Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang chia sẻ tại sự kiện.
Đó là thông tin được Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang đưa ra tại buổi họp báo về Lễ Kỷ niệm 25 năm thành lập và Hội nghị tổng kết 2024, sáng 19/11.
Tăng trưởng trong khó khăn
Theo ông Vũ Đức Giang, mặc dù trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, xung đột leo thang ở nhiều khu vực; giá xăng dầu, cước vận tải biến động mạnh, kinh tế thương mại phục hồi chậm, tổng đầu tư toàn cầu sụt giảm, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng diễn biến phức tạp, nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam tháng 10/2024 ước đạt 3,86 tỷ USD, tăng 10,7% so với tháng trước và 24,26% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 10 tháng 2024 ước đạt 36,11 tỷ USD, tăng 9,86% so cùng kỳ 2023, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc ước đạt 28,38 tỷ USD, tăng 10,54%; kim ngạch xuất khẩu xơ sợi ước đạt 3,66 tỷ USD, tăng 0,47%; kim ngạch xuất khẩu vải ước đạt 2,22 tỷ USD, tăng 11,12%... Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may của Việt Nam 10 tháng 2024 ước đạt 20,61 tỷ USD, tăng 15% so cùng kỳ 2023.
Do đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 44 tỷ USD như dự kiến, tăng 11,26% so với năm 2023, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25 tỷ USD, tăng 14,79%; xuất siêu 19 tỷ USD, tăng 6,93% so với năm 2023.
Về thị trường xuất khẩu, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 16,71 tỷ USD, tăng 12,33% so với năm 2023 và chiếm tỷ trọng 37,98% tổng kim ngạch xuất khẩu; Nhật Bản ước đạt 4,57 tỷ USD, tăng 6,18%, chiếm tỷ trọng 10,39%; EU ước đạt 4,3 tỷ USD tăng 7,66%, chiếm tỷ trọng 9,77%; Hàn Quốc ước đạt 3,93 tỷ USD, tăng 10,36%, chiếm tỷ trọng 8,93%; Trung Quốc ước đạt 3,65 tỷ USD, tăng 1,76%, chiếm tỷ trọng 8,3%; ASEAN ước đạt 2,9 tỷ USD, tăng 4,84%, chiếm tỷ trọng 6,59%.
Ngành hút lao động lớn nhất
Theo ông Vũ Đức Giang, VITAS được thành lập từ năm 1999. Trong 25 năm qua, VITAS đã đồng hành cùng các hội viên và doanh nghiệp trong ngành nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, góp phần quan trọng vào sự phát triển mạnh mẽ của ngành dệt may Việt Nam.
"25 năm qua, ngành dệt may đã đạt được nhiều dấu mốc phát triển ấn tượng. Từ chỗ ngành dệt may chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, kim ngạch xuất khẩu rất nhỏ bé so với Thái Lan, Indonesia, Philippine… đến nay đã vươn lên vị trí cường quốc xuất khẩu thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh" - ông Vũ Đức Giang nói.
Ông Giang cũng cho hay, thị trường trong nước 25 năm qua cũng tăng từ trên 300 triệu USD lên khoảng 4,5 tỷ USD. Thặng dự thương mại năm 2024 đạt 19 tỷ USD tăng 108,6 lần so với 175 triệu USD của năm 1999. Với lực lượng lao động trên 3 triệu người, dệt may là ngành thu dụng lao động lớn nhất trong các ngành kinh tế cả nước, góp phần quan trọng giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động, giữ vững trật tự, an toàn xã hội, tăng thu ngân sách cho Nhà nước, các địa phương và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Có được kết quả đó, VITAS đã thực hiện tốt vai trò, chức năng để ngành dệt may mở rộng thị trường xuất khẩu; tham gia và hoạt động tích cực tại nhiều tổ chức quốc tế lớn chuyên ngành dệt may như ITMF, AFTEX, AFF… kết nối các doanh nghiệp với nhiều tổ chức và hiệp hội dệt may quốc tế, tranh thủ chuyên gia, kinh nghiệm, kinh phí để mở các lớp đào tạo về kỹ thuật, thiết kế, xây dựng thương hiệu, cập nhật công nghệ, kỹ năng nghề, phát triển bền vững…
Đặc biệt, cũng là cầu nối giữa các doanh nghiệp dệt may với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để phán ánh những vướng mắc về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, thuế, hải quan, lao động tiền lương, bảo hiểm…
Thực hiện Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày, từ nay đến năm 2030, ngành sẽ chuyển dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững. Từ 2031 - 2035, phát triển bền vững một cách hiệu quả theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong đó, việc xanh hóa dệt may vẫn một số cơ chế đang làm tắc nghẽn trong dòng tín dụng xanh. Nếu làm được thì thuê các tổ chức quốc tế cấp chứng chỉ để tăng khả năng cạnh tranh... Do đó, các doanh nghiệp dệt may phải xác định rõ lộ trình thực hiện xanh hóa, sử dụng bao nhiêu năng lượng, thải ra bao nhiêu chất thải, khí thải carbon… Từ đó đưa ra chiến lược phù hợp với khả năng, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ.
Giai đoạn mới, với vai trò dẫn dắt ngành dệt may Việt Nam, VITAS sẽ tiếp tục nỗ lực; tập trung trí tuệ, sức sáng tạo, cùng các doanh nghiệp đoàn kết triển khai hiệu quả giải pháp chuyển đổi kép, để xây dựng một thương hiệu dệt may Việt Nam bền vững.
"Hiện các doanh nghiệp đã đẩy mạnh đầu tư, đổi mới trang thiết bị hiện đại và triển khai các giải pháp nhằm xanh hóa sản xuất, đồng thời tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu, đa dạng hóa thị trường. Vì vậy, tôi tin năm 2025 ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 47 - 48 tỷ USD... là khả quan" - ông Nguyễn Đức Giang dự báo.
Hoạt động xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam tiếp tục được cải thiện thể hiện ở tốc độ tăng trưởng ngày càng mở rộng so với những tháng đầu năm. Trong đó, những thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng; thị trường ASEAN, Nga, Canada… đang là điểm sáng tiềm năng để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may. Ngoài ra, giá cước vận tải tiếp tục có xu hướng giảm cũng đang hỗ trợ cho sự tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may.