Tin hot

Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về ATTP trong tình hình mới: Đảm bảo bữa ăn, sức khỏe người lao động là đảm bảo sản xuất


Vệ sinh an toàn thực phẩm tác động trực tiếp sức khỏe, tính mạng của mỗi gia đình công nhân lao động, người dân và toàn xã hội. Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa thay mặt Ban Bí thư ký ban hành Chỉ thị số 17 về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn lương thực thực phẩm trong tình hình mới. Chỉ thị nhấn mạnh vấn đề an toàn thực phẩm là vấn đề hệ trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, cần sự vào cuộc quyết liệt của các bộ ngành, địa phương vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân, trong đó có công nhân lao động.

 


An toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề cấp bách, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe công nhân lao động, người dân. Ảnh: H.T

Bữa ăn an toàn cho người lao động 

Khoảng 17 giờ 30 phút, cánh cửa Công ty May Phú Anh (Thanh Hóa) mở toang, công nhân bắt đầu tan ca để trở về nhà. Chị Dương Anh nhanh chân đến chợ tự phát bên kia đường để mua thực phẩm về nấu cơm tối.

Tuy nhiên, gần nửa tiếng đồng hồ rảo quanh chợ, chị nhiều lần lắc đầu rồi rời đi vì thực phẩm không như ý. Quyết định dừng lại ở hàng cá, chị Dương Anh muốn mua về kho tiêu nhưng khi cầm lên thì thấy không còn tươi. Sau một hồi do dự, chị quyết định mua 800 gram cá trắm giá 60.000 đồng vì rẻ. “Chợ chiều thì chất lượng chỉ có thế, hầu hết thịt gà, bò hay cá, mực... đều là hàng đông lạnh. Chắc họ lấy từ chợ đầu mối, bán từ sáng đến chiều” - chị Dương Anh nói.

Khi được hỏi có yên tâm về chất lượng thực phẩm không, chị công nhân cười trừ: “Lương tháng được 4-5 triệu nên không dám đòi hỏi gì nhiều, thấy người khác mua được, ăn được, gia đình ăn lâu dần cũng quen.

Có thể là hàng kém chất lượng nhưng vẫn phải chấp nhận vì đồng lương không cho phép. Tôi cũng như hàng triệu người dân Việt khác, cũng ước mong bữa cơm hằng ngày được ăn thực phẩm sạch, chứ chưa dám mơ được ăn đủ chất dinh dưỡng. Nhiều lần, vợ chồng cũng thắc mắc không biết họ lấy hàng ở đâu mà rẻ vậy.. Dù thắc mắc vậy nhưng vẫn phải ăn thôi”.

Thực tế cho thấy, trên thị trường hiện nay có rất nhiều thực phẩm “3 không” (không bao bì, không nhãn mác, không hạn sử dụng) “tung hoành”, tràn lan ở các chợ dân sinh. Nỗi lo của người dân về thực phẩm bẩn vẫn chưa vơi.

Thời gian qua, vấn đề an toàn thực phẩm cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Hàng loạt vụ việc liên quan đến vấn đề này được báo chí, người dân phản ánh. Riêng Báo Lao Động cũng có hàng chục tuyến điều tra, vạch trần các đường dây “tuồn” thực phẩm không rõ nguồn gốc vào bếp ăn trường học, bệnh viện, khu công nghiệp; hoa quả không rõ nguồn gốc được gắn tem mác hàng nhập khẩu để lừa người tiêu dùng hay việc đưa heo, gia cầm bệnh ra thị trường, vào bàn ăn của mỗi gia đình. Người dẫn vẫn mong ước được ăn những “bữa ăn sạch”, để bảo vệ sức khỏe của mình.

Thống nhất một đầu mối đảm bảo an toàn thực phẩm

Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM, Chủ tịch Hội Dược học, Phó Chủ tịch Hội Đông y TPHCM đánh giá - an toàn thực phẩm luôn là mối quan tâm sâu sắc của cộng đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người dân.

Dù thời gian qua các cấp ngành đã quan tâm chỉ đạo, nhưng công tác an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập, trong đó có mô hình quản lý chưa đồng bộ, hiệu quả thấp; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước chưa chặt chẽ, nhiều kẽ hở. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định. Tình trạng buôn lậu thực phẩm qua biên giới, quảng cáo sai sự thật, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, kích thích tăng trưởng diễn biến phức tạp. An toàn thực phẩm khu công nghiệp, trường học chưa đảm bảo.

Bà Phong Lan cũng cho biết, mới đây, Văn phòng Trung ương Đảng có thông tin về Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Chỉ thị này đã căn cứ trên tình hình thực tế và có một số bước tiến đáng kể trong quản lý an toàn thực phẩm. Nổi bật là cần sớm kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ trung ương tới địa phương. Đây là nội dung rất có ý nghĩa và được kỳ vọng là giải pháp căn cơ giúp nâng cao công tác quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

“Hiện đang chia 3 Bộ là Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng nhau quản lý vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Dưới các Bộ là 3 sở ở mỗi tỉnh thành, cơ chế phối hợp khó khăn chưa phát huy được hết sức mạnh tập thể. Chỉ thị số 17 nhấn mạnh vào cơ chế quản lý thống nhất chỉ một đầu mối để bắt kịp xu thế các nước. Bởi đa số các nước trên thế giới theo mô hình tập trung quản lý một mối, không chỉ thực phẩm mà còn dược phẩm. Ví dụ như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan đều theo mô hình này” - bà Phong Lan cho biết.

Theo Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vừa là cấp bách, vừa rất lâu dài, quan trọng nhất là cần đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức của mỗi người dân về sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo Báo Lao động

Nguồn:congnghiepsinhhocvietnam.com.vn Copy link
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm chúng tôi