Tin hot

Phát triển chuỗi giá trị toàn cầu sau đại dịch: Giải pháp biến thách thức thành cơ hội


Chuỗi giá trị toàn cầu chưa thể bình thường trở lại sau tác động Covid-19, để “khơi thông” dòng chảy thương mại, các quốc gia cần biến thách thức thành cơ hội.

Chỉ 2% doanh nghiệp có sự chuẩn bị ứng phó với Covid-19

Nội dung được rất nhiều đại biểu quan tâm, bàn thảo tại Hội thảo APEC về cơ hội và thách thức đối với chuỗi giá trị toàn cầu trong đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch do Bộ Công Thương tổ chức vào ngày 13-14/10 là: Làm thế nào để các quốc gia trong khu vực APEC biến thách thức thành cơ hội trong phát triển chuỗi giá trị toàn cầu, trong bối cảnh chuỗi giá trị này vừa chịu tác động mạnh từ đại dịch Covid-19 và chưa thể phục hồi trong ngắn hạn?

Phát triển chuỗi giá trị toàn cầu sau đại dịch: Giải pháp biến thách thức thành cơ hội

Dịch Covid-19 được đánh giá đã tác động mạnh đến chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo ông Jason Bernstein - Giám đốc phụ trách Ban quan hệ toàn cầu tại Hội đồng Hoá chất Hoa Kỳ: Covid-19 và tác động của những đợt phong toả để phòng, chống dịch đã mang lại nhiều thách thức cho nền kinh tế, chuỗi cung ứng toàn cầu và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Cũng theo ông Jason Bernstein: "Theo một cuộc khảo sát được tiến hành mới đây, chỉ có 2% doanh nghiệp trên thế giới có sự chuẩn bị nào đó để ứng phó với dịch Covid-19, nên những tác động Covid-19 mang lại ngoài dự đoán của mọi người, của các doanh nghiệp, nên nó gây tác động nặng nề với khu vực doanh nghiệp cũng như nền kinh tế".

Đặc biệt hơn, theo ông Jason Bernstein, ngoài Covid-19, còn có thêm những yếu tố khác ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu như: Bất ổn chính trị tại một số quốc gia trên thế giới dẫn đến năng lượng khan hiếm tại nhiều quốc gia, cùng với đó là áp lực lạm phát, cơ chế chính sách và biến đổi khí hậu… đã tác động đến các nền kinh tế và các chuỗi cung ứng.

Trong khi đó, theo ông Faizai Safa - Đại diện Uỷ ban Công nghiệp 4.0 (Indonesia): Dịch Covid-19 đã khiến cho nhiều loại hàng hoá không thể phân phối được trực tiếp như trước mà phải thông qua các nền tảng số, cùng với đó là thói quen tiêu dùng của khách hàng cũng thay đổi, họ mua bán dựa vào các nền tảng công nghệ nhiều hơn. Các doanh nghiệp có nền tảng công nghệ tốt chỉ có thể ngồi ở văn phòng cũng có thể dễ dàng phân phối sản phẩm đến tay khách hàng cuối cùng.

Theo đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu không có sự thay đổi về công nghệ, thay đổi cách tiếp cận khách hàng mà vẫn giữ nguyên phương thức sản xuất và phân phối truyền thống, doanh nghiệp trên thế giới nói chung và khu vực APEC nói riêng chẳng những không giữ được mà còn mất khách hàng cũ, chưa nói đến mở rộng thị trường với những khách hàng mới.

Phát triển chuỗi giá trị toàn cầu sau đại dịch: Giải pháp biến thách thức thành cơ hội
Phát triển chuỗi cung ứng APEC bền vững sẽ thúc đẩy nền kinh tế APEC trong thời gian tới

Dự báo khó khăn, cần sự ứng phó linh hoạt

Mặc dù thách thức Covid-19 đã khiến cho các quốc gia tạo ra những nền tảng thương mại điện tử nhiều hơn, hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng trực tuyến. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng rất nỗ lực trong việc chuyển đổi số, áp dụng công nghệ vào sản xuất và phân phối hàng hoá, ở cấp Chính phủ, nhiều quốc gia cũng tập trung chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tiếp cận thị trường và khách hàng.

Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia, chuỗi cung ứng toàn cầu chưa thể “khơi thông” hoàn toàn, nhất là trong bối cảnh giá năng lượng trên thế giới tăng cao đã tác động đến tăng giá một số mặt hàng, tăng giá dịch vụ logictisc (tăng khoảng 25%) so với trước thời điểm dịch bệnh, ảnh hưởng đến dòng chảy lưu thông hàng hoá.

Chưa kể, theo ông Jason Bernstein, một số quốc gia trên thế giới hiện nay cũng áp dụng những tiêu chuẩn mới đối với hàng hoá nhập khẩu. Điển hình như tại Hoa Kỳ, quốc gia này vừa thông qua quy định mới không sử dụng lao động cưỡng bức trẻ em, đòi hỏi bất cứ sản phẩm nào cũng được đánh giá hoặc kiểm tra xem có sử dụng lao động trẻ em cưỡng bức không. Nếu có, sẽ nhất quyết không được tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Bên cạnh Hoa Kỳ, những quy định tương tự như vậy tại nhiều quốc gia trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến sự vận hành của chuỗi cung ứng trong thời gian tới” - ông Jason Bernstein khẳng định.

Đứng trước những khó khăn trên, để đảm bảo dòng chảy thông suốt của chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Luciano Cuervo - Cố vấn kinh tế cấp cao tại Chuỗi cung ứng toàn cầu Chile cho rằng: Các quốc gia cần phải tập trung hỗ trợ khu vực doanh nghiệp chuyển đổi số và thay đổi mô hình kinh doanh, nhất là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bởi đây là khu vực đóng góp đến 80% động lực tăng trưởng. Cùng với đó, cần có các chính sách khuyến khích thế hệ Gen Z vào hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp, bởi đây là thế hệ giỏi về công nghệ và có thể tiếp cận nhanh với những thay đổi về nhu cầu tiêu dùng.

Trong khi đó, đối với khu vực doanh nghiệp, ông Luciano Cuervo cho rằng, cần thực hiện sản xuất một cách tiết kiệm hơn, sắp xếp lại cấu trúc chi phí và nâng cao năng suất, xây dựng công ty dựa vào nền tảng số.

Bên cạnh chuyển đổi số, theo các chuyên gia kinh tế, để phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu một cách bền vững, các quốc gia trong khu vực APEC cũng cần giảm thiểu các rào cản thương mại thuế quan và phi thuế quan tại các cửa khẩu.

Vì trên thực tế hiện nay, nhiều quốc gia đang áp dụng rất nhiều các thủ tục tại các cửa khẩu, làm ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông hàng hoá của doanh nghiệp. Trong khi đó, đối với hoạt động xuất nhập khẩu thì việc “ách tắc” ở cửa khẩu một ngày khác hoàn toàn so với một vài ngày. Theo đó, giảm thiểu các thủ tục tại cửa khẩu, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp lưu thông hàng hoá lại chính là cơ hội để khơi thông chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là giải pháp để thúc đẩy chuỗi cung ứng APEC và thúc đẩy nền kinh tế APEC trong thời gian tới.

Bà Phạm Quỳnh Mai - Quan chức cấp cao Việt Nam tham gia APEC: Để vượt qua thách thức gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, các quốc gia cần tạo ra những mạng lưới sản xuất linh hoạt hơn, đồng thời tái cơ cấu nền kinh tế để thúc đẩy giá trị cho chuỗi cung ứng thông qua các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với khu vực doanh nghiệp.
 
Tìm kiếm chúng tôi