Tin hot

Vĩnh Phúc: Tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội theo hướng toàn diện


Các cấp, ngành tỉnh Vĩnh Phúc đã, đang tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng toàn diện.

Tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình, Công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng toàn diện.

Chủ động gỡ khó cho sản xuất, kinh doanh

Với đặc điểm là một tỉnh có độ mở kinh tế cao, quy mô công nghiệp lớn, quý I năm 2023 tỉnh Vĩnh Phúc gặp nhiều khó khăn. Nền kinh tế toàn cầu có sự suy giảm dẫn đến giảm nhu cầu tiêu dùng và tăng lượng hàng tồn kho đã gây áp lực cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp của tỉnh, nhất là các ngành chủ lực như: Sản xuất ô tô chỉ đạt sản lượng bằng 61,5%, sản xuất xe máy đạt 85,7%, sản xuất linh kiện điện tử đạt mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây…

Vĩnh Phúc: Tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội theo hướng toàn diện
Dự án lưới điện đang được đẩy nhanh tiến độ

Đến quý II và quý III, tình hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc có dấu hiệu phục hồi. Từ tốc độ tăng GRDP quý I năm 2023 giảm 0,5%, thuộc nhóm 5 tỉnh có mức tăng trưởng âm, đến giai đoạn tháng 6 tốc độ tăng GRDP của tỉnh đạt 1,69%, tháng 9 tăng 2,1%; GRDP theo giá hiện hành tăng 3,1%, là tỉnh duy nhất trong nhóm 5 tỉnh tăng trưởng âm phục hồi tăng trưởng. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,49%; khu vực công nghiệp, xây dựng giảm 0,74%; khu vực dịch vụ tăng 8,43%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,84%.

Thời gian quan, Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh những mũi nhọn kinh tế, môi trường đầu tư tiếp tục được quan tâm, chú trọng cải thiện. Các chỉ số thành phần thuộc chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được giao cụ thể cho các ngành, lĩnh vực, địa phương chịu trách nhiệm để nâng cao. Những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được chuyển đến cơ quan nhà nước, đến Chủ tịch UBND tỉnh thông qua Tổ giúp việc đã được tiếp nhận và kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết. Từ đó, trong giai đoạn vừa qua, kết quả thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, số vốn FDI tăng cao so với cùng kỳ năm trước, vượt kế hoạch năm; số vốn DDI tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, vượt gấp bốn lần so với kế hoạch năm.

Vĩnh Phúc: Tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội theo hướng toàn diện
Công nhân nhà máy FDI làm việc tại khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc

Cùng với đó, khu vực kinh tế tập thể cũng tiếp tục được quan tâm, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 04/2023/NQ-HĐND ngày 5/5/2023 về một số chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh, đồng thời kiện toàn Ban chỉ đạo, thành lập tổ giúp việc và ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã của tỉnh.

Đáng chú ý, công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, nhất là công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. UBND tỉnh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách hành chính nhà nước; ban hành kế hoạch cải cách hành chính nhà nước năm 2023; thành lập Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh; ban hành Kế hoạch nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2023; tiến hành kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ công tác cải cách hành chính đối với 2 đơn vị. Kết quả Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh năm 2022 xếp thứ 7 toàn quốc và thứ 4 vùng đồng bằng sông Hồng, riêng chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố.

Tạo cơ sở tốt nhất để phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, 3 tháng cuối năm, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, với sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ban, ngành.

UBND tỉnh tăng cường phối hợp với các sở, ngành, các huyện triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; duy trì các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, tổ giúp việc cho Chủ tịch UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; chủ động kết nối, làm việc với các nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh.

Vĩnh Phúc: Tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội theo hướng toàn diện

Vĩnh Phúc dự kiến đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 82%, trong đó đào tạo được cấp bằng chứng chỉ đạt 40%

Giai đoạn này, tỉnh sẽ hoàn thành, trình phê duyệt và tổ chức triển khai Nghị quyết về phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm giai đoạn đến năm 2030. Một số đề án trọng tâm có thể kể đến như: Đề án phát triển thương mại điện tử đến năm 2030; Đề án phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm giai đoạn đến năm 2030; Đề án nâng cao chất lượng hạ tầng lưới điện khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Đề án đầu tư xây dựng hệ thống điện chiếu sáng thông minh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Đối với lĩnh vực đầu tư công, tỉnh quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành để hoàn thành Kế hoạch đầu tư công năm 2023; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; triển khai nhanh các thủ tục đầu tư, phối hợp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc; xây dựng tiến độ chi tiết cho từng dự án/công trình để theo dõi, đôn đốc, quản lý tiến độ, đảm bảo tiến độ chung. Tỉnh phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công phải đạt từ 95% kế hoạch vốn giao trở lên.

Trong lĩnh vực xây dựng, các cơ quan chức năng cũng rà soát, đề xuất đơn giản hóa các thủ tục, giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc trong công tác thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, thiết kế, dự toán xây dựng, quản lý dự án, cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng và cấp giấy phép xây dựng; thẩm định các dự án, công trình theo phân cấp đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn.

Trong lĩnh vực tài chính, các cấp, các ngành liên quan tăng cường quản lý, điều hành ngân sách tỉnh, điều hành chi ngân sách hợp lý, ưu tiên thực hiện các chế độ, chính sách đã ban hành liên quan đến các nhiệm vụ, chương trình, dự án cấp bách, trọng điểm của tỉnh. Cùng với đó, tỉnh định hướng cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn; đẩy mạnh triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, công tác đảm bảo thực hiện các chính sách an sinh xã hội luôn được chú trọng nhằm tạo cơ sở tốt nhất để phát triển các hoạt động kinh tế. Cụ thể, chú trọng triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách của Trung ương, của tỉnh về công tác lao động; mở rộng liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Trung ương với các cơ sở ở địa phương và gắn với doanh nghiệp; tổ chức thực hiện có hiệu quả các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án về việc làm, hỗ trợ tạo việc làm, phát triển thị trường lao động, dịch vụ việc làm; thu thập, lưu trữ, tổng hợp, phân tích, dự báo, phổ biến và quản lý thông tin thị trường lao động của tỉnh.

Tìm kiếm chúng tôi