Sinh năm 1969 tại một vùng quê nghèo ở Hà Nội, từ nhỏ chị Đào Thị Nhật đã phải đối mặt với nhiều thử thách. Mang trong mình dị tật bẩm sinh, khiến cuộc sống trở nên đặc biệt khó khăn, tuổi thơ của chị là chuỗi ngày đấu tranh không ngừng nghỉ với bệnh tật.
Những năm tháng đầu đời, chị Nhật từng thu mình vì sự tự ti trước ánh mắt và lời nói của mọi người xung quanh. Việc đến trường cũng là một hành trình đầy gian nan bởi sự kỳ thị từ bạn bè và cộng đồng.
Chị Nhật mang đến chương trình "Trạm yêu thương" những sản phẩm thủ công khéo léo |
Có những lúc, chị phải đối mặt với quyết định cưa chân để chữa trị nhưng ca phẫu thuật bất thành vì biến chứng trong quá trình thực hiện. Mặc dù vậy, chị Nhật vẫn không đầu hàng trước số phận. Là chị cả trong gia đình có 5 chị em, chị Nhật ý thức được rằng mình phải gánh vác nhiều trách nhiệm cùng bố mẹ chăm sóc các em.
Chính nghị lực sống cùng với sự động viên từ gia đình và những người thân yêu đã giúp chị vượt qua cảm giác cô đơn, tự ti. Chị nhận ra rằng, dù khác biệt, nhưng chỉ cần cố gắng tạo ra giá trị, mình vẫn có thể tỏa sáng.
Vốn là một người sáng tạo với đôi bàn tay khéo léo và niềm yêu thích đặc biệt với những công việc thủ công, chị Nhật bắt đầu tìm tòi từ những nguyên liệu đơn giản nhất có sẵn trong thiên nhiên như quả thông, bông lau… để tạo ra các sản phẩm thủ công đầu tiên. Nhờ sự chỉn chu, chăm chỉ, chị Nhật đã được nhiều người ủng hộ và tìm mua các món đồ thủ công mỹ nghệ tại các lễ hội, chợ phiên.
Chị Nhật kể về hành trình vượt lên số phận của mình |
Những món đồ nhỏ xinh ấy không chỉ mang lại thu nhập mà còn giúp chị khẳng định giá trị của bản thân. Đây chính là dấu mốc đầu tiên trong hành trình tìm kiếm một nghề nghiệp ổn định, giúp chị có thể tự trang trải và giúp đỡ những người xung quanh.
Bước ngoặt lớn của cuộc đời chị Nhật là khi chị cùng một số người bạn khuyết tật khác sáng lập ra Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ. Đây là một mô hình hợp tác xã giúp tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người chung cảnh ngộ, đồng thời cung cấp cơ hội học nghề và phát triển kỹ năng sống. Bản thân chị Nhật là một trong những thành viên sáng lập đầu tiên và tham gia trực tiếp vào công việc giảng dạy.
Công việc này không chỉ giúp chị có thêm thu nhập mà còn mang lại nhiều niềm vui. Được sống trong một môi trường đầy yêu thương và đồng cảm, chị Nhật đã không còn cảm thấy cô đơn như trước, trở thành một người truyền cảm hứng mạnh mẽ, không chỉ trong cộng đồng người khuyết tật mà còn cho tất cả những ai cần sự động viên, chia sẻ.
Dù đã vượt qua rất nhiều khó khăn và thử thách, Đào Thị Nhật vẫn tiếp tục hành trình của mình với niềm tin rằng cuộc sống sẽ luôn có những thử thách mới. Với chị, điều quan trọng không phải là có thể làm được tất cả mọi thứ, mà là luôn lạc quan, kiên trì trong công việc và cuộc sống.
Các chị em trong Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ |
Chị Nhật chia sẻ: “Cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng tôi luôn tin rằng, chỉ cần mình không bỏ cuộc, ngày mới sẽ luôn đến. Tôi muốn được cho đi nhiều hơn nữa, chia sẻ những điều tốt đẹp với những người xung quanh”. Món quà của “Trạm yêu thương” trao tặng sẽ phần nào giúp đỡ chị Nhật thêm vững bước trên hành trình cho đi những niềm vui của mình.
Tham gia chương trình “Trạm yêu thương” phát sóng 10h thứ Bảy ngày 23/11 trên VTV1, chị Đào Thị Nhật chia sẻ câu chuyện đầy cảm hứng về sự kiên cường và yêu thương, là nguồn động lực lớn cho những ai đang phải đối mặt với khó khăn trong cuộc sống.
Những giá trị mà chị Nhật mang lại không chỉ dừng lại ở công việc, mà còn là một thông điệp mạnh mẽ về tình yêu thương và sự sẻ chia. Câu chuyện của chị là minh chứng cho việc mỗi người đều có thể vượt qua khó khăn, dù là bao nhiêu thử thách, chỉ cần có nghị lực và niềm tin.