Tin hot

Tỉnh Vĩnh Phúc: Phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp hỗ trợ


Tỉnh Vĩnh Phúc sẽ đầu tư gần 100 tỷ đồng trong 4 năm (2022 - 2025) để hiện thực hóa các mục tiêu Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Vĩnh Phúc sẽ đầu tư gần 100 tỷ đồng trong 4 năm (2022 - 2025) để hiện thực hóa các mục tiêu trong Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh. Đó là những nội dung được thể hiện tại Quyết định số 3663/QĐ-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc Ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Huy động các thành phần kinh tế

UBND tỉnh Vĩnh Phúc xác định, phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với doanh nghiệp nhỏ và vừa giữ vai trò then chốt, xuyên suốt nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp tỉnh. Đồng thời, tập trung huy động các thành phần kinh tế tham gia phát triển công nghiệp hỗ trợ, trọng tâm là thành phần kinh tế ngoài nhà nước.

Tỉnh Vĩnh Phúc: Phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp hỗ trợ

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tận dụng tốt cơ chế, chính sách phát triển

Chương trình nhấn mạnh, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của tỉnh và khai thác được các cơ hội trong bối cảnh hội nhập để nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh trong và ngoài nước, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Mục tiêu đề ra đến năm 2025, công nghiệp hỗ trợ của tỉnh trở thành một mắt xích cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế, tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo đó, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh có trên 50 doanh nghiệp có đủ điều kiện phát triển trở thành nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 cho các hãng sản xuất sản phẩm ôtô, xe máy, điện, điện tử hoàn chỉnh và cung cấp một phần cho doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn hoặc xuất khẩu; 10 doanh nghiệp trong nước sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có thể tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn kinh tế lớn, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế và tham gia vào thị trường quốc tế; liên kết xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn, cải tiến doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Nhiều chính sách cải thiện môi trường đầu tư

Nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ tại địa phương phát triển bền vững, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động. Trong đó, với Quyết định 23/2019/QĐ-UBND, tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa ra nhiều chính sách, như: Hỗ trợ 100% các khoản chi phí tổ chức đánh giá, xác nhận năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ 70% các khoản phí tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; tổ chức hội chợ triển lãm kết nối công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ 70% chi phí đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ… Bên cạnh các cơ chế, chính sách từ trung ương, tỉnh cũng đã và đang tập trung nhiều giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Toàn tỉnh hiện có 240 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hoặc có liên quan đến công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào các nhóm ngành chủ yếu như công nghiệp cơ khí; ôtô, xe máy; dệt may; điện tử, tin học; vật liệu xây dựng. Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tốt cơ chế, chính sách hỗ trợ của trung ương và tỉnh, chủ động điều chỉnh tăng vốn, mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất, đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Qua đó, không chỉ giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, tăng thu ngân sách nhà nước, mà còn góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ lực của địa phương phát triển, tăng sức hấp dẫn đối với môi trường đầu tư của tỉnh.

Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Vĩnh Phúc có tổng kinh phí 94,723 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ ngân sách nhà nước xấp xỉ 66,103 tỷ đồng và nguồn khác 28,620 tỷ đồng, phân bổ trong 4 năm (2022 – 2025).
Tác giả: Nguyễn Duyên
Tìm kiếm chúng tôi