Tin hot

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ổn định vĩ mô, quyết liệt thúc đẩy phục hồi nhanh, phát triển bền vững


Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu bằng mọi biện pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, quyết liệt thúc đẩy phục hồi nhanh, phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngày 4/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022. Trong buổi sáng, Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2022; tình hình kinh tế-xã hội tháng 3, quý I năm 2022 và những trọng tâm chỉ đạo trong thời gian tới; báo cáo cập nhật kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công năm 2021.

Nhiều lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất từ năm 2020 đến nay

Các ý kiến tại cuộc họp đánh giá, trong tháng 3 và quý I, bám sát chủ đề năm 2022 là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển", các bộ, ban, ngành, địa phương tích cực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Nghị quyết 01, 02, Nghị quyết 11 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Trong quý I/2022, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện "đa mục tiêu" gồm tiếp tục kiểm soát dịch bệnh, thực hiện kiểm soát rủi ro, giảm số ca chuyển nặng, tử vong, không để quá tải hệ thống y tế; thúc đẩy phục hồi nhanh, phát triển kinh tế-xã hội bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, chăm lo an sinh xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trước các diễn biến phức tạp của tình hình thế giới… Lãnh đạo Chính phủ tăng cường công tác thực tế tại cơ sở, thăm, khảo sát, làm việc nhằm gỡ những nút thắt quan trọng, đưa ra các giải pháp mang tính đột phá phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Tình hình kinh tế-xã hội quý I khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó nhiều lĩnh vực đạt mức tăng trưởng nhanh nhất tính từ năm 2020 đến nay, tiệm cận mức tăng trước đại dịch. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép, chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I tăng 1,92%; các cân đối lớn, an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm.

Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%, tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Thu ngân sách nhà nước 460,6 nghìn tỷ đồng, đạt 32,6% dự toán, tăng 7,7% so với cùng kỳ; chi ngân sách nhà nước 351,3 nghìn tỷ, đạt 23,4% dự toán.

Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,03% (năm 2021 tăng 1,47%). Doanh nghiệp thành lập mới, tái gia nhập thị trường quý I đạt kỷ lục 60.000 doanh nghiệp, gấp 3 lần cùng kỳ (riêng tháng 3, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 96,3% với số vốn đăng ký tăng 127,3%).

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt kết quả tích cực với 562,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9%, là tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư ngay từ những tháng đầu năm. Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 76,3 nghìn tỷ đồng, bằng 14,4% kế hoạch năm và tăng 10,6% so cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8%, đạt mức cao nhất so với quý I các năm từ 2018 đến nay.

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả tích cực. Năng suất lúa mùa tăng 7,4 tạ/ha. Chăn nuôi phục hồi tốt, sản lượng thịt hơi xuất chuồng quý I các sản phẩm chính (trâu, bò, lợn, gia cầm) đều tăng. Sản lượng thủy sản quý I tăng 2%; nuôi trồng tăng 5,1%, đặc biệt các sản phẩm chủ lực như tôm thẻ chân trắng, cá tra... được mùa, được giá.

 
 
Sản xuất công nghiệp quý I tiếp tục khởi sắc, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp tăng 7,07%, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,79% (82,3% doanh nghiệp trong khu vực này lạc quan về tình hình sản xuất, kinh doanh trong quý II, trong đó, khu vực doanh nghiệp FDI lạc quan nhất với 84,7%). Có 61/63 địa phương có chỉ số IIP tăng.

Thương mại, dịch vụ phục hồi tích cực, đặc biệt sôi động trong tháng 3, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I tăng 4,4% so với cùng kỳ, trong đó tháng 3 tăng 9,4%. Chuỗi cung ứng hàng hóa trong và ngoài nước dần phục hồi. Hoạt động du lịch trên cả nước có dấu hiệu "ấm" trở lại, khách quốc tế đạt gần 91.000 lượt người, tăng 89,1% so với cùng kỳ.

Hoạt động xuất, nhập khẩu phục hồi mạnh mẽ. Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 3 đạt 66,73 tỷ USD (tăng 36,8%); trong đó xuất khẩu tăng 45,5%. Quý I, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 176,35 tỷ USD (tăng 14,4%), trong đó xuất khẩu tăng 12,9%, từ nhập siêu 1,96 tỷ USD tính đến hết tháng 2 chuyển sang xuất siêu 809 triệu USD trong quý I. Nhập khẩu chủ yếu là hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.

Chúng ta tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số, phát triển các mô hình, hoạt động kinh doanh mới, thương mại điện tử… Việt Nam cũng triển khai tốt công tác bảo hộ công dân, cơ bản hoàn thành công tác đưa người Việt Nam từ Ukraine về nước theo nhu cầu.

Chính phủ điều hành tích cực, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả

Kết luận về nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tình hình, diễn biến tháng 3 và quý I có tác động rất lớn tới việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu đã đề ra. Tình hình ở Ukraine ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh trên toàn cầu, tác động đến thị trường năng lượng, tài chính và cung cầu hàng hóa. Cạnh tranh nước lớn tiếp tục diễn ra gay gắt. Giá nguyên liệu đầu vào trên thế giới, chi phí logistics và lạm phát ở nhiều nước tăng cao.

 
 
Ở trong nước, tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp do các biến chủng mới như Omicron, giá nguyên liệu và lạm phát trên thế giới gây áp lực lớn. Nhiều vấn đề kinh tế-xã hội tồn đọng, kéo dài. Tình hình thiên tai, mưa lũ có những diễn biến bất thường do tác động của biến đổi khí hậu. Tình hình tội phạm kinh tế diễn biến phức tạp, nhất là liên quan tới trái phiếu, chứng khoán, bất động sản.

Trước những diễn biến mới phức tạp, đột xuất, bất ngờ, chúng ta vừa phải thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên; vừa phải khắc phục các hạn chế, bất cập trong thời gian qua; vừa giải quyết các vấn đề tồn đọng, kéo dài liên quan tới các dự án, ngân hàng yếu kém, các vụ án, kết luận thanh tra, kiểm tra; vừa phải xử lý các vấn đề phát sinh do tình hình mới.

Chính phủ đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp một cách tích cực, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả. Nhờ đó, hầu hết các lĩnh vực đạt được những chuyển biến rất tích cực, phục hồi mạnh mẽ.

GDP quý I tăng 5,03%, cao hơn tốc độ tăng năm 2021 (4,72%) và năm 2020 (3,66%), dần tiệm cận năm 2019 (6,85%). Trong bối cảnh sức ép lạm phát trong và ngoài nước rất lớn, kinh tế vĩ mô ổn định; chính sách tài khóa, tiền tệ được phối hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả; dự trữ ngoại tệ tăng; lãi suất giảm nhưng tín dụng tăng trưởng; phí và lệ phí giảm nhưng thu ngân sách tăng.

Các cân đối lớn được bảo đảm (thu đủ chi và vượt dự toán 33%; xuất đủ nhập và xuất siêu 809 triệu USD; cân đối lớn về điện được bảo đảm; lương thực, thực phẩm cơ bản ổn định và có xuất khẩu tăng trưởng khá; thị trường lao động phục hồi rất nhanh và đã cơ bản phục hồi).

Công tác an sinh xã hội được triển khai nhanh, làm ngày càng tốt hơn, độ bao phủ an sinh ngày càng lớn, bảo đảm không có ai thiếu ăn, thiếu mặc, nhất là trong dịp giáp hạt, dịp Tết.

Độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đối ngoại được củng cố và tăng cường, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Tình hình dịch bệnh vẫn được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm nhanh, giảm sâu từ cuối tháng 3. Chúng ta cũng làm tương đối tốt việc điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch theo tình hình, đẩy mạnh kiểm soát dịch bệnh theo rủi ro.

Lòng tin của người dân và doanh nghiệp với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp chính quyền tăng lên; bạn bè, đối tác quốc tế, nhà đầu tư đồng tình, ủng hộ, chia sẻ, đánh giá tích cực về Việt Nam.

Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ có ý nghĩa hết sức quan trọng

Thủ tướng nêu rõ, vượt qua những khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả như trên là nhờ bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các cấp chính quyền trong tổ chức thực hiện, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chính quyền và giữa Chính phủ với Quốc hội; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, bạn bè, đối tác quốc tế.

 
 
Qua công tác điều hành, quản lý trong quý I, chúng ta đã rút ra được các kinh nghiệm quý báu. Theo đó, việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ có ý nghĩa hết sức quan trọng, bảo đảm nền kinh tế không bị phụ thuộc, chi phối lớn bởi bên ngoài. Đồng thời không cô lập, tự cung, tự cấp mà tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả, dựa vào nội lực (con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử - văn hóa) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, kết hợp với ngoại lực (vốn, công nghệ, quản trị…) là quan trọng và đột phá.

Cùng với đó, phải giữ vững đoàn kết, thống nhất, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiên định các vấn đề mang tính nguyên tắc nhưng linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết các vấn đề cụ thể. Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, nhất là người đứng đầu, phải tích cực, chủ động hơn nữa trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, bám sát, căn cứ tình hình để xử lý hiệu quả các vấn đề phát sinh.

Đồng thời, phải đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô bằng mọi biện pháp

Dự báo sắp tới tình hình sẽ tiếp tục có thuận lợi, cơ hội, khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, cơ bản đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung lớn.

Trước hết, tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô bằng mọi biện pháp; bám sát tình hình, diễn biến thị trường trong và ngoài nước để bảo đảm các cân đối lớn, không để bị động, bất ngờ. Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cùng các cơ quan liên quan phải phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để thực hiện mục tiêu này.

 
 
Cùng với đó, phải kiểm soát được dịch bệnh, các bộ, ngành, địa phương không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, luôn sẵn sàng, chủ động, tiếp tục tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo, kết luận của Trung ương, Lãnh đạo chủ chốt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19, thực hiện hiệu quả, đồng bộ Nghị quyết số 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Nghị quyết 128.

Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trong bất cứ hoàn cảnh nào, đồng thời giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh, an toàn, an dân để người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm sinh sống, làm việc, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Củng cố đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; tiếp tục quyết liệt hơn nữa trong giải quyết các vấn đề tồn đọng, kéo dài; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Kiên trì, kiên quyết thực hiện đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả và thực chất vì mục tiêu giữ gìn môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm đầu tư công phải dứt khoát không manh mún, chia cắt, dàn trải, kéo dài, làm mất thời gian, tăng thủ tục hành chính, giảm hiệu quả đầu tư. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Quyết liệt phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong chứng khoán, bất động sản

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng nêu rõ các bộ trưởng, trưởng ngành, thủ trưởng cơ quan ngang bộ cần tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân vốn ODA. Việc này trong quý I vừa qua chưa có cải thiện đáng kể. Tiếp tục rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách đầu tư công. Đầu tư công phải dứt khoát không manh mún, chia cắt, dàn trải, kéo dài, làm mất thời gian, tăng thủ tục hành chính, giảm hiệu quả đầu tư. Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí vào cuộc tích cực, mạnh mẽ hơn về nội dung này.

Cùng với đó, chỉ đạo quyết liệt triển khai các chương trình phục hồi nhanh, phát triển bền vững theo các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Tập trung xây dựng các quy hoạch theo Luật Quy hoạch, đồng thời khẩn trương rà soát, tổng hợp các vướng mắc, ách tắc để báo cáo đầy đủ, toàn diện với Quốc hội, đề xuất sửa đổi, bổ sung.

Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản ứng phó với những ảnh hưởng, tác động bởi xung đột tại Ukraine, báo cáo cấp có thẩm quyền khi cần thiết.

Hoan nghênh Bộ Công an vừa qua đã vào cuộc chủ động, mạnh mẽ, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành cần quyết liệt hơn nữa trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong lĩnh vực phát hành trái phiếu, chứng khoán, bất động sản; đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn, phát hiện các vi phạm và vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để sửa đổi, bổ sung.

Đánh giá bổ sung năm 2021 với nhiều kết quả tích cực hơn

Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công năm 2021. Tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021), Chính phủ đã có báo cáo Quốc hội vấn đề này.

Sau khi có đầy đủ thông tin của năm 2021, Báo cáo bổ sung, đánh giá lại cho thấy nhiều điểm tích cực trên các lĩnh vực. Nổi bật là lạm phát được kiểm soát ở mức thấp (CPI bình quân cả năm chỉ tăng 1,84%, thấp nhất kể từ năm 2016, số đã báo cáo Quốc hội là dưới 4%); thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực (tăng gần 202,9 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo); xuất siêu đạt hơn 4 tỷ USD (số đã báo cáo là nhập siêu khoảng 2 tỷ USD); thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tăng trưởng cao 25,2% (số đã báo cáo là giảm 0,2-3,4%)... Tuy nhiên, một số chỉ tiêu giảm so với báo cáo quốc hội như GDP chỉ tăng 2,58% (thấp hơn số đã báo cáo là 3-3,5%)…

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo quy định; làm rõ những nội dung, số liệu thay đổi so với đã báo cáo; phân tích rõ nguyên nhân.

Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm chúng tôi