Tin hot

Sáp nhập tỉnh Thái Nguyên - Bắc Kạn: Hợp lực để bứt phá


Sáp nhập tỉnh Thái Nguyên - Bắc Kạn sẽ tạo không gian phát triển, để tỉnh Thái Nguyên mới có động lực để bứt phá, phát triển vững chắc hơn về mọi mặt...

Cực tăng trưởng mới kết nối miền núi phía Bắc với đồng bằng Bắc Bộ

HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 vừa tổ chức Kỳ họp thứ 28 để xem xét, thông qua các Nghị quyết mang tính chiến lược, tác động sâu rộng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; trong đó có việc xem xét chủ trương sáp nhập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên, cũng như sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Đề án sáp nhập, hợp nhất tỉnh Thái Nguyên với tỉnh Bắc Kạn đã nhận được đồng thuận, nhất trí rất cao của tuyệt đại đa số cử tri và nhân dân.

Dự kiến sau sáp nhập, tỉnh Thái Nguyên có diện tích trên 8.300 km2 (gấp 2,4 lần tỉnh Thái Nguyên hiện tại), với dân số trên 1,68 triệu người (tăng thêm trên 365 nghìn người), kết hợp được thế mạnh công nghiệp - đô thị - giáo dục, đào tạo - tiềm lực kinh tế sẵn có của tỉnh Thái Nguyên và tiềm năng tài nguyên sinh thái, lâm nghiệp, du lịch, khoáng sản của tỉnh Bắc Kạn.

Sáp nhập tỉnh Thái Nguyên - Bắc Kạn: Hợp lực để bứt phá
Sáp nhập Bắc Kạn với Thái Nguyên sẽ giúp mở rộng không gian kinh tế, tạo ra một vùng có quy mô dân số và diện tích lớn hơn, thuận lợi cho việc quy hoạch phát triển tổng thể. Ảnh: Quốc Tùng

Liên quan đến đề án sáp nhập tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn cũng như việc sắp xếp lại bộ máy hành chính tới đây, chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Tạ Đình Dũng - Chi cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên - ủng hộ chủ trương của Trung ương trong việc sáp nhập tỉnh.

Ông Tạ Đình Dũng cho biết, việc sáp nhập sẽ giảm và tinh gọn chính quyền các cấp, đồng nghĩa với việc tái cơ cấu hành chính có thể giúp giảm chi phí quản lý, đồng thời tăng cường năng lực quản trị kinh tế cấp tỉnh.

Phân tích cụ thể, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Thái Nguyên cho rằng, nếu sáp nhập Bắc Kạn với Thái Nguyên sẽ giúp mở rộng không gian kinh tế, tạo ra một vùng có quy mô dân số và diện tích lớn hơn, thuận lợi cho việc quy hoạch phát triển tổng thể.

“Tỉnh mới có thể tạo ra một số động lực phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn nhờ vào việc tận dụng lợi thế so sánh, tăng cường liên kết vùng và tối ưu hóa nguồn lực, như tận dụng trung tâm công nghiệp của Thái Nguyên, phát triển du lịch và du lịch sinh thái - nông lâm sản sạch (hồ Ba Bể, hồ Núi Cốc…), tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao (từ các trường đại học tại Thái Nguyên) để đẩy mạnh, phát triển giáo dục, thu hút nhân tài” - ông Tạ Đình Dũng chia sẻ.

Đưa ra quan điểm vì sao lại chọn tên tỉnh Thái Nguyên cho tỉnh mới, ông Tạ Đình Dũng cho rằng, tỉnh Thái Nguyên hiện nay có quy mô kinh tế GRDP năm 2024 đạt trên 165 nghìn tỷ đồng (≈6,534 tỷ USD), đứng thứ 2/14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, thu ngân sách đạt trên 20.400 tỷ đồng, nằm trong top 20 của cả nước.

Đặc biệt, Thái Nguyên là trung tâm công nghiệp lớn, với các khu công nghiệp lớn như: Khu công nghiệp Yên Bình, Điềm Thụy, Sông Công I, Sông Công II... thu hút trên 220 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký gần 12 tỷ USD, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động và nguồn thu ngân sách ổn định, sẽ đóng vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng, phát triển của tỉnh mới.

Không những vậy, thành phố Thái Nguyên hiện nay có vị trí trung tâm trong vùng trung du và miền núi phía Bắc, là cửa ngõ kết nối miền núi phía Bắc với đồng bằng Bắc Bộ, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 75km và có hạ tầng giao thông phát triển với tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và cao tốc nối tiếp Chợ Mới - thành phố Bắc Kạn sẽ hoàn thành giai đoạn 2025-2030.

Do vậy, việc kết nối giữa thành phố Thái Nguyên, thành phố Bắc Kạn và các địa bàn trong tỉnh sẽ thuận lợi hơn, giúp toàn tỉnh mới có sự kết nối thông suốt.

Thay đổi mô hình không đổi nhiệm vụ

Liên quan đến công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong giai đoạn mới, ông Tạ Đình Dũng cho biết, khi sáp nhập tỉnh, quy mô kinh tế địa phương lớn hơn cùng phạm vi địa bàn rộng hơn do đó trách nhiệm của lực lượng Quản lý thị trường của tỉnh mới sẽ nặng nề hơn.

Sáp nhập tỉnh Thái Nguyên - Bắc Kạn: Hợp lực để bứt phá
Ông Tạ Đình Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Thái Nguyên - chia sẻ về chủ trương sáp nhập tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên

Với tinh thần “không vùng cấm, không ngoại lệ” mỗi công chức, người lao động trong lực lượng Quản lý thị trường cần tiếp tục phát triển, rèn luyện bản thân, nâng cao ý thức trách nhiệm.

“Phải xác định công việc sẽ có những thay đổi, nhưng dù là ai, có làm ở đâu thì vẫn giữ vững tinh thần ý thức trách nhiệm trong công việc để tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng, chủ công trong công tác phòng, chống hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại” - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Thái Nguyên Tạ Đình Dũng nhận định.

Giai đoạn mới, bối cảnh mới, song ông Tạ Đình Dũng cho rằng, thay đổi mô hình, không thay đổi nhiệm vụ, nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng quản lý thị trường Thái Nguyên giai đoạn tới vẫn là chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường diễn biến phức tạp như hiện nay, quản lý thị trường Thái Nguyên xác định các nhiệm vụ trọng tâm đó là: Tăng cường và kiểm soát chặt chẽ thị trường thương mại điện tử; tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý và hoạt động nghiệp vụ; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật.

Chi cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên tin rằng, với diện tích và dân số lớn hơn, không gian phát triển mở rộng hơn, lực lượng lao động nhiều hơn, hạ tầng kết nối đồng bộ hơn, bộ máy tinh gọn, hiệu lực hơn, phát huy được lợi thế tốt hơn của từng địa phương, tỉnh Thái Nguyên mới chắc chắn sẽ phát triển nhanh hơn, vững chắc hơn về mọi mặt, hướng tới mục tiêu nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Việc sắp xếp, hợp nhất 2 tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên giúp kiến tạo, hình thành không gian phát triển mới. Dự kiến sau sáp nhập, tỉnh Thái Nguyên có diện tích trên 8.300 km2 (gấp 2,4 lần tỉnh Thái Nguyên hiện tại), với dân số trên 1,68 triệu người (tăng thêm trên 365 nghìn người), kết hợp được thế mạnh công nghiệp - đô thị - giáo dục, đào tạo - tiềm lực kinh tế sẵn có của tỉnh Thái Nguyên và tiềm năng tài nguyên sinh thái, lâm nghiệp, du lịch, khoáng sản của tỉnh Bắc Kạn.

 
Tác giả: Hoàng Hòa
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm chúng tôi