, còn nhiều quy định chồng chéo giữa các lực lượng chức năng. Vì vậy yêu cầu trong vòng 10 ngày (tính từ 11/5), đơn vị, địa phương cần rà soát lại các văn bản pháp luật, nêu đề xuất kiến nghị cụ thể, gửi lại cho Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia để tổng hợp và báo cáo Chính phủ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang
Để ứng phó, ngăn chặn kịp thời Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả phù hợp diễn biến tình hình địa bàn và yêu cầu nhiệm vụ.
Áp dụng, mở rộng phạm vi ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Để ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề xuất, lực lượng hải quan sân bay cần tập trung thu thập thông tin, chủ động trong nắm bắt đối tượng, chuyến bay, phương thức thủ đoạn hoạt động, xây dựng phương án điều tra, xác minh, đấu tranh, ngăn chặn các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Đồng thời lực lượng chức năng cần tăng cường phối hợp trao đổi, chia sẻ thông tin về các thủ đoạn, qua đó nâng cao kỹ năng phát hiện và đấu tranh với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Đồng tình với ý kiến này, đại diện Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cho biết, tình hình chuyển ngoại tệ trái phép ra nước ngoài còn rất phức tạp. Một số đường dây lớn được phát hiện, bóc tách nhưng lại "mọc" thêm những đường dây khác với thủ đoạn tinh vi hơn như lợi dụng hợp đồng ngoại thương, chuyển tiền qua ngân hàng… gây "chảy máu ngoại tệ". “Để ngăn chặn hiện tượng này đòi hỏi các bộ ngành cần rà soát lại quy trình, trách nhiệm của các đơn vị” - vị đại diện kiến nghị.
Trước những kiến nghị của các địa phương, lực lượng chức năng, phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ, việc chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có những vướng mắc mang tính đặc thù. Đó là lợi ích trước mắt lớn, là nguyên nhân thôi thúc cán bộ thực thi có hành vi vi phạm pháp luật; người tiêu dùng tìm đến những mặt hàng giá rẻ đã vô tình tiếp tay cho những hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…
Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước còn chưa đáp ứng được nhu cầu và trước sự gia tăng phức tạp cũng như khó khăn trong bối cảnh hiện nay. Điều này đòi hỏi các đơn vị, địa phương cần nỗ lực, triển khai công việc tích cực, hiệu quả hơn nữa.
Phó Thủ tướng yêu cầu, người đứng đầu theo chức trách, nhiệm vụ được giao tuyệt đối không được tiếp tay, bao che cho những hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời có biện pháp quản lý nghiêm cấp dưới, tránh tuyệt đối những hoạt động liên quan đến lợi ích, cám dỗ vật chất. Các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ cần tiếp tục trau dồi nghiệp vụ để phù hợp xu thế hiện nay, có sự phối hợp hiệu quả hơn giữa các lực lượng.