Tin hot

Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm phân hữu cơ


Thuận Châu là địa phương có nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp lớn, một số hộ dân đã tái sử dụng làm phân bón hữu cơ, nuôi trùn quế làm thức ăn cho gia súc, gia cầm… mang lại lợi ích kép, giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao thu nhập, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Gia đình ông Quàng Văn Hinh, bản Nà Lạn, xã Tông Lạnh, tiên phong sản xuất phân bón hữu cơ lớn nhất huyện. Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại, ông Hinh chia sẻ: Năm 2019, gia đình trồng 2 ha thanh long, vườn cây dùng nhiều phân vô cơ khiến đất chai cứng, thoái hóa. Tôi đi học hỏi kinh nghiệm các nơi, thấy dùng vỏ cà phê ủ thành phân hữu cơ bón cho cây, phát triển sinh trưởng tốt. Tôi mua hơn 3.000 khối vỏ cà phê và ủ lên men tạo phân hoai mục, bón cây trồng và cung ứng phân hữu cơ cho các nhà vườn có nhu cầu làm nông nghiệp sạch ở Hà Nội, giá trung bình từ 4.000- 7.000 đồng/kg, trừ chi phí thu về hơn 1 tỷ đồng.

Đầu năm 2022, gia đình ông Hinh còn liên kết với HTX Nông nghiệp Sơn La, tiểu khu 19/5, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn sản xuất phân hữu cơ từ phân chuồng. Được hỗ trợ kỹ thuật, giống, men vi sinh, chế phẩm và đầu ra, ông Hinh đã chủ động thu gom phân trâu, bò các xã trên địa bàn huyện với 2.000 khối về sản xuất phân hữu cơ và nuôi trùn quế với diện tích 1.000m2. Sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp, trừ chi phí gia đình ông Hinh thu về hơn 2,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho 10 lao động địa phương, giúp bà con nuôi trâu, bò có thu nhập từ bán phế phụ phẩm, giảm ô nhiễm môi trường.


Vỏ cà phê được ủ hoai mục đóng gói thành bao phân bán ra thị trường.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã mở các lớp tập huấn, hướng dẫn cách ủ phân hữu cơ vi sinh tại nhà cho nông dân tại các xã, nhất là các xã phấn đấu xây dựng nông thôn mới. Qua đó, nhiều hộ dân đã biết tận dụng nguồn phân thải trong chăn nuôi để ủ thành phân hữu cơ vi sinh, nuôi trùn quế, tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi, bón cho cây trồng tươi tốt, an toàn mà không phải lo lắng khi có thời điểm giá phân bón tăng cao và khan hiếm.


Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thướng dẫn nông dân kỹ thuật ủ phân hữu cơ.

Anh Lường Văn Thương, bản Cọ, xã Tông Cọ, nói: Nhờ được tập huấn và được tặng gói men vi sinh đem về ủ với phân bò đến khi phân hoai mục để bón cho cây trồng; phân chuồng sau khi ủ giúp cải tạo đất rất tốt, nhờ vậy 5.000m2 cam, xoài xen cà phê của gia đình phát triển xanh tốt, tiết kiệm đến 50% chi phí so với dùng phân bón hóa học.

 Còn anh Lò Văn Phước, bản Nà Hem, xã É Tòng, cho hay: Gia đình tôi nuôi 500 con gà đen, thức ăn cho gà phụ thuộc vào cám công nghiệp, ngô. Được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn, tôi đã nuôi trùn quế bằng chính phân gà, phân bò để làm thức ăn cho gà, tạo thành vòng tròn khép kín, vừa tận dụng được chất thải, vừa đảm bảo yếu tố môi trường. Gà ăn giun quế, vừa là thức ăn tự nhiên, giàu chất dinh dưỡng, nhanh lớn, thịt chắc, thơm ngon và sạch nên được thị trường ưa chuộng. Trong dịp tết vừa qua, gia đình tôi thu về 30 triệu đồng tiền bán gà.

Tận dụng phế, phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp đang là giải pháp hiệu quả mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, vừa sử dụng phân bón hữu cơ, vừa tiết kiệm hàng chục triệu đồng chi phí mua phân bón; vườn cây sử dụng phân bón hữu cơ đất được cải tạo, cây phát triển tốt, ít sâu bệnh, góp phần vào quá trình sản xuất an toàn và bảo vệ môi trường. 


Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn nông dân cách nuôi trùn quế tại nhà tạo thức ăn cho gia cầm.

Huyện Thuận Châu đang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn mở lớp tập huấn sử dụng chế phẩm sinh học và sản xuất phân bón hữu cơ, từng bước nâng cao nhận thức của người dân trong việc tận dụng phế phụ nông nghiệp làm phân bón hữu cơ trong sản xuất, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, xây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn, xanh, bền vững, giảm thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, góp phần đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Theo https://baosonla.org.vn/

Nguồn:congnghiepsinhhocvietnam.com.vn Copy link
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm chúng tôi