Tin hot

Thách thức lớn của ngành điều tại vị trí số 1 thế giới


Đứng ở vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu điều nhân, ngành điều Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, có nguy cơ đe dọa vị trí dẫn đầu đang nắm giữ trong nhiều năm qua.

Đối tác thành... đối thủ

Năm 2022, ngành điều đặt mục tiêu xuất khẩu 3,8 tỷ USD điều nhân, tăng 3,9% so với năm 2021. Mục tiêu này được đưa ra dựa trên những kết quả khả quan đã đạt được trong năm 2021. Theo đó, vượt qua những khó khăn, thách thức của dịch Covid-19, ngành điều vẫn duy trì mức tăng trưởng 14% so với năm 2020 với kim ngạch trên 3,6 tỷ USD. Kết quả này giúp Việt Nam giữ vững vị trí số 1 về xuất khẩu nhân điều, chiếm 80% tổng sản lượng nhân điều xuất khẩu toàn cầu. Trong đó, tại các thị trường trọng điểm trên thế giới, hạt điều Việt Nam đều giữ thị phần vượt trội, như tại Mỹ và Trung Quốc đạt thị phần 90%, Hà Lan đạt 80%, Đức 60%...

Giữ vị trí số 1 thế giới, nhưng Việt Nam mới chỉ tham gia 18% trong chuỗi giá trị ngành điều.  Ảnh: N.H
Giữ vị trí số 1 thế giới, nhưng Việt Nam mới chỉ tham gia 18% trong chuỗi giá trị ngành điều. Ảnh: N.H

Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Họa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đánh giá, việc Việt Nam tiếp tục nhập khẩu lượng lớn điều nhân sơ chế từ các quốc gia châu Phi tiếp tục cho thấy sự lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Lo ngại này càng lớn hơn khi trong những năm gần đây, những đối tác cung cấp điều thô này của Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư vào chế biến và xuất khẩu nhân điều trực tiếp đi châu Âu do lợi thế về vị trí địa lý. Các nước châu Phi còn đánh thuế 5% đối với điều thô xuất khẩu. Điều này đã dẫn tới tình trạng một số DN tăng nhập khẩu điều nhân sơ chế từ châu Phi, thay vì điều thô.

Ông Họa cho biết, năm 2021, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 88.000 tấn điều nhân sơ chế từ châu Phi, tăng rất mạnh từ mức chỉ hơn 30.000 tấn nhập khẩu trong năm 2020. Đáng chú ý, loại điều này mới chỉ được bóc vỏ cứng, chưa bóc vỏ lụa, nhập khẩu về để lấy C/O Việt Nam. Do kỹ thuật chế biến không bằng Việt Nam, nên loại hàng này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng điều nhân xuất khẩu nói chung.

Hiện các nước châu Phi đều khuyến khích xuất khẩu điều nhân sơ chế bằng cách đưa ra chính sách trợ cấp vài trăm USD mỗi tấn. Thêm vào đó, việc nhập khẩu mặt hàng này sẽ giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển, do 5 container điều thô mới chế biến ra được 1 container điều nhân. Tuy nhiên, theo ông Họa, nếu tiếp tục nhập khẩu điều nhân sơ chế với tốc độ tăng trưởng cao như hiện nay sẽ tạo môi trường tốt cho việc phát triển hoạt động chế biến điều tại châu Phi và tiến tới cạnh tranh trực tiếp với điều nhân Việt Nam.

Một thách thức nữa đặt ra đối với ngành điều Việt Nam chính là việc dù giữ vị trí số 1 về xuất khẩu nhân điều, nhưng giá trị gia tăng hiện vẫn ở mức thấp. Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, các chuyên gia quốc tế đánh giá Việt Nam mới chỉ tham gia 18% chuỗi giá trị điều thế giới. Trong khi những phân khúc có giá trị cao như chế biến thành phẩm, phân phối… ước tính chiếm tới 60% giá thành thì chưa phải lợi thế của DN Việt Nam. Bên cạnh đó, việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu cũng đặt ra thách thức về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là điều các DN cần hết sức lưu ý vì để đưa được hàng vào các thị trường lớn và đạt được giá thành tốt thì sản phẩm cần phải được kiểm soát tốt dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật…

Tăng chất và tăng giá

Đánh giá về năm 2022, các DN điều cho biết, sau khi đạt kết quả ấn tượng trong bối cảnh dịch Covid-19, xuất khẩu điều năm 2022 sẽ khó có thể duy trì được mức tăng trưởng như năm 2021. Theo đó, trước những lo ngại về sự đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh, các nhà nhập khẩu tại Mỹ, châu Âu đã đẩy mạnh nhập khẩu và hiện lượng tồn kho vẫn còn khá lớn. Nhưng hiện tại tình hình đã ổn định trở lại, yếu tố hỗ trợ như năm 2021 không còn nữa, nên dự kiến giá điều nhân sẽ không được tốt như năm 2021.

Bên cạnh đó, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine cũng đang đặt ra thách thức lớn cho các DN. Ông Tạ Quang Huyên, Tổng giám đốc Công ty Hoàng Sơn 1 cho biết, một số nhà nhập khẩu của Hoàng Sơn 1 đã yêu cầu ngừng giao hàng do đồng rúp mất giá khiến họ gặp khó khăn trong việc thanh toán. Thêm vào đó, việc các nước phương Tây cấm vận ngân hàng của Nga khiến cho việc thanh toán càng khó khăn hơn… Do đó, hiện DN đang rất thận trong trong việc sản xuất và kinh doanh để tránh các rủi ro có thể xảy ra.

Nhìn dài hạn hơn về tương lai của ngành điều, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan lưu ý ngành điều cần chủ động thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh, trong đó tập trung mạnh mẽ vào việc nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm hạt điều. “Ngành điều có thể mở một cuộc thi phát triển sản phẩm mới, dù phải 5-10 năm nữa mới có thể thu về thành quả. Cần có cách nhìn mới để nâng cao giá trị của hạt điều cũng như có thể kết hợp hạt điều với những thực phẩm khác để cùng bổ trợ, nâng cao giá trị lẫn nhau” – ông Lê Minh Hoan gợi ý.

Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Vinacas cũng cho biết, mục tiêu chiến lược của ngành điều trong năm 2022 sẽ tiếp tục là “Giữ ổn định về lượng, tăng chất và tăng giá”. Trong đó, ngành điều sẽ tập trung phát triển mạnh chế biến sâu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường; giành vị trí xứng đáng trong chuỗi giá trị điều toàn cầu, đồng thời phát triển thị trường trong nước. Bên cạnh đó, sẽ phát triển mạnh vùng nguyên liệu theo hướng chất lượng, hiệu quả, vừa tạo thế chủ động về nguồn nguyên liệu chất lượng cho chế biến, vừa góp phần thực hiện thành công chính sách tam nông của Nhà nước.

Vinacas cũng đề xuất Chính phủ cần sớm ban hành chính sách hạn chế nhập khẩu điều nhân sơ chế (nhân điều còn vỏ lụa và nhân trắng), đồng thời ngăn chặn việc chuyển giao công nghệ - thiết bị chế biến điều ra nước ngoài, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, giải pháp hữu ích quy trình công nghệ, thiết bị chế biến điều, đề xuất áp thuế xuất khẩu máy móc, thiết bị chế biến điều. Chất lượng điều thô nhập khẩu cũng cần được kiểm soát thông qua việc hoàn thiện tiêu chuẩn TCVN về hạt điều thô và định mức nguyên liệu nhập khẩu. Vinacas cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất với Nhà nước những giải pháp, chính sách để kiểm soát nhập khẩu nguyên liệu có tỷ lệ nhân thu hồi thấp…

Ông Vũ Bá Phú cũng cho rằng, để khẳng định vị thế của ngành điều Việt Nam, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Vinacas cần có sự phối hợp chặt chẽ để tạo sự liên kết, hỗ trợ DN đạt các chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường… Bên cạnh đó, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần làm việc chặt chẽ với Vinacas để cập nhật tình hình thị trường, kết nối DN tới tay người bán lẻ, kết nối các DN với nhau để cùng phát triển thị trường…, qua đó giúp Việt Nam khai thác được giá trị lớn hơn thay vì chỉ dừng lại ở mức 18% trong chuỗi giá trị ngành điều như hiện nay.

Năm 2021, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 88.000 tấn điều nhân sơ chế từ châu Phi. Do kỹ thuật chế biến không bằng Việt Nam, nên loại hàng này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng điều nhân xuất khẩu nói chung.

 

haiquanonline.com.vn

Tác giả: Le Viet Anh
Tìm kiếm chúng tôi